Nguyên nhân được xác định là do hậu quả của đại dịch COVID-19 kéo dài, thị trường bất động sản trầm lắng, thời tiết khô hạn trên diện rộng, năng lực cạnh tranh nền kinh tế còn thấp, doanh nghiệp quy mô nhỏ, năng suất lao động chưa cao...
Bên cạnh bốn chỉ tiêu kinh tế đạt và vượt so với kịch bản tăng trưởng trong 6 tháng đầu năm 2023, gồm có: diện tích trồng rừng; số doanh nghiệp thành lập mới; vốn đầu tư phát triển; tổng mức bán lẻ hàng hóa. Các chỉ tiêu kinh tế còn lại của tỉnh Yên Bái đều không đạt so với kịch bản tăng trưởng, một số chỉ tiêu đạt thấp, có nguy cơ ảnh hưởng đến mục tiêu hoàn thành kế hoạch của cả năm 2023.
Cụ thể, nhóm các chỉ tiêu không đạt so với kịch bản tăng trưởng của tỉnh Yên Bái gồm: Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn; Cơ cấu tổng sản phẩm trên địa bàn; Chỉ số sản xuất công nghiệp; Giá trị xuất khẩu hàng hóa; Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Đáng chú ý là chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước trên địa bàn chỉ đạt 1.495 tỷ đồng, bằng 28,7% kế hoạch, bằng 63,1% kịch bản tăng trưởng.
Theo lý giải của ông Vũ Tuấn Hà, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Yên Bái, nguyên nhân chủ yếu gây hụt thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Yên Bái là do nguồn thu từ đất giảm mạnh do thị trường đóng băng, cùng với nguồn thu từ thủy điện cũng giảm mạnh do thiếu nước sản xuất. Đặc biệt, nguồn thu thuế doanh nghiệp ngoài quốc giảm đáng kể, nhất là thu thuế từ các doanh nghiệp trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản và khoáng sản.
Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái chỉ rõ, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt 6,59%, trong khi kịch bản tăng trưởng là 6,95%. Đối với chỉ tiêu giá trị xuất khẩu hàng hóa giảm mạnh, đạt 151 triệu USD, bằng 43% kế hoạch, chỉ đạt gần 88% kịch bản tăng trưởng; trong đó, nhóm hàng công nghiệp và chế biến khoáng sản xuất khẩu giảm 14%, nhóm hàng may mặc giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022.
Chỉ tiêu cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo hướng bất lợi, gia tăng tỷ trọng lĩnh vực nông lâm nghiệp, nhiều lĩnh vực sản xuất công nghiệp bị thu hẹp về quy mô, cụ thể: Lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng trưởng gần 25% trong khi kịch bản tăng trưởng là 21%; lĩnh vực công nghiệp - xây dựng tăng trưởng trên 30,5% trong khi kịch bản tăng trưởng đề ra là 34%... Tốc độ tăng trưởng chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 5,25% thấp hơn nhiều so với mức tăng hơn 11% của cùng kỳ năm 2022.
Để hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế của cả năm 2023, trọng tâm là đạt được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn 7,5%, với kim ngạch xuất khẩu đạt 350 triệu USD và thu ngân sách đạt 5.200 tỷ đồng, tỉnh Yên Bái đã đề ra một số giải pháp chủ yếu, tập trung thực hiện cho 6 tháng cuối năm 2023.
Cụ thể, tỉnh thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội bền vững; sản xuất nông nghiệp hàng hóa chuyển dịch theo hướng hiện đại, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững; hình thành thương hiệu của một số sản phẩm chủ lực. Tỉnh triển khai hiệu quả dự án phát triển sản xuất, liên kết theo chuỗi giá trị. Tiêu chuẩn hóa các sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm).
Cùng đó, tỉnh phát triển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, duy trì tốc độ tăng trưởng cao theo hướng sản xuất, chế biến sâu. Thực hiện đồng bộ các chính sách ưu đãi, hỗ trợ phát triển công nghiệp; chú trọng quy hoạch, đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển chuỗi công nghiệp chế biến, chế tạo, đa dạng các sản phẩm trên cơ sở lợi thế của tỉnh; khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, thị trường tiêu thụ ổn định, sử dụng công nghệ tiên tiến, tiết kiệm chi phí.
Ngoài ra, tỉnh kiểm soát chặt chẽ các nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước; cắt giảm các nhiệm vụ chi chưa thật sự cần thiết, tăng tỷ lệ tiết kiệm chi thường xuyên để tập trung nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện giao dự toán theo hình thức khoán chi, đặt hàng, giao nhiệm vụ bảo đảm công khai, minh bạch, hiệu quả....
Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với cơ cấu lại đầu tư công, huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát chặt chẽ, bảo đảm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 và năm 2023. Tỉnh tập trung bố trí vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các chương trình, dự án quan trọng, trọng điểm, có tác động thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong 6 tháng cuối năm 2023 và những năm tiếp theo.