Các sản phẩm được chứng nhận OCOP rất đa dạng, từ các nhóm ngành thực phẩm, đồ uống, thảo dược cho đến sản phẩm thủ công mỹ nghệ hay sản phẩm du lịch nhà nghỉ cộng đồng (homestay)...
Để đạt được kết quả trên, tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các ngành, các tổ chức đoàn thể cùng các địa phương tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức để người dân thực sự là chủ thể của chương trình, đồng thời tiến hành quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa nông nghiệp tập trung, lựa chọn các sản phẩm, xây dựng các hình thức tổ chức sản xuất… Yên Bái đã xây dựng cơ chế hỗ trợ để các tổ chức kinh tế phát triển sản phẩm, nhãn mác, bao bì sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại. Nhờ đó, sản phẩm OCOP ở Yên Bái đang từng bước nâng cao chất lượng, góp phần thúc đẩy chương trình xây dựng nông thôn mới trên toàn địa bàn.
Ông Đàm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Thái Sơn (địa chỉ tại xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên) khẳng định, sản phẩm sau khi được “gắn sao” đã được nhiều người tiêu dùng biết đến và ưu tiên sử dụng. Hiện nay, mỗi năm Hợp tác xã Thái Sơn chế biến 8.000 - 10.000 lít dầu lạc đỏ và lạc trắng, 1.000 lít dầu đậu tương, 5 tấn lạc ri vỏ đỏ. Tính ra mỗi năm, Hợp tác xã tiêu thụ giúp nông dân huyện Lục Yên khoảng 20 - 25 tấn lạc các loại. Đây là đầu mối thu mua lớn nhất tạo điều kiện cho nông dân ổn định, phát triển sản xuất. Sản phẩm khi mới đưa ra thị trường đã được cơ quan chức năng hỗ trợ giới thiệu tại các hội nghị, hội chợ..., qua đó nhiều cửa hàng bán lẻ, cửa hàng thực phẩm sạch, các siêu thị đã đặt vấn đề ký hợp đồng tiêu thụ.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lục Yên, chương trình OCOP đã nâng tầm giá trị các sản phẩm của huyện, nhất là các sản phẩm nông nghiệp. Nhờ đó, thu nhập của người dân đã được nâng cao, đặc biệt là góp phẩm làm thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu, hướng người dân vào kinh tế thị trường, tạo ra hướng đi mới trong sản xuất kinh doanh các sản phẩm truyền thống có lợi thế ở khu vực nông thôn, góp phần tái cơ cấu kinh tế nông thôn.
Hiện nay, tất cả các huyện, thị xã, thành phố tỉnh Yên Bái đều đã chú trọng đầu tư xây dựng để nâng tầm các sản phẩm để chương trình OCOP đi vào chiều sâu Huyện Trấn Yên sau gần 2 năm thực hiện Chương trình đã có 17 sản phẩm OCOP được công nhận đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên, trong đó có 5 sản phẩm vừa được công nhận trong năm 2021. Huyện Yên Bình đã xây dựng được 5 chuỗi giá trị, 5 sản phẩm đạt chuẩn OCOP, tập trung vào các sản phẩm đặc sản chủ lực như cá hồ Thác Bà, bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà…
Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng, mở rộng quy mô và thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP hướng đến xuất khẩu; đưa chương trình OCOP đi vào chiều sâu, gắn phát triển nông nghiệp với các ngành kinh tế khác. Tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP; phát triển, nâng cấp 30 sản phẩm, trong đó đầu tư nâng cấp 20 sản phẩm thế mạnh, phát triển 10 sản phẩm mới.