Theo ông Nguyễn Trí Đại, Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh, ngành bảo hiểm đã chủ động liên hệ với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động để hướng dẫn thực hiện các chính sách hỗ trợ theo quy định; giảm thời gian giải quyết thủ tục hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động chỉ trong một ngày.
Đặc biệt, tỉnh đã thực hiện khẩn trương, hiệu quả việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp theo Nghị quyết 68 của Chính phủ và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ; Nghị quyết 116 của Chính phủ và Quyết định số 28 của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ trên 50 nghìn người lao động và 3.185 doanh nghiệp, người sử dụng lao động với tổng kinh phí trên 59 tỷ đồng.
Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái cho thấy ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến 418 doanh nghiệp, 41 hợp tác xã tạm ngừng hoạt động; 28 doanh nghiệp và 2 hợp tác xã giải thể; 33 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang gặp khó khăn về việc làm và thiếu hụt chuyên gia. Số lao động bị mất việc trong tỉnh là 2.660 người. Tỉnh có hơn 6.000 lao động đi làm việc ngoài tỉnh bị mất việc làm và trở về địa phương.
Bên cạnh việc khẩn trương thực hiện các chính sách hỗ trợ, tỉnh Yên Bái đang thực hiện đồng bộ các chính sách, giải pháp phát triển nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường lao động nội tỉnh. Trong 11 tháng qua, có 19.031 người lao động có việc làm mới, bằng 97,59% kế hoạch; 17.574 người được tuyển sinh đào tạo nghề, bằng 97,63% kế hoạch; 6.727 người chuyển đổi lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp, bằng 101,92% kế hoạch.
Để thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cho biết, tỉnh tăng cường việc rà soát, thống kê và đôn đốc các cơ quan liên quan trong việc giải quyết các chính sách hỗ trợ để đảm bảo tiến độ, đúng chính sách, đối tượng. Bên cạnh đó, tỉnh đang mở rộng đối tượng được nhận hỗ trợ theo Quyết định 33 của Thủ tướng Chính phủ.
Yên Bái đã thực hiện các giải pháp thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp, như: Cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay; gia hạn nộp thuế, bảo hiểm xã hội; xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ hàng hóa nội địa, kết nối chuỗi giá trị; miễn, giảm và gia hạn nộp tiền thuê đất, đồng thời hướng dẫn thực hiện ngay việc miễn, giảm, hoãn các loại thuế, phí theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương.