Ngày 24/3/1994, cách đây 30 năm, huyện Tân Hưng chính thức có tên trên bản đồ hành chính của tỉnh Long An và cả nước, được tách ra từ huyện Vĩnh Hưng theo Nghị định số 27/NĐ-CP của Chính phủ.
Là một trong những huyện biên giới thuộc khu vực Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, diện tích tự nhiên hơn 50.187 ha, dân số 54.000 người, Tân Hưng gồm 11 xã và một thị trấn, có đường biên giới giáp Campuchia với chiều dài gần 16 km.
Khi mới thành lập, kinh tế ở mức thấp, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Huyện Tân Hưng có trên 50% diện tích đất bị nhiễm phèn, thường xuyên ngập chìm trong lũ lụt, nắng hạn kéo dài, thiếu cả nước ngọt phục vụ sản xuất và nước sạch dùng cho sinh hoạt. Sản xuất lúa một vụ/năm bấp bênh, năng suất thấp, giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu là đường thủy. Cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì. Tình hình an ninh trật tự, an toàn xã hội, nhất là khu vực biên giới diễn biến phức tạp, nạn trộm, cướp có vũ trang gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân. Trình độ dân trí thấp, hệ thống chính trị còn non trẻ, đội ngũ cán bộ trong huyện thiếu, năng lực hạn chế, chưa am hiểu hết tình hình địa phương.
Huyện còn phải đương đầu với hai cơn lũ lụt lớn trong năm 1994, 1995 và cơn lũ lịch sử năm 2000 làm cho tình hình kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh của huyện vốn đã khó lại càng khó khăn hơn.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tân Hưng phát huy truyền thống cánh mạng, đoàn kết một lòng, nêu cao ý chí tự lực, tự cường và luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, sự giúp đỡ, tạo điều kiện đầu tư của các Bộ, ngành Trung ương và các sở, ngành, đặc biệt sự đồng thuận của nhân dân đã giúp huyện sớm ổn định nơi làm việc và kiện toàn hệ thống chính trị.
Chính quyền và nhân dân Tân Hưng đạt được những thành tựu quan trọng qua 30 năm, từng bước làm thay đổi diện mạo một địa phương từ vùng đất hoang hóa lâu đời, khắc nghiệt của thiên nhiên và hậu quả nặng nề chiến tranh để lại. Đến nay, Tân Hưng thay da đổi thịt và trở thành vùng đất trù phú, phát triển ổn định trên các lĩnh vực kinh tế - văn hóa xã hội, quốc phòng - an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.
Suốt chặng đường 30 năm hình thành, xây dựng và phát triển, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tân Hưng được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý. Toàn huyện có 117 Bà Mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng. Huyện có 4 xã được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong huyện vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Ba vào dịp kỷ niệm 20 năm thành lập huyện. Tại buổi lễ, Tân Hưng vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động Hạng Nhì.
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Huỳnh Thanh Hiền cho biết, Tân Hưng rất phấn khởi, tự hào trước những thành tích đạt được sau 30 năm xây dựng và trưởng thành, nhưng cũng ý thức sâu sắc rằng thành tựu đạt được hôm nay chỉ là bước đầu. Bởi Tân Hưng còn nhiều khó khăn như: Kết cấu hạ tầng giao thông - thủy lợi phát triển chưa đồng bộ; tỷ lệ hộ nghèo còn cao, đời sống một bộ phận nhân dân vẫn còn khó khăn; chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tình hình an ninh trên tuyến biên giới có lúc còn diễn biến phức tạp...
Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Long An Phạm Tấn Hòa nhấn mạnh, để đạt được những thành quả mới, vững chắc hơn nữa trong thời gian tới, đòi hỏi mỗi tổ chức, cá nhân phải có quyết tâm chính trị cao, nỗ lực nhiều, trách nhiệm lớn và hành động quyết liệt với những nhiệm vụ chung.
Huyện phải xác định và nhất quán phương châm “Nguồn lực từ tư duy, động lực từ đổi mới, sức mạnh từ nhân dân”. Hệ thống chính trị của huyện phải thực sự đoàn kết, năng động, sáng tạo, phát huy tính tự lực, tự cường. Xác định rõ nguyên tắc: Dựa vào nội lực là cơ bản, chiến lược, lâu dài; ngoại lực là quan trọng, đột phá; quyết tâm xây dựng huyện Tân Hưng ngày càng văn minh, giàu đẹp.