Kỷ niệm 40 năm tái thành lập huyện Bến Lức, tỉnh Long An

Ngày 7/1, Huyện ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Bến Lức, tỉnh Long An tổ chức Lễ kỷ niệm 40 năm tái thành lập huyện (14/1/1983 - 14/1/2023) và đón nhận Huân chương Độc lập hạng Ba.

Chú thích ảnh
Nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được trao Huân chương Độc lập hạng Ba cho huyện Bến Lức. 

Tham dự có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được.

Cách đây 4 thập kỷ, vào ngày 14/01/1983, Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 05-HĐBT về việc phân vạch địa giới một số huyện, xã và thị xã thuộc tỉnh Long An, trong đó tách huyện Bến Thủ thành 2 huyện: Bến Lức và Thủ Thừa. Đây là bước ngoặt quan trọng, mở ra điều kiện mới để Bến Lức và Thủ Thừa ổn định, phát triển. Từ đó đến nay, nhiều thành tựu trong kinh tế, xã hội và công tác xây dựng Đảng trên quê hương Bến Lức được đơm hoa, kết trái.

Chú thích ảnh
Nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo địa phương tặng hoa cho Mẹ Việt Nam anh hùng.

Bến Lức là địa phương giàu truyền thống cách mạng, mảnh đất này là nơi hình thành và phát triển tổ chức Đảng từ rất sớm. Nền móng là chi bộ Long Phú - chi bộ đầu tiên của Tỉnh ủy Chợ Lớn thành lập chỉ hơn 10 ngày sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời.

Trải qua các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, Bến Lức có trên 10.000 người có công; gần 3.000 liệt sỹ; trên 500 thương binh, bệnh binh; trên 200 người bị địch bắt tù đày; trên 120 người bị nhiễm chất độc hóa học; gần 530 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Đặc biệt mẹ Mai Thị Tốt (thị trấn Bến Lức) có 8 người con và 2 cháu nội là liệt sỹ; con dâu của mẹ là mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Vĩnh (xã Thạnh Hòa) có chồng và 6 người con là liệt sỹ... Với những đóng góp, hy sinh vô cùng to lớn, Bến Lức vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới; 15/15 xã, thị trấn và 10 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, góp phần tô thắm lịch sử Đảng bộ tỉnh, làm rạng danh quê hương Long An “Trung dũng, kiên cường, toàn dân đánh giặc”.

Chú thích ảnh
Ông Trần Văn Tươi, Chủ tịch UBND huyện Bến Lức, nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. 

Bến Lức cũng là quê hương nhà trí thức yêu nước, cố Luật sư Nguyễn Hữu Thọ; quê hương của Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực với câu nói bất hủ: “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam thì mới hết người Nam đánh Tây”…

Phát huy truyền thống vẻ vang, Bến Lức luôn ra sức thực hiện những mục tiêu, nhiệm vụ có tính chiến lược. Từ một huyện thuần nông với điểm xuất phát thấp nhưng có vị trí chiến lược thuận lợi là địa bàn kết nối các tỉnh miền Đông Nam Bộ, trong đó có Thành phố Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Hiện nay, tỷ trọng lĩnh vực công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ chiếm gần 99%, nông nghiệp còn trên 1%. Toàn huyện có 6 khu công nghiệp, 5 cụm công nghiệp với tỷ lệ lấp đầy gần 90%. Tốc độ đô thị hóa nhanh làm thay đổi tích cực về diện mạo đô thị; thu hút đầu tư hàng năm đạt khá cao, trong đó đầu tư trong nước chiếm 8,5% và đầu tư nước ngoài chiếm 13,5% trong tổng vốn đầu tư toàn tỉnh; thu ngân sách năm 2022 lần đầu tiên đạt mốc 1.000 tỷ đồng, là một trong những huyện đầu tàu, động lực kinh tế của tỉnh.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được phát biểu tại buổi lễ. 

Phát biểu tại buổi Lễ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Long An Nguyễn Văn Được khẳng định: Bến Lức là một trong những địa bàn của tỉnh nằm dọc tuyến quốc lộ 1A - vùng đất có vị trí chiến lược quan trọng đối với quê hương Long An trong sự nghiệp cách mạng năm xưa, cũng như thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày nay. Trong những ngày đầu tái thành lập, Bến Lức gặp vô vàn khó khăn. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 1983 - 1985 chỉ đạt 2,37%; sản xuất nông nghiệp là chủ yếu với phương thức canh tác còn thô sơ, lạc hậu; trình độ dân trí còn thấp; đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn; kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông hầu như chưa có gì nổi bật; đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở còn thiếu… Đến nay, Bến Lức có tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, năm 2022 là 15,07%.

Chú thích ảnh
Các tập thể, cá nhân được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Long An vì những đóng góp cho sự phát triển của địa phương. 

Ông Nguyễn Văn Được kỳ vọng, những thành tích và bài học kinh nghiệm có được từ chặng đường 40 năm qua sẽ là nền tảng, là động lực quan trọng giúp Bến Lức tự tin vươn tới chinh phục những thành công mới.

Bài, ảnh: Đức Hạnh (TTXVN)
Cần cơ chế ứng phó với vấn đề khẩn cấp chưa có tiền lệ
Cần cơ chế ứng phó với vấn đề khẩn cấp chưa có tiền lệ

Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, chiều 7/1, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN