Vùng biên Tây Giang vươn lên từ '4 không'

Sau gần 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW ngày 10/10/2017 của Bộ Chính trị, các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh và của địa phương về phát triển kinh tế - xã hội các xã biên giới đất liền kết hợp với tăng cường, củng cố quốc phòng - an ninh, đối ngoại, vùng biên giới huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam - địa phương tiếp giáp với các huyện Kạ Lừm và Đắc Chưng của nước bạn Lào từ chỗ “4 không” (không điện, không đường, không trường, không trạm) với tỷ lệ hộ nghèo ở mức cao đã phát triển vượt bậc về nhiều mặt.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và huyện Tây Giang khảo sát những vị trí giãn dân tái định cư lâu dài cho đồng bào.

Già làng Bríu Nhai (thôn Atu 2, xã biên giới Chơ’ơm, huyện Tây Giang) được bà con đặc biệt quý trọng. Với đồng bào, già làng Bríu Nhai không chỉ như như cây gỗ quý trong rừng bởi sự kiên cường, gương mẫu, mà còn được bà con ví như nguồn suối mát trong lành bởi sự lan tỏa về kinh nghiệm sản xuất, trồng trọt, chăn nuôi để xóa đói giảm nghèo.

Được Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng biên, già làng Bríu Nhai chọn cây dược liệu có giá trị kinh tế cao là cây đẳng sâm để phát triển trên diện rộng. Ông liên hệ với Đồn Biên phòng Ga Ry cử cán bộ về các thôn, thực hiện “cùng ăn, cùng ở, cùng làm” để tận tay hướng dẫn bà con trồng trọt, chăm sóc và thu hoạch.

Với cách làm này, trong năm đầu tiên, vào năm 2018, bà con ở một số thôn của 2 xã Ch’ơm và Ga ry trồng được 3 ha đẳng sâm. Hiện vùng dược liệu đẳng sâm của các xã này đã lên đến hơn 100 ha. Sản lượng thu hoạch hằng năm được các đơn vị trong và ngoài địa phương bao tiêu. Cây đẳng sâm trở thành cây chủ lực, mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều gia đình thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm từ loại cây dược liệu này.

Bí thư Huyện ủy Tây Giang Bhling Mia chia sẻ, do điểm xuất phát thấp, địa hình phức tạp, chia cắt, thiên tai thường xuyên xuất hiện gây thiệt hại lớn về tài sản nên yêu cầu bức thiết đặt ra đối với các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Tây Giang là tập trung làm tốt công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư gắn với phát triển kinh tế - xã hội để ổn định đời sống nhân dân. Để đạt mục tiêu này, Tây Giang ưu tiên lồng ghép nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, triển khai có hiệu quả công tác xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang Arất Blúi cho biết, để từng bước hoàn thiện hạ tầng và tạo sinh kế cho đồng bào, chỉ riêng trong năm 2022, nguồn vốn đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện lên đến trên 322 tỷ đồng. Riêng các xã biên giới, giai đoạn 2019 - 2022, huyện đã đầu tư trên 66 tỷ đồng cho các lĩnh vực chính như đường giao thông, giáo dục và đào tạo, sắp xếp lại dân cư, công trình nước sạch phục vụ sinh hoạt và các thiết chế văn hóa. Trong giai đoạn này, cùng với ngân sách tỉnh hỗ trợ 2 tỷ đồng/xã/năm, huyện lồng ghép các nguồn lực khác từng bước hoàn thiện hạ tầng của 8 xã biên giới, phát triển kinh tế, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, nâng dần chất lượng cuộc sống nhân dân các xã nói riêng, nhân dân toàn huyện nói chung.

Chú thích ảnh
Bí thư huyện Tây Giang tặng quà cho đồn biên phòng khu vực biên giới giữa 2 huyện Tây Giang và Kạ Lừm.

Từ những nỗ lực và cách làm trên, đến nay Tây Giang cơ bản hoàn thành việc sắp xếp dân cư tập trung với 115 điểm dân cư ở 63 thôn; bố trí nơi ở ổn định cho trên 5000 hộ. Những công trình hạ tầng thiết yếu như đường giao thông, điện sinh hoạt, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước sạch sinh hoạt đều được xây dựng tại các khu tái định cư để đảm bảo cuộc sống ổn định lâu dài cho đồng bào. Nhờ vậy, trong giai đoạn 2018 - 2022 mỗi năm Tây Giang giảm được trên 230 hộ nghèo, xóa gần 600 nhà ở tạm.

Là địa phương có đường biên giới với huyện Kạ Lừm, tỉnh Sê Kông của nước bạn Lào, huyện Tây Giang chỉ đạo các địa phương phối hợp với các Đồn Biên phòng Anông, Axan và Gari (Lào) thường xuyên tuần tra, bảo vệ cột mốc, mốc giới quốc gia và cặp cửa khẩu phụ Tây Giang - Kạ Lừm. Nhiều năm qua, cứ mỗi dịp đón Tết cổ truyền dân tộc, lễ hội mừng lúa mới, già làng Bríu Nhai đều mời đại diện bà con dân tộc Lào ở vùng biên giới giữa hai huyện Tây Giang (tỉnh Quảng Nam, Việt Nam) và Kạ Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào) sang xã Chơ’ơm, huyện Tây Giang cùng chung vui.

Vào dịp Tết cổ truyền Bunpymay của nước bạn Lào, người dân vùng giáp biên của nước bạn cũng mời đại diện xã Chơ’ơm giao lưu. Những hoạt động này không những lưu giữ được mối quan hệ đoàn kết, gắn bó lâu đời, mà còn góp phần củng cố, phát triển mối quan hệ truyền thống quý báu này giữa đồng bào các dân tộc vùng biên cương.

Với 8 xã có đường biên với phía bạn Lào, việc chủ động, phối hợp tuyên truyền nhân dân khu vực biên giới về Quy chế biên giới Việt Nam - Lào được huyện Tây Giang thường xuyên chú trọng. Qua đó, nhận thức của nhân dân về chủ quyền biên giới, tích cực tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc được nâng cao, hạn chế tình trạng di cư tự do, xâm canh, xâm cư và vượt biên trái phép. Năm 2022, huyện đã tổ chức thành công hội đàm với Đoàn đại biểu cấp cao huyện Kạ Lừm, góp phần thắt chặt mối quan hệ đoàn kết Việt - Lào.

Bài và ảnh: Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
 TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình điểm 'Ngày hội Biên phòng toàn dân' tại xã biên giới biển
TP Hồ Chí Minh tổ chức chương trình điểm 'Ngày hội Biên phòng toàn dân' tại xã biên giới biển

Kỷ niệm 64 năm Ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3/1959-3/3/2023) và 34 năm Ngày hội Biên phòng toàn dân (3/3/1989-3/3/2023), ngày 25/2, Bộ đội Biên phòng TP Hồ Chí Minh, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh và một số tổ chức thành viên phối hợp tổ chức chương trình điểm “Ngày hội Biên phòng toàn dân” tại xã biên giới biển Lý Nhơn, huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN