Huyện Vũng Liêm là địa phương có số hộ người có công với cách mạng cần được hỗ trợ nhà ở nhiều nhất tỉnh Vĩnh Long. Trong năm 2019-2020, từ nhiều nguồn kinh phí, huyện đã hoàn thành xây mới và sửa chữa 227 căn nhà. Giai đoạn 2021-2025, toàn huyện còn 674 gia đình có công với cách mạng có nhu cầu xây mới và sửa chữa nhà với tổng số tiền gần 20 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Vũng Liêm Phạm Minh Hoàng cho biết, trong 5 năm tới, huyện tiếp tục nỗ lực vận động kinh phí để thực hiện chính sách này, tăng cường nắm tình hình đời sống người dân để phân loại, ưu tiên hỗ trợ những gia đình đặc biệt khó khăn. Cùng với đó, huyện quan tâm đề xuất các giải pháp, chương trình cụ thể nhằm chăm lo đời sống người có công, hỗ trợ về vốn, kỹ thuật sản xuất để tạo sinh kế, góp phần ổn định đời sống cho gia đình người có công.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, trong thời gian tới, để chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công phát huy hiệu quả, các ngành liên quan và các địa phương cần phối hợp chặt chẽ rà soát, nắm chắc tình hình đời sống của gia đình người có công làm cơ sở cho việc bình xét đối tượng, đảm bảo việc xác định đối tượng được nghiêm túc, đúng đối tượng nhưng cũng không được bỏ sót đối tượng. Trong quá trình thực hiện chính sách, cần phân loại cụ thể từng mức độ hoàn cảnh, ưu tiên hỗ trợ nhà ở cho những người có công có nhà bị hư hỏng nặng, có nguy cơ đổ, sập, thiếu an toàn... tạo động lực để các gia đình nỗ lực vượt qua khó khăn.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội cần phối hợp với địa phương đánh giá khả năng nguồn lực để có lộ trình phù hợp, phân công trách nhiệm của từng đơn vị, từng địa phương, đảm bảo hỗ trợ kịp thời. Ngành quan tâm xác định rõ thực trạng, nguyên nhân khó khăn của các gia đình để đề xuất giải pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả giúp các hộ vừa có điều kiện nhà ở ổn định vừa có vốn hoặc có nghề để an tâm sản xuất, tự thân phát triển bền vững và tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Các địa phương cần tăng cường tuyên truyền bằng nhiều hình thức phù hợp, nội dung cụ thể để người dân hiểu đây là chính sách hỗ trợ cho những gia đình đang thật sự khó khăn về nhà ở chứ không phải chế độ mà người có công nào cũng được hưởng, để người dân đồng tình và ủng hộ thực hiện. Bên cạnh đó, các địa phương tích cực vận động, đóng góp quỹ đền ơn đáp nghĩa, tăng cường vận động các cá nhân và tổ chức ủng hộ, đồng hành trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, chăm lo cho người có công với cách mạng khó khăn trong cuộc sống; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra để thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng công trình, kịp thời phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm trong thực hiện chính sách đối với người có công.
Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Võ Văn Tám cho biết, trong giai đoạn 2019-2020, bằng các nguồn kinh phí từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa, ngân sách địa phương và nguồn vận động xã hội hóa, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 1.057 căn nhà cho gia đình người có công với cách mạng khó khăn về nhà ở; tổng kinh phí thực hiện trên 40 tỷ đồng.
Công tác hỗ trợ được thực hiện kịp thời, đúng đối tượng đã góp phần ổn định đời sống gia đình người có công, tạo động lực để họ an tâm sản xuất, vươn lên trong cuộc sống.
Tuy nhiên, quá trình thực hiện còn nhiều khó khăn như: nhu cầu hỗ trợ nhà ở của gia đình người có công còn nhiều do phát sinh hàng năm. Việc thực hiện chính sách hỗ trợ chủ yếu bằng nguồn kinh phí địa phương và các nguồn vận động xã hội hóa nên chưa hỗ trợ kịp thời cho các gia đình mới phát sinh. Bên cạnh đó, thời gian chờ kinh phí lâu nên nhiều căn nhà bị xuống cấp nghiêm trọng cần được xây dựng mới, dẫn đến phải điều chỉnh từ sửa chữa sang xây dựng mới, phải xin cấp bổ sung kinh phí, gây tâm lý chờ đợi kéo dài trong người dân. Một số trường hợp chờ quá lâu nên nhà xuống cấp phải tự vay mượn để xây mới hoặc sửa chữa thì khi xét duyệt không được hỗ trợ.