Diện mạo nông thôn của tỉnh ngày càng thay đổi rõ rệt; kết cấu hạ tầng nông thôn được tăng cường đầu tư xây dựng; kinh tế - xã hội từng bước phát triển khá toàn diện; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên.
Xác định công tác tuyên truyền có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân trong thực hiện Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, tỉnh đã tập trung tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới; nhân rộng các mô hình, vận động nhân dân xây dựng đời sống văn hóa, thay đổi nếp sống, đổi mới tư duy, cách thức sản xuất để nâng cao thu nhập, xây dựng môi trường nông thôn sáng, xanh, sạch, đẹp.
Cùng với đó, công tác tuyên truyền được các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin truyền thông, trên các ấn phẩm, thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, hội thi, hội nghị, hội thảo…
Với việc tuyên truyền sâu rộng phong trào thi đua ở mỗi cấp, mỗi ngành, mỗi địa phương trong tỉnh đã góp phần làm chuyển biến nhận thức của người dân, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các địa phương. Từ đó, huy động hiệu quả sự đóng góp sức người, sức của trong nhân dân, các tổ chức, doanh nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới.
Công tác tuyên truyền đã trở thành cầu nối, kịp thời phản ánh ý kiến của người dân, những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở để các cấp, các ngành chủ động khắc phục, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ, qua đó góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 62/122 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới (chiếm 50,82%); 8 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; tiêu chí bình quân trên xã đạt 15,12 tiêu chí/xã; thành phố Tuyên Quang đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Năm 2023, mục tiêu có thêm 12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 9 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Từ nguồn vốn hỗ trợ trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc quốc gia xây dựng nông thôn, trong những năm qua nội dung đầu tư của Chương trình cũng đã có nhiều đổi mới, phù hợp với tình hình, trình độ phát triển nông thôn theo từng thời kỳ.
Giai đoạn 2021-2025, nguồn vốn ngân sách nhà nước đã được tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các xã đặc biệt khó khăn, các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội cơ bản (giao thông, thuỷ lợi, điện, trường học, trạm y tế, nước sạch, hỗ trợ phát triển sản xuất, bảo vệ môi trường…).
Thông qua việc đầu tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư, kết cấu hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, xây dựng đồng bộ, hiện đại.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm cũng được các địa phương trong tỉnh triển khai có hiệu quả. Tính đến nay, tỉnh Tuyên Quang có 191 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 149 sản phẩm đạt hạng 3 sao, 41 sản phẩm đạt hạng 4 sao và 01 sản phẩm trình Hội đồng OCOP quốc gia đánh giá, phân hạng 5 sao (chè Shan Tuyết Hồng Thái, loại 1 tôm 1 lá). Về số lượng sản phẩm, tỉnh Tuyên Quang đứng thứ 4 trong 14 tỉnh miền núi phía Bắc (sau Bắc Giang 205 sản phẩm, Hà Giang 201 sản phẩm và tương đương Yên Bái).
Công tác giảm nghèo và an sinh xã hội khu vực nông thôn tiếp tục được quan tâm chỉ đạo. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có sức ảnh hưởng rất lớn và tác động tích cực đến đời sống vật chất, tinh thần của người dân nông thôn, đẩy mạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh khu vực nông thôn, giúp rút ngắn khoảng cách giữa nông thôn và thành thị.
Các giải pháp, nhiệm vụ trong thực hiện được triển khai đồng bộ và tạo sự lan tỏa tích cực trong cộng đồng dân cư, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới và thúc đẩy giảm nghèo nhanh, bền vững.
Tính chủ động, sáng tạo trong phát triển kinh tế vươn lên thoát nghèo và làm giàu tại địa phương của cộng đồng cư dân nông thôn đã được nâng lên… Bộ mặt nông thôn được cải thiện, đời sống của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể tại các xã. Đến hết năm 2022, toàn tỉnh còn 40.522 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 18,90%; hộ cận nghèo còn 15.996 hộ, chiếm tỷ lệ 7,46%.
Qua việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã có tác động tích cực và góp phần tạo ra môi trường sống ở nông thôn an toàn, cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, giàu bản sắc văn hóa truyền thống gắn với việc thực hiện các mô hình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới; bảo vệ sức khỏe, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn.
Đến nay, có 63,9% dân số nông thôn trên địa bàn tỉnh được sử dụng nước sạch đạt quy chuẩn; 16,5% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung; trên 65% số hộ nông thôn triển khai các giải pháp phân loại chất thải tại nguồn; 80% chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý; triển khai mô hình xử lý chất thải sinh hoạt quy mô cấp huyện với công nghệ phù hợp; trên 35% số hộ nông thôn có nước thải sinh hoạt được thu gom và xử lý bằng các biện pháp phù hợp, hiệu quả; 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm; trên 90% số xã có tổ cộng đồng tự quản về vệ sinh an toàn thực phẩm.
Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội trong tỉnh đã phối hợp với chính quyền tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên tích cực tham gia các phong trào thi đua, chủ động, đổi mới phương thức tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên, nhân dân hưởng ứng Phong trào thi đua “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới” gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng mô hình thu gom, phân loại và xử lý rác thải tại nguồn. Triển khai thực hiện Đề án xóa nhà tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Đến nay toàn tỉnh đã hỗ trợ làm mới, sửa chữa 2.105/1.731 nhà đạt 121,5% kế hoạch năm 2022.
Phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, giai đoạn 2021-2025, đã được cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện. Hệ thống các cơ chế, chính sách, các văn bản chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Phong trào được tỉnh ban hành cơ bản đảm bảo kịp thời, đồng bộ. Các cơ quan, đơn vị đã chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để thực hiện Phòng trào giai đoạn 2021-2025 và hằng năm bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế của từng cơ quan, đơn vị.
Đánh giá kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ thực hiện Phong trào năm 2021, 2022 và năm 2023 đều đạt và vượt theo mục tiêu, kế hoạch đề ra; thu nhập, đời sống vật chất và tinh thần của người nông dân tiếp tục được nâng cao.