Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên thành phố đóng vai trò là đầu mối để điều phối, vận chuyển hàng từ Vĩnh Long về các điểm tiêu thụ tại thành phố Cần Thơ. Trung tâm chủ động kết nối và đưa nông sản đến các khách hàng mua số lượng lớn; thực hiện các hoạt động truyền thông, chia sẻ thông tin về chiến dịch trên mạng xã hội. Đặc biệt, cam sẽ được sử dụng để chế biến 200 ly nước cam tặng bệnh nhân tại cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu thành phố Cần Thơ.
Theo anh Phương Tấn Đạt, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên thành phố Cần Thơ, cùng với sự hỗ trợ của các doanh nghiệp và "mạnh thường quân", chương trình là sự góp sức của tuổi trẻ thành phố nhằm chia sẻ khó khăn với những nông dân trồng cam tỉnh Vĩnh Long, đồng thời tìm cách giải phóng lượng lớn cam còn ùn ứ, tránh lãng phí.
Tham gia hoạt động này, nhiều sinh viên kết nối với Trung tâm Hỗ trợ Học sinh - Sinh viên thông qua Liên Chi hội Sinh viên thành phố Cần Thơ. Đây là lực lượng chủ lực thực hiện các hoạt động phân phối, mua bán và vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Em Lê Minh Khải, sinh viên Trường Đại học Y Dược Cần Thơ, tình nguyện viên của chiến dịch chia sẻ, đây là hoạt động rất có ý nghĩa vì có thể góp một phần nhỏ giúp giảm thiểu khó khăn, thiệt hại cho người nông dân.
Đến với chương trình hỗ trợ tiêu thụ nông sản lần này, chị Trần Thị My (làm việc tại Khách sạn Công đoàn Cần Thơ) cho biết, chị đã vận động một số đồng nghiệp cùng mua. Việc làm này không chỉ giúp đỡ những người nông dân đang khó khăn mà còn kết nối tiêu thụ, giúp những người dân như chị có được những sản phẩm chất lượng.
Hoạt động hỗ trợ lần này dự kiến sẽ tiêu thụ khoảng 10 tấn cam (tổng giá trị 60 triệu đồng) trong 3 ngày. Chiến dịch hiện có ba điểm bán lẻ gồm: Nhà văn hóa Lao động thành phố Cần Thơ (số 57, Lê Lợi, Cái Khế, Ninh Kiều) và Công ty Đào tạo, Tư vấn, Giáo dục và Công nghệ HSE (đường Lê Chân, Khu dân cư 91B, An Khánh, Ninh Kiều). Tại các điểm bán lẻ, cam sẽ được bán theo gói, mỗi gói 5 kg với giá 30 nghìn đồng.