Ông Nguyễn Văn Quốc, Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ sản tỉnh Trà Vinh cho biết, năm nay nông dân mở rộng diện tích nuôi cua biển là thuận lợi về môi trường nước. Nguồn nước trên các nhánh sông mặn xuất hiện sớm nông tranh thủ thả cua giống nuôi sớm để nuôi được 2 vụ cua biển trong năm và thả nuôi thêm 01 vụ tôm thẻ chân trắng từ tháng 8 – 9 để thu hoạch tôm vào cuối năm 2022.
Theo ông Nguyễn Văn Quốc, ngoài thuận lợi về môi trường nước, giá cua biển thương phẩm kể từ tháng 8/2021 cho đến nay luôn ổn định ở mức khá cao. Bình quân, cua biển loại 2 – 3 con/kg có giá 250.000 – 270.000 đồng/kg; cua gạch có giá 300.000 – 350.000 đồng/kg; cua loại 4 – 5 con/kg dao động mức giá 170.000 - 180.000 đồng/kg. Tính từ vụ nuôi đến nay, nông dân trong tỉnh đã thu hoạch được hơn 4.120 tấn cua thương phẩm. Mức lợi nhuận nông dân nuôi cua thu được khoảng hơn 70 triệu đồng/ha/vụ, tương đương lợi nhuận nuôi tôm sú, tôm thẻ bán thâm canh, thâm canh bình thường.
Ông Hữu Khanh đã nuôi cua biển nhiều năm, ở xã Long Vĩnh, huyện Duyên Hải cho biết, cua biển là loài dễ nuôi, chi phí thấp, rất ít gặp rủi ro so với nuôi tôm sú, tôm thẽ chân trắng. Nông dân nuôi cua biển chủ động được việc thu hoạch khi gặp lúc giá cua thị trường sụt giảm. Người nuôi dễ dàng neo ao cua chờ giá và thu hoạch tỉa thưa dần, chọn cua lớn để bán giá cao đảm bảo được lợi nhuận.
Vì vậy, nhiều nông dân vùng ven biển không có đủ diện tích đất bố trí quy trình kỹ thuật an toàn hệ thống ao để nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng theo hình thức thâm canh mật độ cao nên chuyển sang nuôi cua biển 2 - 3 vụ trong năm hoặc 2 vụ cua – 1 vụ tôm thẻ chân trắng để tránh rủi ro, vừa đảm bảo nguồn thu nhập.