Theo bà Bùi Thị Ngọc Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, đây là một hoạt động rất có ý nghĩa không chỉ đối với việc phục hồi hoạt động kinh tế giữa TP Hồ Chí Minh và tỉnh Vĩnh Long mà còn có tác động lan tỏa tới các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), từ đó tạo tiền đề cho việc phát triển kinh tế - văn hoá - xã hội của Vĩnh Long, của vùng ĐBSCL và cả TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới. Sắp tới, hai địa phương sẽ tiếp tục cùng phối hợp tổ chức các hoạt động khảo sát, đầu tư trên lĩnh vực thương mại, du lịch với sự tham gia của các sở, ngành liên quan để có nhiều hoạt động, ký kết hợp tác trong các lĩnh vực trên của hai tỉnh.
Theo đó, hai tỉnh sẽ đẩy mạnh việc kết nối đầu tư về thương mại - du lịch nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai tỉnh xây dựng phương án phát triển thị trường, đầu tư các nguồn lực để mở rộng sản xuất kinh doanh một cách có hệ thống, bài bản, ổn định và bền vững. Mặt khác, hai tỉnh cũng cần kết nối các cơ quan quản lý nhà nước của các địa phương xây dựng, ban hành các chính sách quản lý, điều hành phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch của địa phương và lợi ích chính đáng của doanh nghiệp để cùng phát triển.
"Sắp tới, để bổ sung nguồn nhân lực cho ngành du lịch Vĩnh Long đang thiếu hụt, TP Hồ Chí Minh sẽ phối hợp với tỉnh Vĩnh Long kết nối các trường đào tạo nguồn nhân lực cho du lịch của Vĩnh Long. Ngoài ra, Vĩnh Long cũng cần đầu tư hơn về giao thông, hạ tầng và khu mua sắm để thu hút du khách TP Hồ Chí Minh nhiều hơn. Ngoài ra, hai tỉnh cũng sẽ cùng liên kết đẩy mạnh hoạt động quảng bá, giới thiệu du lịch của hai địa phương để tạo sức lan tỏa nhiều hơn ở các tỉnh, tiếp tục kết hợp xây dựng các chính sách kích cầu về giá các tour du lịch giữa hai tỉnh để có thể cạnh tranh với các địa phương khác", bà Bùi Thị Ngọc Hiếu cho biết thêm.
Trong khi đó, ông Nguyễn Khắc Nhu, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Vĩnh Long cho biết, trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long định hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao gắn với phát triển du lịch. Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh hoạt động bảo tồn giá trị văn hóa làng nghề truyền thống, bảo tồn văn hóa lúa nước Nam bộ để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch, hoạt động kinh tế thu hút nhiều người dân và du khách TP Hồ Chí Minh. Tỉnh Vĩnh Long cũng đang tập trung xây dựng và phát triển du lịch homestay, du lịch nông nghiệp, du lịch làng nghề, du lịch văn hóa... để làm phong phú thêm các sản phẩm du lịch đặc trưng khi giới thiệu, quảng bá đến du khách TP Hồ Chí Minh.
"Đối với việc thu hút đầu tư vào du lịch, hiện nay tỉnh Vĩnh Long đã mời gọi 18 dự án đầu tư ưu tiên, trong đó lĩnh vực du lịch có 6 dự án với tổng diện tích 5.451 ha, ước tổng vốn đầu tư 9.430 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tỉnh Vĩnh Long mời gọi 12 dự án với tổng diện tích 210 ha, ước tổng vốn đầu tư 5.465 tỷ đồng", ông Nguyễn Khắc Nhu cho biết.