Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, mặc dù dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sự phát triển của nền kinh tế nhưng với những nỗ lực vượt bậc, Tiền Giang vẫn đạt tăng trưởng khá trên lĩnh vực xuất khẩu.
Trong số đó, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu và chiếm tỷ lệ 83,5% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Tiền Giang phấn đấu năm 2021 đạt kim ngạch xuất khẩu 3,25 tỷ USD, tăng hơn 0,25 tỷ USD so với năm 2020.
Trong 9 tháng qua, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, nhất là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang làm ăn trong các khu, cụm công nghiệp, các doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước đều cố gắng tổ chức lại hợp lý hóa các mặt hoạt động, đảm bảo nguyên tắc phòng, chống dịch COVID-19 vừa nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu thu hút ngoại tệ.
Đặc biệt, để không đứt gãy chuỗi sản xuất – xuất khẩu hàng hóa nói chung, Tiền Giang xây dựng phương án “3 tại chỗ” cho các doanh nghiệp sản xuất trên nguyên tắc ưu tiên các doanh nghiệp lớn, có lượng hàng xuất khẩu và thị trường xuất khẩu ổn định, giải quyết nhiều lao động và đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh. Theo đó, toàn tỉnh có 22 doanh nghiệp trong và ngoài khu, cụm công nghiệp được phê duyệt tổ chức sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” với trên 3.600 công nhân lao động.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng đánh giá, các doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” trong đợt dịch COVID-19 lần thứ tư đã góp phần không nhỏ vào việc tháo gỡ khó khăn, duy trì tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của địa phương. Cụ thể là tạo sự gắn bó giữa doanh nghiệp với nông dân, tổ chức kinh tế tập thể tại các vùng chuyên canh, bảo đảm nguồn nguyên liệu chế biến xuất khẩu, nông nghiệp – nông thôn – nông dân hưởng lợi.
Mặt khác, các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, thực hiện các hợp đồng xuất khẩu với các đối tác. Từ đó, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sản phẩm xuất khẩu trong tình hình dịch bệnh phức tạp, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đồng thời thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, theo đánh giá của Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, các doanh nghiệp có nhiều nỗ lực vượt khó, thực hiện những giải pháp ổn định sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xuất khẩu phù hợp tình hình mới, thích ứng đại dịch nên đạt kết quả tốt. Nhất là các ngành hàng sản phẩm công nghiệp chiếm tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu cao vẫn đảm bảo hoạt động cũng góp phần giúp tỉnh nhà duy trì tăng trưởng xuất khẩu và đảm bảo an sinh xã hội.
Các doanh nghiệp FDI trong các khu, cụm công nghiệp tại tỉnh Tiền Giang còn thực hiện những biện pháp sản xuất – kinh doanh uyển chuyển và phù hợp với tình hình thực tế, chú trọng bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư, kinh doanh, điều chỉnh và mở rộng sản xuất, đổi mới phương thức kinh doanh và chiếm lĩnh thị trường xuất khẩu song song với thực hiện nghiêm qui định về sản xuất đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. 100% công nhân lao động được tuyên truyền, nâng cao ý thức về tự bảo vệ sức khỏe cho mình, nghiêm túc thực hiện Thông điệp 5K…
Trong các tháng còn lại của năm 2021, Tiền Giang tiếp tục phát huy thành tựu mà các hoạt động xuất khẩu hàng hóa đạt được trong 9 tháng đầu năm, phấn đấu đạt và vượt mục tiêu đề ra cả năm, khi địa phương đang bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới sau đại dịch; trong đó, chú trọng khai thác tốt thế mạnh các nhóm ngành xuất khẩu chủ lực, tạo nhiều việc làm và đóng góp ngân sách khá như: dệt may, da giày, túi xách, thực phẩm và đồ uống, sản phẩm công nghiệp khác đồng thời với duy trì và hỗ trợ phát triển những sản phẩm có lợi thế cạnh tranh địa phương: nông sản và thủy hải sản chế biến…
Đặc biệt, trong khuôn khổ triển khai thực hiện Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang, Sở Công Thương sẽ đưa thông tin sản phẩm của 162 doanh nghiệp lên mục kết nối cung cầu đồng thời hỗ trợ kết nối cho 50 doanh nghiệp giới thiệu mua bán sản phẩm trên các Sàn giao dịch điện tử khác như: Sendo, Shopee… nhằm nỗ lực đẩy mạnh xúc tiến thương mại nói chung.