Chè Thái Nguyên hướng tới mục tiêu đạt giá trị 25.000 tỷ đồng

Cây chè đã thực sự trở thành cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên.

Với tổng diện tích chè hiện có trên 22.200 ha, sản lượng búp tươi đạt trên 272.000 tấn, giá trị sản phẩm trà đạt khoảng 13.800 nghìn tỷ đồng, tỉnh Thái Nguyên là địa phương có diện tích, năng suất, sản lượng, giá trị thu nhập từ cây chè, cũng như giá trị sản phẩm thu được trên mỗi ha đất trồng chè lớn nhất cả nước.  

Chú thích ảnh
Chế biến chè tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Xây dựng thương hiệu

Để đẩy mạnh phát triển ngành chè trên địa bàn tỉnh, Thái Nguyên đã ban hành và triển khai có hiệu quả nhiều chính sách như hỗ trợ phân bón hữu cơ, sinh học; chứng nhận sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; cơ giới hoá, ứng dụng hệ thống tưới tiết kiệm nước trong sản xuất và thiết bị trong sơ chế chế biến chè... Tỉnh chỉ đạo các địa phương tăng cường rà soát quỹ đất để mở rộng diện tích trồng chè, quản lý và bảo vệ diện tích đất sử dụng vào mục đích trồng chè, không quy hoạch các dự án khác vào khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè của địa phương, trừ các dự án trọng điểm của tỉnh và các dự án quan trọng cấp quốc gia, hông chuyển mục đích sử dụng đất trồng chè trong khu vực bảo vệ, phát triển vùng trồng chè sang mục đích khác....

Đối với việc chuyển đổi cơ cấu giống chè, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã trồng hơn 1.700 ha chè, nâng tỷ lệ diện tích chè trồng bằng giống có năng suất, chất lượng cao chiếm 82,8% tổng diện tích chè hiện có. Giống chè đang trồng tại Thái Nguyên khá đa dạng, phù hợp cho chế biến đa dạng hoá các sản phẩm trà và các sản phẩm từ chè. Nhóm giống chè có năng suất cao, hàm lượng tanin thấp hơn giống chè Trung du, hương thơm đặc trưng, phù hợp chế biến các sản phẩm đa dạng gồm: LDP1, Kim Tuyên, Hương Bắc Sơn, TRI777, TRI5.0, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, LCT1, PH1, PH12, PH14, VN15...

Giống chè Trung du, chiếm khoảng 17 % tổng diện tích chè toàn tỉnh, có hàm lượng tanin cao, vị đượm, ngọt hậu, phù hợp nhất để chế biến chè xanh truyền thống, được trồng tập trung chủ yếu tại các vùng chè: Tân Cương (thành phố Thái Nguyên), La Bằng (huyện Đại Từ), Khe Cốc - Tức Tranh (huyện Phú Lương)...

Cùng với chuyển đổi cơ cấu giống, các địa phương đã đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong sản xuất, chế biến chè an toàn, hữu cơ nâng cao chất lượng sản phẩm. Diện tích chè áp dụng quy trình sản xuất an toàn tăng nhanh, nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ đã được áp dụng như: sử dụng phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, công nghệ tưới tiết kiệm nước trong thâm canh chè. Hiện, tỉnh có trên 7.000 ha ứng dụng công nghệ, lắp đặt hệ thống tưới nước tự động, bán tự động, chiếm hơn 30 % diện tích chè toàn tỉnh.

Ngoài ra, hơn 5.900 ha trồng chè của tỉnh đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, trong đó, chứng nhận VietGAP 5.788 ha, hữu cơ và GAP khác đạt 132 ha, chiếm 26,6% diện tích chè toàn tỉnh. Tỉnh có 62 mã vùng trồng được gắn định vị trên hệ thống toàn cầu GPS để thực hiện theo dõi truy xuất nguồn gốc sản phẩm tạo tiền đề cho việc mở rộng thị trường xuất khẩu chè...

Trong chế biến chè, sản lượng chè qua chế biến tỉnh đạt trên 54.600 tấn/năm, trong đó, sản phẩm chè xanh, chè xanh chất lượng cao chiếm gần 80% tổng sản lượng, sản lượng chè đen và các sản phẩm trà khác (hồng trà, matcha, kombucha, trà lắc,...) chiếm khoảng 20% tổng sản lượng. Toàn tỉnh có 62 công ty, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh chè, 168 hợp tác xã, 251 làng nghề truyền thống, trên 91.000 hộ làm chè. Trong thời gian qua, các cơ sở sản xuất tăng cường đầu tư, ứng dụng cơ giới hoá tất cả các khâu chế biến sản phẩm, thay thế thiết bị chế biến thủ công cũ, lạc hậu, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm bằng các thiết bị chế biến mới, bán công nghiệp như: tôn quay Inox, máy sao bằng gas, máy sao chè bằng điện tự động... Việc đóng gói, bảo quản đã có những cải tiến bằng sử dụng máy hút chân không, máy đóng gói tự động, máy ủ hương, bảo quản lạnh...

Chú thích ảnh
Thu hái chè vụ đông tại xã Tiên Hội, huyện Đại Từ. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Từ năm 2019 đến nay, các huyện, thành phố trong tỉnh đã tập trung phát triển sản phẩm OCOP từ cây chè và đã có 193 sản phẩm trà được chứng nhận tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao, 47 cơ sở sản xuất, kinh doanh chè được cấp xác nhận theo chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.. Hiện Cục Sở hữu Trí tuệ đã cấp văn bản bảo hộ cho các sản phẩm chè của tỉnh, gồm 1 chỉ dẫn địa lý Tân Cương và 10 nhãn hiệu tập thể. Toàn tỉnh có 204 đơn vị, hộ sản xuất chè được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” và 46 đơn vị được cấp quyền sở hữu trí tuệ về chỉ dẫn địa lý “Tân Cương”. Nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” đã được bảo hộ tại 6 quốc gia và vùng lãnh thổ gồm: Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, việc phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ trà của tỉnh vẫn còn những khó khăn, hạn chế như mở rộng diện tích chè gặp khó khăn do quỹ đất để trồng chè giảm, nhiều địa phương có quỹ đất để phát triển. Tuy nhiên, cần ưu tiên các dự án đầu tư phát triển hạ tầng, đô thị, các khu, cụm công nghiệp. Ngành chè Thái Nguyên chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn để liên kết với các hợp tác xã sản xuất chè thu mua nguyên liệu, có năng lực tài chính đầu tư dây chuyền công nghệ sơ chế, chế biến sâu các sản phẩm chè, đa dạng hóa sản phẩm theo hướng tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng.

Nâng cao giá trị sản xuất theo chuỗi

Chú thích ảnh
Xây dựng vùng nguyên liệu hữu cơ kết hợp du lịch cộng đồng tại HTX chè Hảo Đạt, xã Tân Cương, thành phố Thái Nguyên. Ảnh: Hoàng Nguyên/TTXVN

Trong kế hoạch phát triển ngành chè giai đoạn 2025 - 2030, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu phát triển ngành chè gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng bền vững; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng, đẩy mạnh sản xuất an toàn, hữu cơ gắn với chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm. Từ đó, tăng nhanh tỷ trọng những sản phẩm có chất lượng, giá trị cao, thúc đẩy sản xuất theo chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số trong sản xuất, chế biến, kinh doanh, phấn đấu tổng giá trị sản phẩm thu được từ cây chè đến năm 2030 đạt 25 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đặt các mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như nâng diện tích chè toàn tỉnh 24.500 ha, sản lượng chè búp tươi đạt trên 300.000 tấn; 70% diện tích chè được chứng nhận sản xuất theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ; 70% diện tích chè được cấp mã số vùng trồng; 100% số cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh chè và các sản phẩm từ chè đảm bảo quy định an toàn thực phẩm; có 250 sản phẩm trà được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 đến 5 sao...

Để đạt được mục tiêu này, tỉnh Thái Nguyên tập trung rà soát hiện trạng đất đai, lợi thế của từng địa phương để xác lập, quy hoạch các vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn GAP, hữu cơ tạo ra vùng nguyên liệu chất lượng cho chế biến; số hóa các vùng sản xuất chè theo quy hoạch để quản lý, áp dụng đồng bộ quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi phương thức sản xuất từ canh tác truyền thống sang canh tác áp dụng tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, hướng dẫn các vùng trồng chè chủ động xây dựng hồ sơ, đăng ký cấp mã số vùng trồng đáp ứng thị trường tiêu thụ trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu..

Trong giai đoạn mới, tỉnh tăng cường củng cố, nâng cao thương hiệu gắn với quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm trà, tiếp tục mở rộng bảo hộ nhãn hiệu tập thể “Chè Thái Nguyên” sang các nước khác để tăng cơ hội xuất khẩu sản phẩm trà của tỉnh. Cùng với đó, xây dựng và triển khai hiệu quả các website thương mại điện tử để thúc đẩy quảng bá, mở rộng, tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm trà và các sản phẩm từ chè Thái Nguyên, nâng cao chất lượng, nâng hạng sản phẩm trà đạt tiêu chuẩn OCOP của các địa phương gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thúc đẩy liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trồng chè nhằm khai thác tiềm năng đất đai, lao động, vốn, kinh nghiệm sản xuất, trình độ quản lý,… Từ đó, tạo ra sản phẩm chất lượng, số lượng lớn góp phần tạo đà cho xuất khẩu trà, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững.

Tỉnh cũng chủ trương khai thác đa giá trị giữa phát triển ngành chè gắn với văn hóa, lịch sử, du lịch, dịch vụ và môi trường, rà soát những vùng chè trong tỉnh có điều kiện sản xuất gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, phát triển du lịch và dịch vụ; tiếp tục phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm gắn với vùng chè góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu trà Thái Nguyên, nâng tầm giá trị của tài nguyên du lịch vùng chè Thái Nguyên, triển khai ứng dụng các nền tảng số để quảng bá, xúc tiến du lịch, dịch vụ vùng chè Thái Nguyên.

Hoàng Thảo Nguyên (TTXVN)
Chè Thái Nguyên vẫn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa
Chè Thái Nguyên vẫn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa

Tỉnh Thái Nguyên với trên 22.300 ha chè, sản lượng mỗi năm đạt trên 272.000 tấn, dẫn đầu cả nước về sản xuất chè. Tuy nhiên, sản phẩm chè Thái Nguyên vẫn chủ yếu tiêu thụ ở thị trường nội địa, xuất khẩu chè của tỉnh có sản lượng và giá trị thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN