Tiền Giang: Ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước, tỉnh Tiền Giang không ngừng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước và cải cách hành chính, tạo nền tảng cho việc hướng đến xây dựng chính quyền số.

Chú thích ảnh
Người dân đến làm thủ tục tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Minh Trí/TTXVN

Tập trung ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính

Ông Nguyễn Văn Đậm, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang nhận xét: Điểm nổi bật trong đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan hành chính nhà nước và cải cách hành chính của Tiền Giang thời gian gần đây là hệ thống Quản lý văn bản và điều hành thực hiện nâng cấp, hoàn thiện các chức năng gửi, nhận văn bản qua trục liên thông văn bản quốc gia, đáp ứng việc ký số văn bản điện tử và các trạng thái phản hồi văn bản theo quy định. Đến nay, hệ thống có thể gửi nhận liên thông 4 cấp, văn bản điện tử có thể gửi/nhận liên thông từ các cơ quan cấp tỉnh đến cấp xã và liên thông đến các bộ, ngành Trung ương cùng các tỉnh, thành phố khác.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Ủy ban nhân dân tỉnh, tất cả hồ sơ giao dịch của người dân và doanh nghiệp có ra phiếu hẹn đều được số hóa lên hệ thống một cửa điện tử, điều này giúp việc tra cứu, xử lý hồ sơ được thuận lợi nhanh chóng; đáp ứng việc tra cứu hồ sơ cho người dân qua mã biên nhận hồ sơ, qua tin nhắn trên điện thoại di động, tra cứu bằng mã vạch… Lãnh đạo, công chức tại Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn sử dụng hiệu quả các hệ thống thông tin để quản lý, phân công và xử lý công việc.

Tại thị xã Cai Lậy, công tác ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết các thủ tục hành chính luôn được cấp ủy, chính quyền thị xã quan tâm. Các cơ quan nhà nước ở thị xã đã chuyển và xử lý kịp thời hàng nghìn văn bản điện tử đến các cơ quan trong thị xã và cấp xã, phường gồm cả văn bản liên thông và văn bản nội bộ. Bộ phận “một cửa” thị xã và các xã còn trang bị các máy scan, máy photocopy để phục vụ việc số hóa hồ sơ.

Ông Dương Văn Mười, Phó Trưởng phòng Nội vụ thị xã Cai Lậy cho biết, Ủy ban nhân dân thị xã đã ứng dụng công nghệ thông tin vào việc triển khai họp trực tuyến, ứng dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Phần mềm “Một cửa điện tử” đã tạo tiền đề cho việc áp dụng phương pháp mới vào công tác quản lý hành chính nhà nước. Ủy ban nhân dân thị xã Cai Lậy đã niêm yết thủ tục hành chính trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến gồm thủ tục hành chính cấp huyện và cấp xã.

Cục Thuế tỉnh Tiền Giang là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin. Đây là đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh tặng Cờ thi đua về cải cách thủ tục hành chính trong nhiều năm liền. Ông Cao Văn Tạo, Cục trưởng Cục Thuế Tiền Giang cho biết, ngành đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý người nộp thuế từ năm 1998. Đến nay, hạ tầng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu về công nghệ, mức độ đáp ứng dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 chiếm hơn 85,3%, mức độ 3 chiếm khoảng 3,7%, mức độ 2 chiếm hơn 11%... Bên cạnh đó, thủ tục hành chính tại cơ quan thuế gồm 166 thủ tục cấp cục thuế và 124 thủ tục cấp chi cục được tiếp nhận và xử lý đúng quy định, trong đó có một số nhóm thủ tục hành chính giải quyết sớm hơn thời gian quy định, qua đó đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước…

Nỗ lực đạt mục tiêu xây dựng chính quyền số đến năm 2025

Đẩy mạnh cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin trong các cơ quan nhà nước được Tiền Giang xác định là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện một trong ba khâu đột phá mà Nghị quyết Ðại hội Ðảng bộ tỉnh lần thứ 11 đã đề ra. Để cụ thể hóa, ngày 16/3/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định 605 phê duyệt Đề án Chính quyền số tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, mục tiêu cụ thể đến năm 2025 là chính quyền số tỉnh hoạt động, vận hành, ban hành chính sách, đưa ra quyết định chỉ đạo điều hành và cung cấp dịch vụ số chủ động theo nhu cầu của người dân, doanh nghiệp một cách tối ưu dựa trên năng lực khai thác và phân tích dữ liệu. Cơ quan nhà nước các cấp từng bước mở dữ liệu để thúc đẩy phát triển kinh tế số, xã hội số.

Theo thống kê, đến cuối tháng 6/2021, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đã phối hợp Ban Cơ yếu Chính phủ triển khai cấp gần 600 thiết bị ký số cho tổ chức; hơn 1.000 thiết bị ký số cho cá nhân là lãnh đạo các cơ quan, đơn vị; trên 200 thiết bị ký số được tích hợp lên SIM. Việc cấp phát và ứng dụng ký số kịp thời vừa bảo đảm giá trị pháp lý văn bản điện tử, vừa góp phần tăng tỷ lệ trao đổi văn bản điện tử, tỷ lệ văn bản điện tử chuyển hoàn toàn trên môi trường mạng trong nội bộ các cơ quan và giữa các cơ quan đạt trên 95%.

Trục liên thông các hệ thống thông tin nội tỉnh Tiền Giang đã đưa vào sử dụng trong năm 2020. Đến nay, tỉnh có trên 40% dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 50% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được triển khai; 100% cán bộ công chức được cấp hộp thư điện tử công vụ tỉnh; trên 95% cán bộ công chức sử dụng hộp thư điện tử công vụ thường xuyên trong công việc. 

Bà Lê Thị Kim Pha, Phó Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Tiền Giang cho biết, các quy trình thực hiện dịch vụ công trực tuyến được giới thiệu rõ ràng, chi tiết. Việc giải quyết thủ tục cho tổ chức, cá nhân được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, được quản lý một cách tập trung thống nhất. Việc tra cứu hồ sơ của cán bộ, công chức cũng như tra cứu trạng thái hồ sơ của người dân, doanh nghiệp được nhanh chóng, thuận lợi và minh bạch.

Để thực hiện mục tiêu xây dựng Chính quyền điện tử hướng tới Chính quyền số, trước mắt, Tiền Giang ưu tiên đẩy mạnh ứng dụng các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin nhằm sớm hoàn thành các chỉ tiêu phát triển Chính phủ điện tử. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đẩy mạnh triển khai Chương trình Chuyển đổi số để phát triển Chính quyền số, kinh tế số, xã hội số theo tinh thần Quyết định 749/QĐ-TTg của Chính phủ.

Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Đậm nhấn mạnh, tỉnh sẽ tiếp tục tập trung nâng cấp 100% dịch vụ công đủ kiện được cung cấp ở mức độ 4 trong năm 2021; tích hợp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến mức cao lên cổng Dịch vụ công Quốc gia; hoàn thiện và nâng cao hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mức 4, việc thanh toán trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh và tích hợp lên nền tảng thanh toán của Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Tiền Giang cũng xem phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả; bảo đảm an toàn, an ninh mạng là then chốt để chuyển đổi số thành công và bền vững; tập trung xây dựng, hoàn thiện các cơ sở dữ liệu chuyên ngành và các cơ sở dữ liệu dùng chung; xây dựng ứng dụng số phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, tỉnh mở rộng và nâng cao hiệu quả các hệ thống họp trực tuyến, dịch vụ công trực tuyến và thanh toán trực tuyến; tăng cường kết nối, chia sẻ dữ liệu để tăng cường hiệu quả các hệ thống thông tin, phục vụ tốt hơn cho người dân, doanh nghiệp; hạn chế việc người dân phải khai báo, cung cấp dữ liệu nhiều lần cho các cơ quan nhà nước.

Hữu Chí (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh cải cách hành chính tạo 'sức hút' đầu tư
TP Hồ Chí Minh cải cách hành chính tạo 'sức hút' đầu tư

Trong nhiều năm qua, Thành phố Hồ Chí Minh luôn là điểm đến và sự lựa chọn hàng đầu của doanh nghiệp; trong đó có nhiều tập đoàn đa quốc gia. Ngoài những lợi thế về vị trí, kết cấu hạ tầng, nhân lực và chính sách thu hút đầu tư, cải cách hành chính cũng là nhân tố góp phần vào sức hút đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN