Tiền Giang: Đảm bảo nguồn nước tưới, phòng chống hạn mặn

Trong vụ Đông Xuân năm 2022 - 2023, các huyện, thị vùng ngọt hóa Gò Công xuống giống trên 21.000 ha. Hiện trà lúa đang phát triển tốt. Ngoài ra, nông dân trong vùng còn trồng được trên 7.000 ha rau màu phục vụ Tết Nguyên đán và chăm sóc trên 14.000 ha vườn cây ăn quả các loại.

Chú thích ảnh
Nông dân làm đất bằng cơ giới tại thị trấn Tân Hòa, Gò Công Đông, Tiền Giang (ảnh tư liệu).

Các địa phương đang thực hiện đồng bộ các giải pháp thâm canh nhằm phấn đấu đạt sản lượng vụ Đông Xuân 2022 – 2023 toàn vùng ngọt hóa Gò Công gần 138.000 tấn lúa, trên 140.000 tấn rau màu cung ứng thị trường trong ngoài tỉnh và sản lượng trái cây các loại cả năm trên 106.000 tấn.

Để bảo vệ sản xuất, giảm nhẹ thiên tai, tạo tiền đề dành một vụ sản xuất mới bội thu, Tiền Giang triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn - mặn, tích cực lấy nước ngọt trữ trong nội đồng đảm bảo tưới tiêu cho cây lúa nói riêng, cây trồng trong toàn vùng dự án nói chung, không để thiên tai gây hại.

Ngay từ đầu vụ sản xuất, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng yêu cầu các huyện, thị trong vùng dự án tập trung ra quân làm thủy lợi nội đồng, dọn lục bình và cỏ rác, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy, nhất là các tuyến kênh trục, kênh cấp 1, kênh cấp 2. Đồng thời, khuyến khích nhân dân tích cực trữ ngọt trong các ao mương, kênh rạch và trong ruộng đồng nhằm phòng chống hạn - mặn nói chung.

Đối với Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang, cần chú trọng kiện toàn mạng lưới đê bao, cống đập trong toàn vùng dự án, sửa chữa kịp thời những chỗ đê bao hư hỏng, sửa chữa và nâng cấp các cống đập đảm bảo hiệu quả ngăn mặn vừa vận hành lấy nước ngọt phục vụ sản xuất.

Công ty xây dựng lịch vận hành các cống lấy nước hợp lý, tổ chức đo đạc, cập nhật diễn biến chất lượng nguồn nước, mực nước trên các tuyến sông và kênh rạch cũng như thường xuyên thông báo lịch vận hành công trình, diễn biến mực nước, độ mặn ngoài sông hoặc trong nội đồng kịp thời trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và có phương án xử lý thích hợp, hiệu quả, không để ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống.

Ngoài ra, tuyên truyền, vận động nhân dân sử dụng nguồn nước tiết kiệm, giữ vệ sinh nguồn nước, không xả rác hoặc các tác nhân gây ô nhiễm nguồn nước. Đối với những địa bàn trũng thấp ở các huyện Gò Công Đông và Gò Công Tây, ngành chức năng khuyến cáo nông dân chủ động tôn cao bờ vùng, bờ thửa nhằm chống úng kịp thời, bảo vệ trà lúa khi toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công tích cực lấy ngọt trữ trong nội đồng phục vụ mục tiêu phòng, chống hạn, mặn.

Theo Phó Giám đốc Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang Đỗ Thành Sơn, tình hình nguồn nước phục vụ sản xuất trong những ngày qua trong nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công thuận lợi, dồi dào, đảm bảo nhu cầu tưới tiêu cho nông dân. Đó là nhờ khu vực Nam bộ nói riêng và Tiền Giang nói chung có mưa trái mùa trên diện rộng, có nơi mưa vừa đến mưa to.

Ngoài ra, mặn ở cửa sông Tiền cũng chưa lấn sâu vào nội đồng nên cống Xuân Hòa – cống đầu mối lấy ngọt phục vụ sản xuất cho toàn vùng dự án, vẫn đang tích cực lấy nước ngọt bổ cấp vào nội đồng, tạo nguồn cung dồi dào giúp nông dân chăm sóc cây trồng.

Mặt khác, công ty liên tục cập nhật diễn biến xâm nhập mặn trên các tuyến sông để thông báo rộng rãi cho nhân dân biết, ứng phó phù hợp, hiệu quả, tranh thủ “thời gian vàng”, khi mặn chưa lấn sâu, tích cực lấy nước ngọt bổ cấp vào trữ trong nội đồng thông qua các cống lấy nước đầu mối phía thượng lưu sông Tiền như: Xuân Hòa, Rạch Chợ… nhằm đảm bảo nước tưới, phục vụ sản xuất vụ Đông xuân.

Lãnh đạo Công ty Khai thác công trình thủy lợi Tiền Giang đánh giá, dự kiến, cống đầu mối Xuân Hòa có thể lấy ngọt được đến cuối tháng 1/2023, sau đó chuyển sang lấy ngọt từng thời điểm trong ngày khi có điều kiện hoặc đóng ngăn mặn lúc độ mặn tăng cao phía sông Tiền bảo vệ sản xuất.

Nhìn chung, nhờ các yếu tố thuận lợi kể trên, đến cuối tháng 1/2023, vấn đề nước phục vụ sản xuất vá đời sống trong toàn vùng dự án ngọt hóa Gò Công vẫn đảm bảo, hứa hẹn tạo tiền đề cho nông dân địa phương dành một vụ Đông Xuân mới bội thu.

Bài và ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Tiền Giang xây dựng lịch thời vụ sản xuất theo hướng 'né' hạn mặn
Tiền Giang xây dựng lịch thời vụ sản xuất theo hướng 'né' hạn mặn

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn, trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023, nông dân tỉnh Tiền Giang xuống giống trên 47.000 ha lúa. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN