Tỉnh phấn đấu thâm canh để đạt năng suất bình quân 65,4 tạ/ ha, khu vực phía Đông, năng suất bình quân 74,8 tạ/ha khu vực phía Tây và sản lượng cả vụ trên 335.000 tấn lúa hàng hóa tiêu dùng, xuất khẩu.
Địa phương chú trọng thực hiện đồng bộ các giải pháp tổ chức và chỉ đạo mùa vụ hợp lý, hiệu quả, xây dựng lịch thời vụ theo hướng xuống giống đồng loạt né rầy và né hạn mặn, thích ứng biến đổi khí hậu giảm nhẹ thiên tai, phù hợp với đặc thù từng tiểu vùng như: vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh, vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh, vùng Đồng Tháp Mười; đẩy mạnh khuyến nông và chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp; phát triển các mô hình liên kết sản xuất - tiêu thụ theo chuỗi giá trị, lấy các hợp tác xã nông nghiệp làm trung tâm…
Dựa vào dự báo tình hình thời tiết, thủy văn các tháng cuối năm 2022 và dự báo tình hình xâm nhập mặn trong mùa khô 2022 - 2023 cũng như hiện trạng bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và diễn biến rầy vào đèn tại địa phương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang phân bố cụ thể lịch thời vụ xuống giống lúa vụ Đông Xuân cho hai vùng sản xuất chính là: vùng ngọt hóa Gò Công phía Đông và vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh bao gồm cả khu vực Đồng Tháp Mười.
Theo đó, trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023, vùng dự án ngọt hóa Gò Công xuống giống trên 21.000 ha. Lịch xuống giống tập trung được chia thành 2 đợt dựa vào khả năng đảm bảo nguồn nước sản xuất thực tế cho từng khu vực.
Đợt I xuống giống trong khung thời gian từ ngày 1/11/2022 đến 10/11/2022 và đợt 2 xuống giống từ ngày 20/11/2022 đến ngày 30/11/2022 dứt điểm. Lịch thời vụ này bảo đảm nước tưới tiêu phục vụ sản xuất, tránh được thời điểm hạn - mặn vào mùa khô 2023 gây ra cho trà lúa lúc cuối vụ sản xuất.
Đối với vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười, trong vụ Đông Xuân 2022 - 2023 sẽ gieo sạ 26.460 ha. Lịch thời vụ cũng chia thành 2 đợt. Tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, thị xã Cai Lậy, một phần huyện Châu Thành và một phần huyện Tân Phước tập trung xuống giống từ ngày 15/11/2022 đến 25/11/2022 dứt điểm.
Riêng phần còn lại của huyện Tân Phước và huyện Châu Thành xuống giống từ ngày 20/12/2022 và dứt điểm vào ngày 30/12/2022. Lịch thời vụ phân bố kể trên dự tính đến việc bảo đảm tiền đề thu hoạch an toàn các vụ kế tiếp trong năm, đặc biệt là tránh thời điểm lũ lụt xảy ra ảnh hưởng đến trà lúa vụ Hè Thu 2023 sắp tới.
Triển khai thực hiện, ngành nông nghiệp tích cực vận động nhân dân ra quân đồng loạt làm thủy lợi nội đồng, khai thông dòng chảy, tiêu thoát lũ lúc đầu vụ sản xuất và đảm bảo nguồn nước tưới tiêu phòng, chống hạn, mặn, giảm nhẹ thiên tai lúc cuối vụ. Trước mắt, kiện toàn mạng lưới đê bao, bờ vùng, bờ thửa nhằm phục vụ việc bơm tát, sạ dề, sạ vùng đồng loạt trên diện rộng theo lịch thời vụ tập trung do ngành nông nghiệp xây dựng và đưa ra thực hiện.
Bên cạnh đó, tỉnh khuyến cáo nông dân cần chú trọng sử dụng cơ cấu giống hợp lý, nhất là sử dụng phổ biến các giống lúa thơm, lúa chất lượng cao đạt tiêu chuẩn xuất khẩu như: Đài thơm 8, OM 18, OM 5451… nhằm nâng chất lượng hạt gạo hàng hóa tiêu dùng và xuất khẩu. Nhất là ưu tiên các giống lúa được các doanh nghiệp, thương lái liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Mặt khác, để đảm bảo tiến độ gieo sạ theo khung lịch thời vụ xuống giống, bà con còn tích cực áp dụng cơ giới hóa trong các khâu canh tác, đặc biệt là gieo sạ bằng công cụ sạ hàng hoặc máy phun giống, sạ thưa, sử dụng lượng giống từ 80 - 100 kg/ha vừa tiết kiệm chi phí, hạn chế sâu bệnh gây hại cũng như bón phân cân đối, phù hợp với từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa trên đồng,…
Cùng với đó, các địa phương tiếp tục triển khai sâu rộng và hiệu quả các kế hoạch liên kết sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia. Các kế hoạch liên kết phải bảo đảm thỏa mãn 3 yêu cầu: đảm bảo diện tích theo kế hoạch, tiêu thụ toàn bộ sản phẩm hơp đồng đã ký kết và tăng số doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất, giải quyết đầu ra nông sản hàng hóa, nông dân có lợi.