Tiền đề xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình

Tỉnh Thái Bình là địa phương có nhiều thế mạnh sản xuất lúa về điều kiện tự nhiên, khí hậu, hạ tầng thủy lợi và trình độ thâm canh. Tuy vậy, hiện nay mục tiêu sản xuất quy mô lớn, xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình hướng đến xuất khẩu vẫn còn nhiều khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có.

Chú thích ảnh
Nông dân huyện Vũ Thư thu hoạch lúa vụ Xuân 2021. Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN

Thay đổi tư duy

Nếu như năm 1966, Thái Bình là tỉnh đầu tiên của cả nước đạt năng suất lúa 5 tấn/ha/năm, đây cũng là dấu mốc của tên gọi “quê hương năm tấn” sau này, thì nay trên mỗi ha diện tích người nông dân Thái Bình có thể sản xuất hiệu quả gấp hơn 2,5 lần với năng suất trung bình 13 tấn/ha/năm. Hiện Thái Bình cũng là địa phương có diện tích lúa gieo cấy lớn thứ hai trong khu vực Đồng bằng sông Hồng (sau thành phố Hà Nội) với diện tích gieo cấy 2 vụ/ năm đạt gần 150.000 ha, sản lượng trên 1 triệu tấn/năm. 

Thay vì sản xuất lúa theo phương thức truyền thống, ngày nay người nông dân Thái Bình đã mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giải phóng sức lao động, nâng cao năng suất trên mỗi đơn vị diện tích. Đã có không ít những nông dân làm giàu ngay trên chính đồng ruộng quê hương nhờ đổi mới tư duy.

Những năm gần đây, nông dân Thái Bình chú trọng hơn đến các giống lúa chất lượng cao với diện tích gieo cấy trung bình đạt 40%/năm, có huyện diện tích này tới 70%. Nhiều nông dân lại chọn hướng đi khác, thay vì sản xuất nhỏ lẻ thì họ mạnh dạn thuê đất, tích tụ ruộng đất để đầu tư cánh đồng lớn. Trên địa bàn hiện có hơn 1.300 hộ nông dân tập trung tích tụ ruộng đất quy mô lớn, trong đó có trên 4.800 ha được tích tụ với quy mô từ 2 ha trở lên.

Bà Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, những năm qua năng suất, sản lượng lúa trên địa bàn có sự tăng trưởng tốt, nhiều mô hình canh tác hiệu quả được đưa vào sản xuất. Năm 2016 tỉnh triển khai sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với doanh nghiệp tiêu thụ đạt 100 ha/năm.

Năm 2020 diện tích gieo cấy ứng dụng chương trình IPM (quản lý dịch hại tổng hợp trên cây trồng) và kỹ thuật canh tác lúa cải tiến SRI đạt gần 45% diện tích, giúp nông dân giảm chi phí sản xuất, tăng thêm lợi nhuận. Năm 2017-2021 có trên 50.000 hộ nông dân và 50 hợp tác xã tham gia áp dụng thành công chương trình sản xuất lúa giảm phát thải nhà kính.

Bên cạnh đó, tỉnh Thái Bình cũng áp dụng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, ứng dung cơ giới hóa vào sản xuất lúa. Hiện Thái Bình có gần 12.000 máy làm đất các loại, đảm nhận cơ giới cho khâu làm đất đạt 100% diện tích canh tác; gần 1.500 máy gặt các loại, đảm bảo thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp khoảng 80% diện tích….

Nhiều rào cản

Dù có nhiều thế mạnh và truyền thống thâm canh cây lúa song để xây dựng thương hiệu và khẳng định vị thế lúa gạo Thái Bình tại thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu vẫn là bài toán khó nhiều năm nay.

Trên địa bàn tỉnh có khoảng 200 cơ sở xay xát lúa gạo; trong đó, có 170 cơ sở sơ chế, chế biến quy mô hộ gia đình, 20 công ty, 4 hợp tác xã quy mô vừa và lớn áp dụng dây chuyền hiện đại, tự động hóa trong xay xát. Năng lực sơ chế, chế biến khoảng 200.000 tấn/năm.

Ông Phạm Ngọc Hưng, Giám đôc Công ty lương thực thực phẩm Khang Long, huyện Kiến Xương cho rằng, thiếu hệ thống sấy lúa đang là khâu yếu nhất của tỉnh trong sản xuất lúa gạo. Bởi muốn nâng cao chất lượng lúa gạo, bên cạnh sản xuất đạt tiêu chuẩn thì vấn đề bảo quản sau thu hoạch cũng là vấn đề quan trọng cần được quan tâm. Trong khi đó, thực tế hiện nay số lượng nhà máy sấy đạt tiêu chuẩn trên địa bàn tỉnh chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Thống kê của ngành nông nghiệp địa phương, hiện trên địa bàn chỉ có 10 máy sấy các loại, tập trung chủ yếu các dịch vụ sấy thuê và các nhà máy xay xát, quy mô công suất lớn từ 20-40 tấn/mẻ. Đây là con số rất hạn chế so với năng lực sản xuất lúa của tỉnh, nhất là trong thời điểm 2 vụ thu hoạch lúa chính của nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình, sản xuất lúa gạo tại Thái Bình còn gặp nhiều rào cản khác như: quy mô đồng ruộng trên địa bàn còn nhỏ (trung bình 0,2 ha/hộ), vai trò của nhiều hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp còn mờ nhạt, mối liên kết giữa nông dân với nông dân, nông dân với nghiệp còn yếu và thiếu bền vững, thu nhập của nông dân chưa tương xứng với các tác nhân khác tham gia kinh doanh lúa gạo khiến người nông dân không “mặn mà” với liên kết.

Tỉnh Thái Bình cũng chưa xây dựng được thương hiệu gạo chung cho tỉnh, chưa phát huy được lợi thế của các sản phẩm gạo đặc sản. Ngoài ra, việc lạm dụng các hóa chất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong thâm canh lúa tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái, ảnh hưởng đến chất lượng gạo, nhất là khi tham gia thị trường xuất khẩu.

Ưu tiên quy hoạch vùng

Công ty TNHH Hưng Cúc là một trong những doanh nghiệp tham gia sản xuất chế biến gạo đầu tiên của tỉnh Thái Bình và là doanh nghiệp duy nhất trên địa bàn tỉnh nói riêng, khu vực phía Bắc nói chung đủ điều kiện xuất khẩu gạo trực tiếp vào thị trường Trung Quốc (theo đánh giá của Tổng cục giám sát chất lượng kiểm nghiệm và kiểm dịch Quốc gia Trung Quốc AQSIQ).

Ông Đặng Xuân Trường, Trưởng phòng hành chính Công ty cho biết, sản xuất nông nghiệp; trong đó, có sản xuất lúa - cây trồng chủ lực của tỉnh Thái Bình hiện còn nhiều khó khăn. Dù đã thực hiện dồn điền đổi thửa nhưng phần lớn hộ nông dân trồng lúa có diện tích nhỏ, manh mún, sản xuất còn theo tập quán, chưa có tính kế hoạch nên khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn thị trường xuất khẩu. Ngoài ra, việc nhận thức về sản xuất cây trồng an toàn còn hạn chế, nông dân không có thói quen ghi chép nhật ký sản xuất.

Bên cạnh đó, chất lượng, số lượng, chủng loại gạo không ổn định nên khó khăn trong phát triển thị trường cũng như xây dựng thương hiệu gạo Thái Bình. Hiện từ 80 - 90% nông dân Thái Bình tận dụng ánh nắng mặt trời để phơi lúa sau thu hoạch, khó khăn cho doanh nghiệp thu mua để tạm trữ vì khi phơi với độ ẩm không đều, lẫn tạp chất, tỷ lệ hao hụt lớn, ảnh hưởng đến chất lượng hạt gạo.

Từ thực trạng đó, ông Đặng Xuân Trường cho rằng, để phát triển bền vững thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình cần xây dựng chuỗi liên kết và chuỗi cung ứng; trong đó, doanh nghiệp đóng vai trò trung tâm trong việc kết nối toàn bộ chuỗi cung ứng. Doanh nghiệp nghiên cứu thị trường, đặt hàng nông dân và Hợp tác xã về chủng loại, số lượng, chất lượng và tổ chức phân phối. Thái Bình cần chuyển đổi mục tiêu từ số lượng sang chất lượng, xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa gắn với doanh nghiệp tiêu thụ, xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, chất lượng, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Có như vậy, doanh nghiệp mới yên tâm đầu tư, liên kết và phát triển chuỗi giá trị sản xuất lúa gạo trên địa bàn.

Ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty giống cây trồng Thái Bình (ThaiBinh Seed) cũng chung quan điểm, ông cho rằng, quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp là vấn đề khó nhưng phải quyết tâm thực hiện để tạo vùng sản xuất hướng đến sản xuất lúa hàng hóa và thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư.

Đây là vấn đề then chốt hàng đầu, có ý nghĩa quyết định đến quá trình xây dựng thương hiệu lúa gạo Thái Bình trong tương lai. Đồng thời, tỉnh cần quan tâm hơn đến xây dựng hạ tầng cơ sở vật chất, xây dựng nguồn nhân lực, đầu tư cho mở rộng quan hệ hợp tác để xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình.

Theo Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thái Bình giai đoạn 2021 - 2025, lúa gạo được xếp vào nhóm sản phẩm cạnh tranh. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, diện tích lúa khoảng 115.000 ha/năm, sản lượng ước đạt 753.000 tấn; trong đó, 94% sản lượng phục vụ chế biến, tiêu thụ trong nước (thị trường trong tỉnh chiếm 39%, tỉnh ngoài 55%); 6% sản lượng phục vụ xuất khẩu.

Đồng thời, tỉnh thực hiện mở rộng diện tích cấy giống lúa chất lượng cao, lúa hữu cơ theo thổ nhưỡng của từng vùng; chế biến sâu và đa dạng các sản phẩm chế biến từ gạo quảng bá nâng cao giá trị sản phẩm truyền thống của tỉnh... Thái Bình phấn đấu có từ 30 - 40% diện tích, tương đương từ 50.000 - 60.000 ha có liên kết sản xuất, diện tích lúa chất lượng cao đạt từ 50-60%, lợi nhuận người trồng lúa hàng hóa đạt từ 30% trở lên vào năm 2025.

Với quy mô diện tích, năng suất như hiện nay, sản xuất lúa gạo tỉnh Thái Bình gần như đã tiệm cận với các điều kiện phát triển. Do vậy, thay đổi tư duy từ sản xuất số lượng sang chất lượng, xây dựng thương hiệu được xem là công cụ đột phá nhằm tăng giá trị sản xuất lúa gạo tại địa phương này. Trong đó, sự tham gia của doanh nghiệp trong mỗi chuỗi liên kết, cung ứng sẽ là tiền đề quan trọng để hình thành nên thương hiệu gạo Thái Bình.

Thu Hoài - Thế Duyệt (TTXVN)
Vùng lũ đầu nguồn phát triển ngành xay xát lúa gạo
Vùng lũ đầu nguồn phát triển ngành xay xát lúa gạo

Huyện Cái Bè nằm đầu nguồn sông Tiền, thuộc vùng kiểm soát lũ phía Tây của tỉnh Tiền Giang có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp; trong đó, diện tích đất trồng lúa năng suất cao 3 vụ/mỗi năm trên 12.000 ha, cho sản lượng thu hoạch trên 232.000 tấn lúa/năm.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN