Gia đình ông Đinh Văn Nhất đang thu hoạch 2 ha lúa trên cánh đồng xã Buôn Chóah. Năm nay, năng suất dự kiến đạt hơn 11 tấn/ha, tăng hơn 1 tấn/ha so với năm ngoái. “So với vụ Đông Xuân năm trước, năng suất năm nay phổ biến tăng khoảng 1 tấn/ha. Nguyên nhân do thời tiết thuận lợi, nông dân trồng giống lúa ST24 nhiều năm nên cũng có kinh nghiệm chăm sóc, bón phân hơn”, ông Nhất chia sẻ với chúng tôi.
Năm nay, nhiều hộ nông dân, nhất là các thành viên của Hợp tác xã Nông nghiệp Buôn Chóah, đã cùng nhau trồng thí điểm giống lúa gạo ST25. Đây là giống lúa gạo nổi tiếng khi vào tháng 11/2019 đã được vinh danh là “gạo ngon nhất thế giới” tại Hội nghị Thương mại Gạo thế giới lần thứ 11 được tổ chức tại Manila (Philippines).
Bà Hứa Thị Niên, một nông dân tham gia trồng thí điểm cho hay, sau khi được tham gia học tập kinh nghiệm thực tế tại tỉnh Sóc Trăng, gia đình bà đã quyết định tham gia trồng thử nghiệm 1,5 ha giống lúa ST25. Kết quả vượt xa mong đợi và cây lúa phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, năng suất không thua kém các giống lúa khác tại đây.
Ông Phạm Xuân Lai, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Chóah nhận định, nông dân trồng thí điểm giống lúa ST25 trên cánh đồng Buôn Chóah khá thành công. Nhìn chung, lúa sinh trưởng tốt, phù hợp với chất đất của địa phương. Nhờ đó, các thửa ruộng thí điểm đều có năng suất cao, hạt gạo dẻo, ngọt và có mùi thơm đặc trưng. Thêm nữa, đây là giống lúa đã có thương hiệu ngon nhất thế giới nên đầu ra khá thuận lợi.
Cũng theo một số hộ dân xã Buôn Chóah, nông dân trồng lúa ST25 cần lưu ý việc giống lúa này có thời gian sinh trưởng dài hơn khoảng từ 10 – 15 ngày so với các giống lúa cũ, bông lúa, thân lúa cũng dài hơn nên dễ gãy đổ khi mưa to, gió lớn.
Vụ Đông Xuân năm nay, cánh đồng Buôn Chóah có xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ vào đầu vụ. Tình trạng này sau đó được khắc phục nhờ sự vào cuộc của các ngành chức năng và sự chủ động của người nông dân. So với các năm trước, thời tiết năm nay lạnh hơn nên cây lúa sinh trưởng dài ngày hơn. Đây có thể là nguyên nhân khiến năng suất lúa tăng mạnh, nhiều thửa ruộng ghi nhận sản lượng cao nhất từ trước tới nay (trên 13 tấn/ha).
Theo UBND xã Buôn Chóah, vụ Đông Xuân năm nay, nông dân gieo trồng khoảng 700 ha lúa, tăng khoảng 100 ha so với vụ năm trước. Hiện người dân đang vào vụ thu hoạch rộ với năng suất bình quân từ 1,1 – 1,2 tấn/ha và tổng sản lượng dự kiến khoảng từ 7.700 – 8.000 tấn. Nhìn chung, sau khi trừ đi chi phí, nông dân thu lợi nhuận hơn 40 triệu đồng/ha/vụ.
Xã Buôn Chóah là xã ven sông Krông Nô và đây là xã vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Nông mới chỉ được người dân khai phá, cư trú khoảng ổn định hơn 20 năm nay. Nhờ dòng sông Krông Nô đỏ nặng phù sa hàng năm bồi đắp và những nông dân chịu khó đến từ các tỉnh biên giới phía Bắc, cánh đồng Buôn Chóah đã nhanh chóng trở thành vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh Đắk Nông. Năng suất lúa tại đây cũng vào loại cao nhất các tỉnh Tây Nguyên. Chất lượng hạt gạo Buôn Chóah thơm ngon và đã xây dựng được thương hiệu, nhất là đối với người dân 2 tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông.
Tháng 12/2020, UBND tỉnh Đắk Nông đã công nhận sản phẩm gạo Buôn Chóah đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm tỉnh Đắk Nông). Kế đó, tháng 1/2021, UBND tỉnh Đắk Nông tiếp tục công nhận vùng sản xuất lúa xã Buôn Chóah là 1 trong 3 vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh. Đây là những tiền đề quan trọng để chắp cánh cho thương hiệu gạo Buôn Chóah.
Hiện nay, cánh đồng xã Buôn Chóah đang được xây dựng hoàn thiện dự án cải tạo, nâng cấp hệ thống trạm bơm và một số hạng mục phụ trợ liên quan với tổng kinh phí hơn 32,5 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Chóah cho biết, chính quyền địa phương và người dân rất phấn khởi, vui mừng khi hệ thống thủy lợi trên cánh đồng được nhà nước ưu tiên phân bổ hàng chục tỷ đồng để cải tạo nâng cấp. Mong muốn hiện nay của địa phương là hệ thống thủy lợi nói riêng và hạ tầng nói chung tiếp tục được quan tâm, đầu tư hoàn thiện để phục vụ tốt hơn nhu cầu sản xuất của người dân.
UBND xã Buôn Chóah cũng mong muốn các ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ để người dân, nhất là các hợp tác xã có điều kiện đầu tư dây chuyền sơ chế, đóng gói sản phẩm gạo Buôn Chóah, cũng như có điều kiện xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm ra thị trường, giảm bớt thực trạng phần lớn lúa tươi được dân cân, bán tại ruộng như hiện nay.