Cùng với hành trình phát triển của đất nước, hạt gạo không chỉ hoàn thành sứ mệnh đảm bảo an ninh lương thực mà còn trở thành mặt hàng xuất khẩu tỷ đô, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu trên thế giới.
Xuất khẩu gạo tăng dần về giá trị
Lúa gạo là một trong những ngành hàng có thế mạnh của nông nghiệp Việt Nam, đồng thời cũng đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Gạo là loại lương thực chính của phần lớn người dân Việt Nam; sản xuất lúa gạo cũng là sinh kế của hàng triệu nông dân.
Nếu như trước năm 1989, Việt Nam vẫn còn phải nhập khẩu gạo thì đến năm 1989, 1,42 triệu tấn gạo Việt đã vươn mình ra thế giới. Trong những năm gần đây, ngành lúa gạo Việt Nam đã đạt được thành tựu ấn tượng, đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
Năm 2019, cả nước xuất khẩu 6,37 triệu tấn gạo, tương đương 2,81 tỷ USD. Năm 2020, mặt hàng gạo xuất khẩu tăng trưởng mạnh về giá nên dù sản lượng giảm gần 2,5%, tổng kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 3,07 tỷ USD, đứng thứ 2 trên thế giới (sau Ấn Độ). Trong 11 tháng năm 2021, cả nước đã xuất khẩu 5,75 triệu tấn gạo, đạt trị giá 3,03 tỷ USD (tăng 0,8% về lượng và tăng 7,2% về trị giá so với cùng kỳ năm trước).
Trong những năm gần đây, xuất khẩu gạo của nước ta cũng đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ trong cơ cấu chủng loại gạo xuất khẩu theo hướng dần chuyển dịch sang các loại gạo có giá trị gia tăng cao như: gạo thơm, gạo japonica, gạo đặc sản... Chất lượng gạo tăng lên là một trong những yếu tố quan trọng bậc nhất để tăng trưởng về giá trị cho xuất khẩu gạo.
Hiện nay, gạo Việt Nam xuất khẩu sang khoảng 80 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó châu Á vẫn là thị trường chính, tiếp đến là thị trường châu Phi. Có thể kể đến các thị trường gạo lớn nhất của Việt Nam là: Philippines, Trung Quốc, Malaysia, Ghana, Bờ biển ngà, Iraq, Indonesia, Hồng Kông (Trung Quốc), Senagal... Không chỉ giữ vững các thị trường truyền thống, quá trình tái cơ cấu nông nghiệp đã giúp hạt gạo Việt vươn tới nhiều thị trường khó tính hơn. Cộng với sự rộng mở của các hiệp định tự do thế hệ mới như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hay Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), hạt gạo Việt đã có thể chinh phục được những vùng đất mới.
Đặc biệt, gạo Việt cũng liên tục có mặt trong top đầu tại cuộc thi gạo ngon nhất thế giới. Tại cuộc thi World's Best Rice do The Rice Trader tổ chức, gạo ST 25 của Việt Nam đã được đánh giá là gạo ngon nhất thế giới năm 2019, ngon nhì thế giới năm 2020.
Tái cơ cấu ngành lúa gạo theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững
Dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sự phát triển của ngành lúa gạo Việt Nam cũng đang đứng trước nhiều thách thức do hiệu quả còn thấp và tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt ở vùng sản xuất lúa trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long.
Để vượt qua thử thách, phát huy lợi thế và giữ vững vị trí quan trọng của lĩnh vực trồng trọt, ngành lúa gạo cần được tiếp tục tái cơ cấu đến năm 2025 và 2030 nhằm đáp ứng những yêu cầu mới cho sự phát triển cao hơn và bền vững hơn.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu mới cho sự phát triển cao hơn và bền vững hơn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phê duyệt "Đề án Tái cơ cấu ngành lúa gạo Việt Nam đến năm 2025 và 2030”. Theo đó, Việt Nam định hướng tái cơ cấu lại ngành hàng này theo hướng nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng trong nước và nâng cao chất lượng, giá trị dinh dưỡng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đó, hình thành và nâng cao được hiệu quả chuỗi giá trị lúa gạo, thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu và nâng cao thu nhập của nông dân cũng như lợi ích cho người tiêu dùng.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu giữ diện tích đất lúa từ 3,6-3,7 triệu ha, sản lượng lúa từ 40-41 triệu tấn. Về khối lượng xuất khẩu, khoảng 5 triệu tấn gạo. Trong đó loại gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 40%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 20%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 15%, sản phẩm chế biến từ gạo 5%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 20%.
Đến năm 2030, đảm bảo tối thiểu sản lượng đạt 35 triệu tấn lúa/năm và xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn gạo. Tuy nhiên, trong đó, loại gạo thơm, đặc sản và gạo japonica chiếm 45%, gạo nếp 20%, gạo trắng phẩm chất cao 15%, gạo phẩm cấp trung bình và thấp 10%, sản phẩm chế biến từ gạo 10%; tỷ lệ gạo xuất khẩu có thương hiệu trên 40%.
Để đạt được mục tiêu này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định hướng cần hạn chế việc chuyển đổi ở những nơi đất lúa có độ phì cao và có hệ thống thủy lợi hoàn chỉnh; chấm dứt tình trạng bỏ hoang đất lúa. Đồng thời, diện tích gieo trồng lúa chuyển đổi linh hoạt theo hướng tăng tỷ lệ diện tích lúa luân canh (với rau màu, thủy sản) đáp ứng nhu cầu của thị trường.
Đặc biệt, với Đồng bằng sông Cửu Long là vùng sản xuất lúa trọng điểm của cả nước, cũng là vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu nặng nề nhất, cần sản xuất lúa thích ứng với biến đổi khí hậu; nâng cao giá trị và hiệu quả thông qua nâng cao chất lượng lúa gạo; mở rộng liên kết sản xuất-tiêu thụ, đẩy mạnh xuất khẩu. Với Đồng bằng sông Hồng - vựa lúa của phía Bắc cần hướng đến thị trường nội địa, với xu thế tiêu dùng gạo đặc sản, gạo chất lượng cao gia tăng.
Về xuất khẩu gạo, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần tiếp tục thực hiện Chiến lược xuất khẩu gạo Việt Nam giai đoạn 2017-2020 và tầm nhìn 2030. Bên cạnh đó, tăng cường chọn tạo và phát triển giống lúa đáp ứng cơ cấu chủng loại gạo theo chiến lược xuất khẩu. Trong đó cần ưu tiên cho giống lúa thơm, đặc sản và phát triển các vùng sản xuất tập trung theo giống được xác định có sự liên kết sản xuất - tiêu thụ, xuất khẩu. Kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất để sản phẩm có chất lượng đồng nhất và đảm bảo các chỉ tiêu vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, để đảm bảo xuất khẩu gạo đạt hiệu quả cao, cần cụ thể hóa chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất khẩu gạo có thương hiệu và được gắn nhãn chứng nhận quốc gia gạo Việt Nam (Vietnam Rice). Hỗ trợ thiết lập các văn phòng giới thiệu, quảng bá gạo Việt Nam ở các thị trường trọng điểm.
Đặc biệt, cần thực hiện có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) để phát triển thị trường xuất khẩu gạo, trong đó tận dụng khả năng gạo xuất khẩu của Việt Nam có điều kiện thâm nhập các phân khúc gạo cao cấp; hỗ trợ các hoạt động quốc tế quảng bá gạo Việt Nam, tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam ở nước ngoài và tham gia các diễn đàn quốc tế về lúa gạo… nhằm góp phần đưa giá trị xuất khẩu gạo của Việt Nam tiếp tục đạt giá trị cao.