Để ứng phó với nguy cơ bùng phát dịch ở địa phương, tỉnh đang gấp rút chuẩn bị và sẵn sàng đưa vào hoạt động các khu thu dung, điều trị F0 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng trong vài ngày tới.
Tranh thủ thời gian từ 3 giờ sáng, dưới trời mưa nặng hạt, nhiều công nhân vẫn đang gấp rút đào đất, dựng khung để hoàn thiện khu vực nhà vệ sinh tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà. Trong vài ngày đến, nơi đây sẽ được đưa vào sử dụng làm nơi tổ chức điều hành, phục vụ hậu cần cho các lực lượng tham gia chống dịch tại hai trung tâm điều trị người COVID-19 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng trên địa bàn.
Là đơn vị phụ trách chuẩn bị khu điều hành, hậu cần nói trên, Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hương Trà đã huy động nhiều cán bộ, chiến sỹ cùng lực lượng dân quân tự vệ nhanh chóng chuẩn bị, cải tạo cơ sở vật chất ở nơi đây.
“Nhờ kinh nghiệm từng tổ chức 14 khu cách ly tập trung trên địa bàn và sự học hỏi, tham khảo ý kiến của các chuyên gia, mô hình bệnh viện dã chiến trong nước, đơn vị đã nhanh chóng hoàn thiện cơ bản cơ sở vật chất tại khu điều hành, hậu cần sau khoảng 7 ngày làm việc”, Thiếu tá Lê Văn Trung, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hương Trà cho hay.
Cách khu điều hành, hậu cần tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên thị xã Hương Trà không xa, Công ty Cổ phần Hello Quốc tế Việt Nam (Khu Công nghiệp Tứ Hạ và nhà xưởng Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tân Bảo Thành (phường Tứ Hạ) đang dần hoàn thiện để trở thành trung tâm thu dung, điều trị người bệnh COVID-19 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng của Thừa Thiên - Huế, với tổng quy mô khoảng 900 giường bệnh.
Bên cạnh việc sơn sửa, dọn dẹp sạch sẽ các phòng ốc, bố trí lắp đặt hệ thống điện nước, việc phân luồng hợp lý giữa các khu điều hành, khu điều trị và nhà vệ sinh tại hai trung tâm này cũng được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chuẩn bị kỹ đúng theo tinh thần đảm bảo an toàn tuyệt đối mà Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh đã lưu ý. Các cơ sở này sẽ có thể tiếp nhận, thu dung bệnh nhân mắc COVID-19 để điều trị chậm nhất vào ngày 19/11.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Hương Trà Nguyễn Duy Hùng cho hay, trong những ngày qua, chính quyền địa phương đã tích cực, nỗ lực, vận động nhiều nguồn lực để hỗ trợ Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh hoàn thiện ba cơ sở nói trên, đảm bảo kịp tiến độ đưa vào sử dụng ngay khi cần thiết. Lực lượng y tế và Ban Chỉ huy Quân sự thị xã đã sẵn sàng tinh thần và nâng cao năng lực để trực tiếp tham gia phục vụ chống dịch tại các cơ sở trong thời gian tới. Tuy nhiên, hiện nay lực lượng y tế địa phương còn mỏng đang đảm trách nhiều nhiệm vụ: tham gia khoanh vùng, dập dịch ổ dịch trên địa bàn, đồng thời gấp rút triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân.
Việc trưng dụng hai cơ sở trên địa bàn thị xã Hương Trà làm trung tâm thu dung, điều trị cho người mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ, không triệu chứng là một trong những giải pháp đang được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Thừa Thiên - Huế thực hiện để sẵn sàng ứng phó trước diễn biến dịch bệnh đang có xu hướng gia tăng phức tạp.
Trong ngày 16/11, Thừa Thiên - Huế đã ghi nhận thêm 68 ca dương tính với SARS-CoV-2, nâng tổng số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh lên hơn 1.800 trường hợp; trong đó, các trường hợp có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng chiếm đa số. Gần đây, số ca bệnh được phát hiện trong cộng đồng ở địa phương đang có xu hướng gia tăng, đã có 230 ca bệnh được phát hiện trong 4 ngày (từ 13-16/11).
Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đã quyết định trưng dụng một số cơ sở để làm trung tâm thu dung, điều trị người mắc COVID-19 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng và có phương án sẵn sàng mở rộng các trung tâm tùy theo diễn biến dịch.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Kiêm Hảo, Giám đốc Sở Y tế Thừa Thiên - Huế, hiện nay hai cơ sở cách ly tập trung của tỉnh đã được trưng dụng làm nơi điều trị cho các F0 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. Để sẵn sàng trước nguy cơ bùng phát dịch tại địa phương, tỉnh đã xây dựng kịch bản, phương án để ứng phó với dịch bệnh khi số ca nhiễm có thể lên đến 5.000 người bệnh.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo mỗi Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố chuẩn bị 30% giường bệnh và sẵn sàng nhân lực để tiếp nhận, điều trị các trường hợp mắc COVID-19 trên địa bàn ngay khi dịch bệnh bùng phát. Với những F0 không triệu chứng, tỉnh hướng đến để người dân chủ động điều trị tại nhà dưới sự hướng dẫn, giám sát chặt chẽ của ngành Y tế. “Lúc đó, vai trò của tổ phòng, chống COVID-19 cộng đồng, trạm y tế và trạm y tế lưu động sẽ được phát huy trong công tác điều trị bệnh”, Giám đốc Sở Y tế Trần Kiêm Hảo chia sẻ.
Mặc dù, việc giám sát dịch tễ người dân từ vùng dịch trở về đã được tỉnh siết chặt, thực hiện nghiêm ngặt nhưng một số bộ phận người dân có ý thức kém, lảng tránh hoặc khai báo gian dối gây nên lây nhiễm dịch bệnh trong cộng đồng. Dịch bệnh phức tạp khi xuất hiện nhiều ổ dịch tại các lò mổ, chợ và khu dân cư đông đúc.
Hiện nay, nhiều chợ lớn trên địa bàn Thừa Thiên - Huế đã buộc phải đóng cửa khi phát hiện có các ca mắc COVID-19 như chợ Vỹ Dạ, Bao Vinh, Cồn, Trường An… Một số địa phương đã nâng cấp độ dịch nguy cơ rất cao là cấp 4 tương ứng vùng đỏ, với nhiều ổ dịch phức tạp phải kể đến như phường Hương Sơ, Hương Vinh, Phú Hậu, Thuận Lộc, Vỹ Dạ, xã Hương Phong, Phú Dương, Phú Thanh (thuộc thành phố Huế); thị trấn Lăng Cô (huyện Phú Lộc) và xã Quảng Vinh (huyện Quảng Điền).
Trước tình hình đó, song song việc bám sát “vòng ngoài” kiểm soát người dân trở về, ngành Y tế tỉnh đang nỗ lực nhanh chóng tầm soát trong cộng đồng theo nguyên tắc “nguy cơ đến đâu, khoanh vùng đến đó”. Đóng vai trò quan trọng trong công tác phòng, chống dịch tại địa phương, các đội phản ứng nhanh (thuộc Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh tỉnh) đã nỗ lực hết sức mình truy vết, lấy mẫu xét nghiệm cho hàng nghìn người dân mỗi ngày, bất kể ngày đêm để nhanh chóng “cắt” chùm lây nhiễm.