Để tiếp tục làm tốt công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, tỉnh Thanh Hóa sẽ triển khai thực hiện tốt “2 chống, 3 xây”. Trong đó, 2 chống là chống chủ quan, lơ là mất cảnh giác, thỏa mãn; chống dịch bệnh bên ngoài xâm nhập vào cộng đồng. Ba xây là xây dựng kế hoạch cho tình huống xấu hơn khi dịch lây lan rộng trong cộng đồng; xây dựng kế hoạch để không rơi vào tình huống khủng hoảng về an sinh xã hội, lương thực thực phẩm, nước uống khi dịch bệnh lây lan trên diện rộng; xây dựng kế hoạch tuyên truyền vận động nhân dân phải chủ động thích ứng trong tình hình mới.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh, thời gian qua với phương châm chống dịch như chống giặc, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện và mạnh mẽ các biện pháp vượt qua khó khăn. Vì vậy đến thời điểm này, Thanh Hóa vẫn kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, các ca bệnh xâm nhập đều được giám sát, phát hiện sớm, chạy đua với thời gian, xử lý triệt để ngay từ đầu để hạn chế tối đa các trường hợp F1, F2, không để lây lan trong cộng đồng.
Là tỉnh có địa bàn rộng, dân số đông, số lượng công dân trở về khá lớn, nhưng Thanh Hóa đã làm tốt công tác tiếp nhận, rà soát, cách ly tập trung hoặc cách ly tại gia đình đối với người từ vùng dịch về địa phương. Chính quyền cũng phối hợp với Hội đồng hương Thanh Hóa tại TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con ở lại theo kêu gọi của Chính phủ “ai ở đâu ở yên đấy”.
Các ý kiến phát biểu tại các điểm cầu đã báo cáo tình hình thực hiện công tác quản lý trong các khu cách ly tập trung, nỗ lực không để tình trạng lây chéo trong khu cách ly; đồng thời nêu lên những cách làm hay, sáng tạo trong công tác phòng, chống dịch như thực hiện thí điểm cách ly tại nhà; thành lập tổ phản ứng nhanh phòng, chống dịch tại các phường, xã; thực hiện test nhanh tầm soát đối với các đối tượng có nguy cơ cao...
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng ghi nhận và đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự quyết tâm đồng lòng sẻ chia để cùng phòng, chống dịch bệnh của các cấp, ngành, địa phương, của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đặc biệt là sự nỗ lực vượt bậc của đội ngũ y bác sỹ, các chiến sỹ quân đội, công an… trên tuyến đầu chống dịch.
Tuy nhiên, sau một thời gian dài nỗ lực ngăn chặn dịch, đã xuất hiện nhiều khó khăn, tồn tại cả khách quan, chủ quan. Có lúc, có thời điểm, có địa phương còn lúng túng trong tổ chức các nhiệm vụ, các biện pháp phòng, chống dịch, chưa chủ động nắm bắt từ sớm, từ xa những người muốn trở về địa phương, dẫn đến lúng túng trong chỉ đạo, tổ chức. Bên cạnh đó, một bộ phận doanh nghiệp, người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh dẫn đến lơ là, chủ quan... Công tác tổ chức vận hành các khu cách ly tập trung ở một số nơi trong tỉnh còn chưa đáp ứng yêu cầu, để lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Việc cách ly tại nhà chưa đáp ứng yêu cầu, có nơi còn buông lỏng, chủ quan...
Vì vậy, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể nhân dân trong tỉnh phải tập trung cao cho phòng, chống dịch, phải xác định đây là nhiệm vụ cấp bách, trọng tâm, hàng đầu trong giai đoạn hiện nay. Với tinh thần phải bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho nhân dân là trên hết, trước hết, các ngành, các địa phương phải rà soát, chuẩn bị tốt các phương án, nhận diện, đánh giá các nguy cơ dịch bệnh… trên tinh thần từng địa phương an toàn để cả tỉnh an toàn. Từng địa phương, từng ngành phải đẩy mạnh công tác phòng, chống dịch COVID-19 theo phương châm “4 tại chỗ”, trong đó cần nhận diện, đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tiễn, coi trọng nhận diện từ xa, từ sớm, từ cơ sở để chỉ đạo triển khai các biện pháp linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với từng địa bàn, từng địa phương.
Trong tình hình mới, tỉnh Thanh Hóa sẽ thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch với phương châm có thể sớm hơn, cao hơn chứ không được chậm hơn, thấp hơn; đồng thời phải phát huy sức mạnh toàn dân, lấy dân làm gốc, lấy gia đình làm trung tâm của công tác phòng, chống dịch. Các pháo đài trọng yếu như bệnh viện, doanh nghiệp, xí nghiệp, công sở, chợ dân sinh… phải được đặt lên hàng đầu.
Thanh Hóa cũng phải làm tốt hơn nữa công tác cách ly tập trung, cách ly tại gia đình. Các địa phương như thành phố Thanh Hóa, thành phố Sầm Sơn, thị xã Nghi Sơn, thị xã Bỉm Sơn, huyện Hoằng Hóa, có nhiều khách sạn, cơ sở vật chất tốt có thể cách ly tập trung nhiều hơn, các địa phương khác không có điều kiện cách ly tập trung thì sẽ linh hoạt cách ly tại gia đình trên cơ sở giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly, không để xảy ra các tình huống xấu do lơ là, chủ quan…
Cùng với thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, trong các tháng cuối năm, Thanh Hóa phải đẩy mạnh thực hiện phát triển kinh tế, đảm bảo quốc phòng an ninh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động, không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng lao động, hàng hóa, dịch vụ, vật tư, nguyên liệu phục vụ sản xuất, với nguyên tắc phải an toàn để sản xuất và sản xuất phải an toàn.
Các cấp, ngành, địa phương phải chủ động xây dựng kế hoạch để không bị khủng hoảng về an sinh xã hội, thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là các chính sách hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.