Thanh Hóa: Tập trung đưa nước tới chân ruộng

Theo kế hoạch, vụ Chiêm Xuân 2022 – 2023, toàn tỉnh Thanh Hóa gieo cấy 113 nghìn ha lúa.

Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, dự báo năm nay sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước. Ngay từ đầu vụ, khi nông dân bắt đầu làm đất, gieo mạ, các đơn vị thuỷ nông ở 27 huyện, thị xã, thành phố đã phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch tưới và phương án cấp nước chi tiết cho từng vùng, từng chân ruộng. 

Chú thích ảnh
Nông dân Thanh Hóa xuống đồng cấy lúa. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Chi nhánh thủy lợi huyện Triệu Sơn, thuộc Công ty TNHH MTV Sông Chu đảm nhiệm phục vụ nước tưới cho hơn 20.000 ha lúa của huyện Triệu Sơn và Thiệu Hóa. Ngay từ đầu vụ, chi nhánh đã bố trí lực lượng phối hợp với xã, thị trấn, kiểm tra, tu sửa các công trình thủy lợi, trạm bơm tưới, đảm bảo đưa nước thông suốt từ đầu mối đến mặt ruộng. Chi nhánh cũng chỉ đạo các trạm bơm bám sát địa bàn, cấp nước tưới dưỡng cho lúa sinh trưởng, phát triển tốt, thuận lợi cho phòng, trừ sâu bệnh.

Ông Lê Văn Hiểu, Giám đốc Chi nhánh thuỷ lợi Triệu Sơn cho biết, hiện mực nước ở các hồ đập, kênh mương vẫn đủ đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhưng về lâu dài, để cung cấp nước ổn định trong cả vụ chiêm xuân 2022 - 2023 là hết sức khó khăn, do những tháng cuối vụ sẽ bước vào mùa nắng nóng, lượng nước bốc hơi lớn. Vì vậy, các địa phương và nông dân cần phối hợp chặt chẽ với lực lượng thủy nông để lấy nước sản xuất một cách hợp lý, hiệu quả.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Triệu Sơn Lã Văn Lâm cho biết, vụ Chiêm Xuân 2023, toàn huyện gieo cấy hơn 11.000 ha lúa; hiện tại đã hoàn thành xong 100% kế hoạch gieo cấy. Đơn vị quản lý và khai thác công trình thủy lợi cùng chính quyền các địa phương đã và đang tập trung điều tiết nước hợp lý, phù hợp với kế hoạch sản xuất năm 2023.

Theo ông Nguyễn Văn Lực, thôn Am Mộc, xã Dân Lực, huyện Triệu Sơn, vụ Chiêm Xuân 2023, gia đình gieo cấy hơn 2 sào lúa (1.000 m), ngay từ đầu vụ, chính quyền đã phối hợp với cán bộ thuỷ nông dẫn nước về tận chân ruộng, tạo điều kiện thuận lợi cho gieo cấy và dưỡng lúa. Ai cũng mong muốn vụ năm nay thời tiết thuận lợi để mùa màng bội thu.

Vụ Chiêm Xuân 2023, Chi nhánh Thuỷ lợi Đông Sơn phụ trách tưới tiêu cho hơn 4.000 ha lúa của huyện Đông Sơn và 2 xã của huyện Triệu Sơn. Ngay đầu vụ, chi nhánh đã lập phương án tưới và phòng chống hạn cho lúa. Thời điểm hiện tại cơ bản đảm bảo đủ nước và diện tích gieo cấy đạt hơn 90% kế hoạch đề ra.

Giám đốc Chi nhánh Thuỷ lợi Đông Sơn Phạm Hải Thành cho biết, chi nhánh hiện đang quản lý và vận hành 14 trạm bơm. Ngay từ đầu vụ đơn vị đã duy tu, bảo dưỡng và vận hành các trạm bơm để cung cấp nước tới từng chân ruộng. Tuy nhiên, năm nay nông dân chuyển dần từ cấy truyền thống sang gieo xạ nên cũng khó khăn trong tích nước. Bởi sau khi làm đất, nông dân thường tháo hết nước mặt ruộng và ở các kênh tiêu để xạ nên cán bộ phải liên tục ứng trực nhằm liên tục bơm cấp nước cho tưới dưỡng…

Chú thích ảnh
Trạm bơm thủy nông đảm bảo cung cấp nước tưới tới tận chân ruộng. Ảnh: Nguyễn Nam/TTXVN

Ông Khương Bá Luận, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu cho biết, năm 2023, Công ty được UBND tỉnh Thanh Hoá giao hợp đồng tưới tiêu cho hơn 60 nghìn ha cây trồng trên địa bàn 18 huyện, thị xã và thành phố Thanh Hoá, thành phố Sầm Sơn. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết, công ty đã chủ động phương án tưới và chống hạn cho vụ Chiêm 2023.

Từ phương án này, tất cả các chi nhánh trực thuộc cũng đều xây dựng phương án cụ thể. Bên cạnh đó, công ty cũng chỉ đạo nạo vét tất cả các hệ thống kênh, đặc biệt là kênh tiêu để dẫn nước, trữ nước, phục vụ chống hạn; rà soát, duy tu và sửa chữa tất cả các máy bơm điện dự phòng, máy bơm dã chiến, máy bơm dầu… để ứng phó với tình huống hạn hán xảy ra.

Tuy nhiên hiện nay, hệ thống trạm bơm dọc sông Mã hoạt động gặp nhiều khó khăn do phát điện của các nhà máy thuỷ điện trên hệ thống không đều trong ngày. Hiện công ty đang phải thực hiện phương án chống hạn bằng máy bơm dã chiến, máy bơm dầu. Đơn vị mong muốn các cấp, ngành liên quan đề nghị  nhà máy thuỷ điện dọc trên sông Mã thực hiện nghiêm quy trình vận hành liên hồ chứa để đảm bảo cấp nước đủ cho công ty phục vụ sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.

Hiện tại, dù chưa xảy ra khô hạn do sự chủ động điều tiết và khơi thông dòng chảy của các đơn vị thủy nông, nhưng theo dự báo đến giai đoạn giữa và cuối vụ Chiêm Xuân 2022 – 2023, khả năng hạn hán có thể xảy ra, lượng nước bốc hơi lớn. Vì vậy, cùng với sự nỗ lực của các đơn vị thuỷ nông, chính quyền địa phương cần tăng cường tuyên truyền để người dân sử dụng nước hợp lý, hiệu quả; không để xảy ra tình trạng thất thoát nước trong quá trình sản xuất…

Khiếu Tư - Nguyễn Nam (TTXVN)
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xuống đồng lấy nước, làm đất
Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân xuống đồng lấy nước, làm đất

Tranh thủ thời tiết thuận lợi, nông dân Thủ đô xuống đồng lấy nước, làm đất được 21.636 ha, gieo cấy 1.927 ha lúa xuân. Địa phương có nhiều diện tích đã gieo cấy là huyện Ứng Hòa 673 ha, huyện Ba Vì 525 ha, thị xã Sơn Tây 334,98 ha…

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN