Để bảo đảm an toàn công trình đê điều, hồ đập, chủ động phòng ngừa, ứng phó, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai, sự cố, thảm họa gây ra, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm xung yếu, gia cố các vị trí đê, kè, hồ đập có nguy cơ mất an toàn trước mùa mưa bão năm 2022.
Thực trạng xuống cấp
Hồ Rộc Cúc nằm trên địa bàn xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành được nhân dân đào đắp từ năm 1970 với 0,08 triệu m3, chiều cao 7 m, chiều dài 85 m. Hồ chứa phục vụ tưới tiêu cho 15 ha đất nông nghiệp của xã Ngọc Trạo. Đến nay, do chưa được đầu tư nâng cấp nên hồ Rộc Cúc bị bồi lắng, cống bị tắc, mái thượng, mái hạ bị sạt lở, cống lấy nước bị hỏng từ lâu nên địa phương không dám tích nước vì tích nước sẽ gây nguy hiểm cho khu vực hạ lưu.
Ông Quách Văn San, xã Ngọc Trạo, huyện Thạch Thành chia sẻ: "Là người dân sống ở chân hồ Rộc Cúc, mỗi mùa mưa bão, chúng tôi đều rất lo lắng vì hồ này có tuổi rồi, nguy cơ không an toàn luôn hiện hữu. Người dân quanh vùng rất lo nước trên đập tràn vào nhà khi mưa lũ về. Hàng năm, chính quyền địa phương đều tập huấn các phương án "4 tại chỗ". Nhưng mong muốn nhất của bà con là được các cơ quan chức năng hỗ trợ để thôn chúng tôi sửa chữa lại hồ cho yên tâm trong mỗi mùa mưa bão".
Cũng nằm trên địa bàn huyện Thạch Thành, tuyến đê bao xã Thạch Định dài 9,48 km được đưa vào sử dụng từ năm 2009, có năng lực chống lũ, bảo vệ hơn 600 hộ dân. Mấy năm gần đây, do ảnh hưởng của thiên tai, mưa lũ, mặt đê xuống cấp trầm trọng, mái nội đê bao xã Thạch Định phát sinh một số điểm sạt lở.
Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Định Đào Quang Tám cho rằng: Sau 14 năm sử dụng, tuyến đê bao xã Thạch Định chịu ảnh hưởng của nhiều đợt thiên tai, đến nay, mặt đê đã xuống cấp trầm trọng. Để đảm bảo an toàn cho công trình, xã đề nghị các cấp có thẩm quyền quan tâm đầu tư hơn nữa để đảo bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân xã Thạch Định.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thạch Thành có 37,2 km đê sông, 72 hồ đập vừa và nhỏ, trong đó có hơn 10 hồ đập nguy cơ mất an toàn. Các tuyến đê được đầu tư đã lâu nên nhiều điểm có hiện tượng xuống cấp, bong tróc, rạn nứt. UBND huyện Thạch Thành đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn trên địa bàn xây dựng phương án ứng phó với các loại hình thiên tai thường xuyên xảy ra trên địa bàn, bố trí vật tư, phương tiện, nhân lực, nhu yếu phẩm, sẵn sàng ứng phó, khắc phục các hậu quả thiên tai một cách nhanh chóng, kịp thời.
Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thành Nguyễn Văn Mạnh cho biết: Mặc dù nhiều công trình hồ, đập, đê điều trên địa bàn huyện đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa nhưng do số lượng các công trình nhiều, kinh phí để đầu tư cho một công trình là lớn nên vẫn còn một số công trình chưa được tu sửa hoặc sửa chữa, chắp vá tạm thời. Huyện đã cho kiểm tra, đánh giá, xây dựng phương án an toàn, trước mắt hệ thống đê vẫn đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão năm 2022.
Tại huyện Vĩnh Lộc, tuyến đê Sông Bưởi được đánh giá là tuyến đê xung yếu, phòng lũ đi qua địa phận huyện hiện cũng đang có dấu hiệu xuống cấp và xuất hiện một số vết nứt trên mặt đê. Để đảm bảo an trong mùa mưa bão năm nay, UBND huyện Vĩnh Lộc đã chuẩn bị các phương án ứng phó, đối với các dự án, công trình thủy lợi hồ chứa, trạm bơm, kè chống sạt lở đang thi công. Lãnh đạo huyện đang đôn đốc các nhà thầu khẩn trương hoàn thành để chủ động ứng phó với mùa mưa bão năm nay đồng thời tăng cường lực lượng kiểm tra, canh gác phát hiện sớm những sự cố đê điều để xử lý, ứng cứu ngay từ giờ đầu, đặc biệt là các vị trí đê xung yếu.
Ông Đặng Ngọc Quang, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa thông tin, đơn vị đang cùng các nhà thầu gấp rút rà soát các công việc, khẩn trương tổ chức khắc phục sự cố nứt trên mặt đê kết hợp thông tuyến đê, phát quang hành lang tuyến đê để đảm bảo tiến độ trước mùa mưa bão năm nay.
Đẩy nhanh tiến độ khắc phục hiện trạng
Mặc dù những năm gần đây, được sự quan tâm của Chính phủ và các bộ ngành Trung ương cùng với nguồn ngân sách của tỉnh, Thanh Hóa đã đầu tư kinh phí tu bổ, nâng cấp hệ thống đê điều, hồ đập nhưng vẫn chưa đáp ứng được so với yêu cầu thực tế. Hiện ở nhiều địa phương trong tỉnh vẫn còn nhiều đoạn đê có nền đê yếu, nhiều đoạn thân đê cao trên 5m dễ xảy ra sạt trượt khi có mưa lũ, trong thân đê ẩn chứa nhiều ẩn họa như tổ mối, hang chuột...
Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa, hiện địa phương này còn 132,5km đê từ cấp I đến cấp III thiếu cao trình so với thiết kế; nhiều đoạn đê có mặt đê nhỏ, hẹp, chưa được cứng hóa...Một số đê sông như đê sông Hoạt, sông Càn (huyện Nga Sơn), đê hữu Thị Long (Thị xã Nghi Sơn), đê kênh Tam Điệp (huyện Hà Trung), đê tả sông Yên (huyện Nông Cống)... đang có diễn biến sạt lở, chưa có kè bảo vệ. Tính đến tháng 5/2022, Thanh Hóa có 310 hồ chứa nước ở khu vực trung du, miền núi ở Thanh Hóa được sửa chữa, nâng cấp, làm mới đã đưa vào sử dụng, bảo đảm an toàn trữ nước trong mùa mưa, bão và phát huy hiệu quả phục vụ sản xuất, dân sinh. Tuy nhiên, do các hồ, đập chủ yếu được xây dựng những năm 1970 - 1980, đến nay đã xuống cấp, hư hỏng. Ngoài những công trình xuống cấp nghiêm trọng có nguy cơ mất an toàn đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa đảm bảo an toàn, còn lại các hồ chứa đều tiềm ẩn sự cố ở các hạng mục đầu mối như đập đất bị thẩm lậu, xói mòn mái; thiết bị đóng mở, cống bị lùng mang, lùng đáy, đập đất bị sạt lở, thấm mạnh phía hạ lưu xuất hiện dòng chảy... tập trung chủ yếu ở các huyện miền núi như Bá Thước, Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Thường Xuân, Quan Hóa. Hiện Thanh Hóa có 98 hồ chứa bị hư hỏng nặng, mất an toàn, trong đó có 13 hồ có thể tích nước bình thường, 83 hồ tích nước hạn chế và 2 hồ không được phép tích nước.
Trước thực trạng trên, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cấp, các ngành tích cực triển khai thực hiện công tác chuẩn bị đầy đủ vật tư dự trữ, bố trí sẵn sàng trên các trọng điểm đê điều, hồ đập, kho bãi chuyên dụng phòng chống thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ”, khẩn trương kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình đê điều trước lũ, xác định các vị trí xung yếu. Đồng thời, xây dựng, phê duyệt phương án bảo vệ đoạn đê trọng điểm, xung yếu và triển khai công tác chuẩn bị “4 tại chỗ” theo phương án được duyệt. Từ đầu năm đến tháng 5/2022, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng 29 phương án bảo vệ các đoạn đê trọng điểm, xung yếu.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa khẳng định, ngành đang phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức lực lượng ra quân phát quang, thanh thải các bãi tập kết rác thải trong phạm vi bảo vệ hành lang đê điều. Bên cạnh đó, ngành chuẩn bị đủ số lượng, chủng loại vật tư dự trữ hộ đê cho từng tuyến, từng phương án trọng điểm và có kế hoạch huy động vật tư trong nhân dân trong trường hợp có sự cố xảy ra. Ngành cũng chủ động các biện pháp đảm bảo an toàn hồ chứa, hệ thống công trình đê điều, đặc biệt là các vị trí trọng điểm, xung yếu để đảm bảo an toàn.
Tỉnh Thanh Hóa đang yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ các công trình đang thi công, đảm bảo vượt lũ, chống lũ an toàn, sớm đưa các công trình vào khai thác trước mùa mưa bão. Với những diễn biến thời tiết khó lường như hiện nay, việc tỉnh Thanh Hóa chủ động phòng, chống rủi ro, đảm bảo an toàn hồ, đập là rất cần thiết, giúp giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản khi xảy ra thiên tai.