Dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần phụ tùng máy số 1, thành phố Sông Công, Thái Nguyên
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ, khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được xem là những động lực then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Nhận thức rõ điều đó, tỉnh Thái Nguyên đang tích cực triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị với quyết tâm tạo đột phá trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, hướng tới xây dựng một nền kinh tế hiện đại, năng động, có sức cạnh tranh cao.
Cơ chế vận hành đồng bộ, gắn trách nhiệm người đứng đầu
Theo kế hoạch, Thái Nguyên đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ phủ sóng 5G trên toàn tỉnh đạt trên 60%, có trên 60% người sử dụng có khả năng truy cập mạng băng rộng cố định với tốc độ tối thiểu 1 Gbps.
Đồng thời, tỉnh phấn đấu dành tối thiểu 2% GRDP cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Trên 80% cán bộ, công chức cấp xã sẽ được đào tạo kỹ năng số cơ bản, hướng tới xây dựng một bộ máy hành chính chuyên nghiệp, số hóa và hiệu quả.
Đặc biệt, tỉnh cũng chú trọng đến việc hình thành hệ sinh thái đổi mới sáng tạo với việc xây dựng ít nhất 12 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, triển khai hơn 25 nhiệm vụ khoa học cấp tỉnh, đảm bảo trên 70% thủ tục hành chính được giải quyết không phụ thuộc vào địa giới hành chính giữa Trung ương và địa phương. Bên cạnh đó, 100% các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu, sản xuất và kinh doanh phải được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, minh bạch, nhanh chóng và thuận tiện cho người dân, doanh nghiệp.
Thái Nguyên không chỉ dừng lại ở các chỉ tiêu ngắn hạn, mà còn xác định rõ tầm nhìn chiến lược đến năm 2030. Khi đó, 5G sẽ được phủ sóng 100% trên toàn địa bàn, chi cho khoa học, công nghệ và chuyển đổi số đạt tối thiểu 3% GRDP, 90% người dân trưởng thành tiếp cận được các dịch vụ số thiết yếu trong lĩnh vực y tế, giáo dục, bảo hiểm và giao thông.
Tỉnh cũng đặt mục tiêu mỗi năm có trên 60 sản phẩm đổi mới sáng tạo được thương mại hóa, trên 60% doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương ứng dụng công nghệ số vào hoạt động sản xuất - kinh doanh. Tỉnh cũng hướng tới việc có ít nhất 60% kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ được ứng dụng vào thực tiễn trong vòng 12 tháng kể từ khi nghiệm thu. Quy mô kinh tế số của tỉnh dự kiến đạt 40%
GRDP – một con số đầy tham vọng nhưng khả thi nếu có sự đồng bộ về chính sách, nguồn lực và phương thức triển khai.
Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Thái Nguyên đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số cấp tỉnh. Đây là đầu mối điều phối, chỉ đạo triển khai các chương trình hành động, lồng ghép hiệu quả các nội dung của Nghị quyết số 57 vào các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư công và các chương trình trọng điểm của tỉnh.
Một điểm nhấn đặc biệt trong cơ chế vận hành là việc gắn trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, ngành, địa phương với kết quả thực hiện Nghị quyết 57. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, địa phương phải trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ liên quan đến khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; có trách nhiệm đưa các nhiệm vụ này vào chương trình công tác hằng năm và chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả triển khai tại cơ quan, đơn vị mình.
Kết quả triển khai Nghị quyết 57 cũng được xem là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá hiệu quả thực hiện nhiệm vụ, công tác thi đua – khen thưởng hàng năm, góp phần thúc đẩy trách nhiệm và tính chủ động trong toàn hệ thống chính trị.
Buồng điều khiển thiết bị tự động tại Nhà máy kẽm điện phân Thái Nguyên
Hướng tới một nền hành chính thông minh, một xã hội số toàn diện
Thái Nguyên đang từng bước hoàn thiện hệ thống thể chế, cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho các hoạt động khoa học, công nghệ và chuyển đổi số phát triển mạnh mẽ. Tỉnh đặc biệt chú trọng đến việc khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao, thông qua các chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính và hạ tầng.
Các khu công nghiệp, khu công nghệ thông tin tập trung như Yên Bình được ưu tiên phát triển, trở thành trung tâm thu hút đầu tư, đổi mới sáng tạo và phát triển doanh nghiệp công nghệ. Song song đó, tỉnh xây dựng và triển khai chiến lược phát triển hạ tầng số, ứng dụng số, dịch vụ số đồng bộ với một tầm nhìn dài hạn.
Về nguồn nhân lực, Thái Nguyên xác định đây là yếu tố then chốt quyết định thành công. Do đó, tỉnh đã ban hành các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có năng lực số, đồng thời phát triển các chương trình khuyến khích học sinh, sinh viên nghiên cứu khoa học, khởi nghiệp sáng tạo và làm chủ công nghệ mới.
Một góc Khu công nghiệp Yên Bình, Phổ Yên, Thái Nguyên.
Một trong những trọng tâm quan trọng là xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số hiện đại, minh bạch, hiệu quả. Tỉnh đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình, tích hợp dữ liệu liên thông giữa các cơ quan, ngành, địa phương để tạo ra hệ sinh thái số thân thiện, tiện ích cho người dân và doanh nghiệp.
Việc triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW tại Thái Nguyên không chỉ thể hiện quyết tâm chính trị cao mà còn cho thấy tầm nhìn chiến lược của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội gắn với khoa học, công nghệ và chuyển đổi số. Với sự lãnh đạo sát sao, chính sách đồng bộ và sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, Thái Nguyên đang từng bước khẳng định vị thế là trung tâm đổi mới sáng tạo và phát triển công nghệ khu vực trung du và miền núi phía Bắc.