Đây cũng là một trong những hoạt động được tổ chức nhân kỷ niệm 62 năm Ngày truyền thống ngành Thủy sản Việt Nam (1/4/1959 - 1/4/2021).
Theo kế hoạch, năm 2021, tỉnh Thái Bình tổ chức 3 đợt thả giống thủy sản xuống vùng nước tự nhiên với gần 210.000 con giống thủy sản; trong đó đợt 1 thả 8.000 cá các loại, đợt 2 và đợt 3 thả gần 202.000 tôm, cá vược.
Ông Vũ Mạnh Thía, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình cho biết, thả giống thủy sản là hoạt động nhân văn, thiết thực được tổ chức hàng năm thể hiện vai trò, trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc chung tay giữ gìn, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, nhất là trong điều kiện hiện nay, tác động của môi trường sinh thái tự nhiên khiến nhiều nguồn giống thủy sản tự nhiên có nguy cơ bị cạn kiệt.
Thông qua lễ phát động, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố, tổ chức, cá nhân cùng nhân dân tích cực tham gia phong trào toàn dân bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; tổ chức thả bổ sung các loài thủy sản bản địa, nguy cấp, quý hiếm, có giá trị kinh tế vào vùng nước tự nhiên. Đồng thời, tỉnh Thái Bình kêu gọi người dân không phóng sinh các đối tượng thủy sinh vật ngoại lai, có nguy cơ xâm hại ra môi trường.
Với lợi thế giáp biển và nhiều sông ngòi chảy qua, năm 2020 tổng diện tích nuôi trồng thủy sản của tỉnh Thái Bình ước đạt trên 15.700 ha (tăng 1,43% so với năm 2019); trong đó nuôi nước mặn hơn 3.000 ha, nuôi nước lợ hơn 3.600 ha, nuôi nước ngọt hơn 8.900 ha… Ngoài ra, hoạt động nuôi lồng bè trên sông tiếp tục được mở rộng và phát triển với nhiều đối tượng nuôi có giá trị với 611 lồng cá nuôi trên sông với tổng thể tích 66.204 m3; năng suất trung bình đạt từ 5 - 7 tấn/lồng. Sản lượng nuôi trồng thủy sản ước đạt 168.958 tấn, giá trị nuôi trồng thủy sản ước đạt 3.871 tỷ đồng.
Năm 2021, tỉnh Thái Bình phấn đấu nuôi trồng 15.376 ha thủy sản, sản lượng đạt 187.873 tấn, tăng 11,19% so với năm 2020, mục tiêu giá trị nuôi trồng thủy sản đạt trên 4.320 tỷ đồng.