Theo kế hoạch triển khai năm 2019, trên cả nước có 45 tỉnh, thành phố tổ chức thả giống tái tạo nguồn lợi thủy sản, ước tính gần 30 triệu con giống thủy sản các loại được thả xuống thủy vực, góp phần không nhỏ phục hồi, tái tạo nguồn lợi thủy sản trên phạm vi cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, hoạt động này có ý nghĩa quan trọng trong việc phục hồi nguồn lợi thủy sản, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản; góp phần phát triển nghề cá trong vịnh Bắc bộ nói riêng và cả nước nói chung; đồng thời tăng cường quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Bộ Nông nghiệp nông thôn Trung Quốc cũng như nhân dân hai nước.
Thông qua hoạt động này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kêu gọi toàn dân tham gia bảo vệ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản; Tổ chức hoạt động thả bổ sung giống các loài thủy sản bản địa nguy cấp, quý, hiếm, có giá trị kinh tế vào vùng nước tự nhiên góp phần phát triển nguồn lợi, phát triển kinh tế xã hội tại địa phương.
Cùng ngày, tại xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc, huyện Gò Quao, Hội Thủy sản tỉnh Kiên Giang, Chi cục thủy sản tỉnh phối hợp với UBND huyện Gò Quao (Kiên Giang) tổ chức lễ thả giống thủy sản tái tạo nguồn lợi tự nhiên với 200 con cá hô, 2.000 con cá lóc giống (cá chuối), 24.000 tôm càng xanh giống; 60.000 tôm sú giống… về môi trường tự nhiên trên sông Cái Lớn.
Ông Phù Vĩnh Thái, Phó Chủ tịch Hội thủy sản tỉnh Kiên Giang cho biết, những năm qua nghề cá Kiên Giang còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại do yếu tố khách quan và chủ quan, nhưng với sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và ngành chức năng, cùng với đóng góp tích cực của nhân dân đã giúp cho nghề cá Kiên Giang tiếp tục gặt hái những kết quả đáng kể.
Theo đó, năm 2018, tổng nuôi trồng thủy sản của Kiên Giang đạt 246.174 ha (vượt 2,3% so cùng kỳ năm 2017); sản lượng 225.888 tấn (vượt gần 5% so cùng kỳ năm 2017).
Tại thành phố Cần Thơ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố phối hợp với các cơ quan chức năng, các doanh nghiệp và bà con Phật tử tổ chức thả cá về tự nhiên nhằm tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Theo ông Phạm Trường Yên, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, phục hồi và tái tạo nguồn lợi thủy sản tự nhiên ở các thủy vực trên địa bàn thành phố Cần Thơ có ý nghĩa thực tiễn về phát triển nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường và có ý nghĩa giáo dục sâu sắc nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và giá trị nguồn tài nguyên thiên nhiên. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp thành phố Cần Thơ tổ chức thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản.
Hiện nay, trên tất cả 9 quận, huyện trên địa bàn thành phố Cần Thơ đều tổ chức thả cá với sản lượng cá giống thả mỗi năm từ 8-10 tấn. Thành phố Cần Thơ đã thả khoảng 200.000 con cá giống các loại ra tự nhiên; trong đó ưu tiên lựa chọn thả tái tạo các loại thủy sản bản địa, loài nguy cấp, quý hiếm có nguy cơ tuyệt chủng với sự tham gia ngày càng đông đảo của các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức Giáo hội Phật giáo và nhân dân.
Cũng từ năm 2018, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố và Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác về thả giống thủy sản phóng sinh và bảo vệ nguồn lợi thủy sản nhằm phổ biến kiến thức về quy định bảo vệ quyền lợi, nâng cao nhận thức và hiệu quả trong việc bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản trên địa bàn thành phố.
Theo đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thành phố sẽ hỗ trợ Giáo hội Phật giáo thành phố về mặt chuyên môn kỹ thuật, lực lượng công an thành phố bố trí lực lượng hỗ trợ Lễ thả giống thủy sản phóng sinh tại khu vực thả cá vào tháng Bảy âm lịch hàng năm...
Dịp này, ngành nông nghiệp thành phố Cần Thơ kêu gọi chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức đến từng hộ dân các văn bản vi phạm pháp luật trong công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản như Luật Thủy sản, các Nghị định của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản cũng như Chỉ thị số 01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản... nhằm đảm bảo và tạo điều kiện phù hợp cho các loài thủy sản phát triển, sinh sản và duy trì nòi giống.