Sức sống mới nơi vùng cao biên giới xứ Thanh

Cách trung tâm huyện Mường Lát gần 40 km, xã Mường Chanh có 9 thôn, bản nằm trải rộng trên diện tích hơn 65.000 ha dọc biên giới với 22,5 km đường biên giới tiếp giáp với tỉnh Hủa Phăn (Lào). Xã có 818 hộ, 3.298 nhân khẩu; trong đó, dân tộc Thái chiếm gần 90%.

Chú thích ảnh
 Bản Na Hin đạt chuẩn nông thôn mới.

Tháng 9/2011, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã về thăm Mường Chanh, đồng chí đánh giá cao nỗ lực vượt khó không ngừng của cán bộ và nhân dân nơi đây và mong muốn Mường Chanh sẽ được xây dựng thành mô hình điểm thoát nghèo và xây dựng nông thôn mới ở khu vực vùng cao biên giới Thanh Hóa, từ đó nhân rộng ra các làng, bản khác. Đến nay, sau 10 năm xây dựng nông thôn mới, Mường Chanh đang mang trong mình một diện mạo mới, một sức sống mới nơi vùng cao biên giới xứ Thanh.

Thay da đổi thịt 

Nằm cách trung tâm xã khoảng 5 km, bản đạt chuẩn nông thôn mới Na Hin như một nét chấm phá đẹp trong bức tranh xây dựng nông thôn mới ở Mường Chanh. Trước đây, bản Na Hin có 46 hộ, 202 nhân khẩu; trong đó, còn 9 hộ nghèo và 2 hộ đói. Năm 2018, bản Na Hin chính thức trở thành bản đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của xã Mường Chanh. Hiện nay, bản có 44 hộ với 206 nhân khẩu, chỉ còn 5 hộ nghèo, không còn hộ đói. Bà con bản Na Hin đang tích cực phát triển chăn nuôi trâu bò, trồng ngô, lúa trên diện tích đã có, ngoài ra còn phát triển dịch vụ hàng hóa, khai thác gỗ xoan, khai thác măng đem bán. 

Anh Lộc Văn On, một hộ làm ăn kinh tế giỏi ở bàn Na Hin chia sẻ, "Nông thôn mới đến bản đã mở ra con đường thoát nghèo cho gia đình tôi. Nhờ các chính sách về hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp gia đình tôi cũng như bà con trong bản được cho giống mới, hỗ trợ kỹ thuật nên nhà tôi trồng được 2 vụ lúa trong năm, thu được 3 tạ lúa/sào. Gia đình cũng vay vốn, nuôi được 10 con bò chăn thả tự nhiên, nuôi cá, nuôi lợn, nuôi dê...". Đây được xem là những nguồn thu bền vững giúp gia đình anh On vươn lên trở thành hộ có kinh tế khá của bản Na Hin. 

Chú thích ảnh
Nhiều ngôi nhà khang trang được xây dựng tại xã Mường Chanh.

Trưởng bản Na Hin Lộc Văn Ớ phấn khởi cho hay, bản Na Hin có thành quả như ngày hôm nay trước hết là nhờ sự chung tay, giúp sức hỗ trợ nguồn lực của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Giờ đây người dân bản Na Hin đã biết thay đổi cách nghĩ, cách làm, biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vào đời sống. Đáng tiếc, sau các đợt mưa lũ gây sạt lở nặng nề vào mùa mưa bão năm 2018 và 2019, nhiều nỗ lực của bà con của chính quyền trong xây dựng đường giao thông, các công trình công cộng, các công trình vệ sinh, tường rào… trong bản đã bị dòng nước lũ tàn phá khá nhiều. Nhưng người dân bản Na Hin không sợ khó, không sợ khổ, tất cả sẽ đồng lòng, đồng sức cùng chính quyền chung tay tái thiết lại quê hương.

Nỗ lực phấn đấu để về đích nông thôn mới

Trước khi xây dựng nông thôn mới, từ trung tâm huyện Mường Lát lên được Mường Chanh có khi mất cả ngày. Đời sống nhân dân vô cùng khó khăn vất vả, cái đói, cái nghèo bủa vây cuộc sống của bà con. Nhưng những năm gần đây, nhờ có sự quan tâm đầu tư và hỗ trợ tích cực của Đảng và Nhà nước thông qua các chương trình như: Chương trình 134,135, 30a... Mường Chanh đang đổi thay từng ngày. Đời sống của đồng bào nơi đây đang đổi thay một cách toàn diện và rõ nét. Trong các bản, nhiều hộ dân đã mua được ti vi, xe máy, nguồn điện chiếu sáng đã phủ khắp nơi, trẻ em trong độ tuổi được cắp sách tới trường... 

Từ nguồn vốn đầu tư của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, vốn đầu tư lồng ghép, vốn, vật tư huy động đóng góp từ các cơ quan doanh nghiệp, đến nay Mường Chanh đã được hỗ trợ gần 50 tỷ đồng cùng hàng trăm tấn xi măng để xây dựng trạm y tế, trường học, 6 nhà văn hóa, 2 công trình thủy lợi, 5 công trình nước sinh hoạt, 2 công trình điện sinh hoạt... Người dân xã Mường Chanh cũng đóng góp sức người, sức của vào việc xây dựng 14 công trình giao thông nội bản với 1.914m đường bê tông với tổng giá trị là 668 triệu đồng.

Bà con Mường Chanh cũng được tập huấn và biết áp dụng nhiều biện pháp thâm canh tăng năng suất cây trồng, đưa nhiều loại giống cây có năng suất cao như giống ngô LVN10, CP888 vào sản xuất, trồng các loại cây màu khác như khoai, sắn, rau sạch… để tăng thu nhập. Nhiều mô hình sản xuất được triển khai và nhân rộng trong toàn xã như: mô hình chăn nuôi bò ở bản Na Hin; trồng cây lâm nghiệp tại bản Piềng Tặt; trồng cỏ voi tại bản Ngố, bản Bóng; mô hình khuyến nông chăn nuôi bò sinh sản và vịt đẻ trứng tại bản Lách… 

Với nhiều nỗ lực, cuối năm 2017, xã Mường Chanh đã đạt 12/19 tiêu chí nông thôn mới, tuy nhiên, hai trận lũ lịch sử năm 2018 và 2019 đã cuốn trôi 1 số công trình cũng như những thành quả mà nhân dân nơi này vất vả, nhọc nhằn tạo dựng. Đến nay, Mường Chanh chỉ còn đạt được 9/19 tiêu chí theo Bộ tiêu chí quốc gia nông thôn mới.  

Chú thích ảnh
 Các cấp hội phụ nữ huyện Mường Lát mua bê giống trao tặng cho các hộ nghèo tại bản Na Hin.

Sau 10 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới có thể thấy, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội xã Mường Chanh phát triển nhanh. Nổi bật nhất là hệ thống giao thông nông thôn, thủy lợi, trường học, nhà văn hóa thôn bản, trạm y tế... đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống nhân dân. Đặc biệt, nhận thức của người dân Mường Chanh nâng lên rõ rệt trong việc phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, tham gia tích cực chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương.

Mường Chanh hôm nay đã hình thành các mô hình sản xuất có hiệu quả góp phần tích cực vào phát triển kinh tế xã hội của xã, đưa thu nhập người dân tăng từ 9,4 triệu đồng năm 2011 lên 21 triệu đồng năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 54,12% (năm 2011) xuống còn 34,5% (năm 2019). Xã Mường Chanh đang phấn đấu trong năm 2020 sẽ đạt thêm từ 4 - 5 tiêu chí xây dựng nông thôn mới cũng như có thêm 2 - 3 bản đạt chuẩn nông thôn mới.

Chủ tịch xã Mường Chanh Vi Văn Hiện khẳng định, sau 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới, sự hỗ trợ của tỉnh và Trung ương đã tiếp thêm sức mạnh để Mường Chanh nỗ lực vươn lên. Thời gian tới, địa phương mong muốn, Trung ương và tỉnh tiếp tục quan tâm chỉ đạo và đầu tư để xã Mường Chanh hoàn thành mục tiêu xây dựng xã điểm thoát nghèo gắn với xây dựng nông thôn mới trong năm 2020 và giai đoạn 2021-2025.

Rời Mường Chanh trong một chiều thu tháng 9, chúng tôi cảm nhận được sự đồng thuận, quyết tâm cao của cấp ủy Đảng, chính quyền và đồng bào các dân tộc ở xã vùng biên còn nhiều vất vả này. Chặng đường đi đến đích nông thôn mới vẫn còn dài không ít gian nan, hy vọng với những nỗ lực không ngừng nghỉ, bức tranh nông thôn mới ở Mường Chanh sẽ được tô thêm nhiều gam màu tươi sáng trong tương lai rất gần.

Bài và ảnh: Hoa Mai (TTXVN)
Đổi thay ở huyện cuối cùng của Hà Nam về đích nông thôn mới
Đổi thay ở huyện cuối cùng của Hà Nam về đích nông thôn mới

Lý Nhân là một trong những huyện của tỉnh Hà Nam có xuất phát điểm thấp nên nguồn lực đầu tư cho nông thôn mới còn nhiều hạn chế. Sau 10 năm nỗ lực, huyện Lý Nhân đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đây là huyện cuối cùng của tỉnh Hà Nam về đích nông thôn mới. Huyện đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 vào tháng 8/2020. 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN