Tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp, địa bàn rộng, dân cư sống phân tán. Định suất đầu tư cao nên không có nguồn thực hiện đối ứng để xây dựng kết cấu hạ tầng, không có kinh phí hỗ trợ giải phóng mặt bằng... Hơn nữa, phần lớn các hợp tác xã nông nghiệp trên địa bàn hoạt động hiệu quả chưa cao, đang ở giai đoạn hình thành liên kết, hợp tác trong sản xuất - chế biến - tiêu thụ sản phẩm; việc thực hiện tiêu chí môi trường gặp khó khăn do thói quen sinh hoạt của người dân, chưa quan tâm đến việc xây dựng các công trình nhà tiêu, nhà tắm, chuồng trại chăn nuôi đảm bảo vệ sinh môi trường...
Do đó, hiện tại trong 14 xã nông thôn ở Võ Nhai mới có 5 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Trung bình có xã mới đạt 13,8 tiêu chí nông thôn mới và có tới 3 xã đặc biệt khó khăn gồm: Nghinh Tường, Sảng Mộc, Thần Sa mới chỉ đạt 10 tiêu chí nông thôn mới, thuộc diện thấp nhất tỉnh Thái Nguyên...
Trước thực tế này, cùng với việc thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ của tỉnh, Võ Nhai đã ban hành quy định hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới của huyện về hỗ trợ xây dựng gồm các công trình, dự án nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 theo nguyên tắc “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân làm là chính”.
Từ việc áp dụng cơ chế này, Ủy ban nhân dân các xã đã chủ động trong việc triển khai xây dựng và phân bổ kế hoạch cho các cơ sở xóm thực hiện, các công trình xây dựng theo cơ chế đầu tư đặc thù đã giảm các chi phí quản lý, chi phí tư vấn, giá thành xây lắp công trình thấp, chất lượng công trình đảm bảo vì nhân dân tự tổ chức thi công và giám sát, công tác giải phóng mặt bằng thi công thuận lợi, nhân dân tự nguyện hiến đất, công tác quản lý sau đầu tư tốt, chủ động duy tu sửa chữa công trình bị hư hỏng.
Từ đầu năm đến nay, Võ Nhai đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới với tổng kinh phí huy động đạt hơn 60 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương trên 34 tỷ, vốn ngân sách tỉnh hơn 16 tỷ đồng, còn lại là vốn lồng ghép, vốn ngân sách huyện và xã.
Thực hiện chỉ tiêu về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, từ đầu năm 2020, huyện đã giao kế hoạch, sớm triển khai xây dựng hơn 100 công trình đường bê tông nông thôn với tổng chiều dài hơn 50 km; xây dựng 19 công trình cầu tràn tại các xã; xây dựng mới 10 nhà văn hóa xóm; cải tạo 7 nghĩa trang xóm bản và 5 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung...
Tập trung phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân, giảm nhanh tỷ lệ hộ nghèo, Võ Nhai đã thành lập 54 hợp tác xã với trên 500 xã viên, trong đó có 21 hợp tác xã hoạt động chuyên về lĩnh vực nông, lâm nghiệp, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế nông thôn.
Điển hình là Hợp tác xã Thịnh Vượng, xã Nghinh Tường với mô hình trồng cây chuối tây Thái, chè Hoa Vàng và cây dược liệu, kết hợp chăn nuôi; Hợp tác xã Đồng Tâm xã Tràng Xá với mô hình sản xuất bưởi an toàn, Hợp tác xã sản xuất na theo tiêu chuẩn VietGap La Hiên... Bên cạnh đó, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã phối hợp với Ủy ban nhân dân các xã triển khai 6 mô hình trình diễn về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và 3 dự án giảm nghèo bền vững.
Một số mô hình đã đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Mô hình nuôi cá chép giòn theo hướng an toàn sinh học tại xã Thượng Nung và Dân Tiến; mô hình nuôi hươu sinh sản theo chuỗi tại xã La Hiên; mô hình sản xuất chè theo hướng hữu cơ tại xã Tràng Xá; dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Cúc Đường và xã Thần Sa; dự án nhân rộng mô hình chăn nuôi bò cái sinh sản tại xã Vũ Chấn, xã Nghinh Tường...
Để đạt các mục tiêu kế hoạch về xây dựng nông thôn mới trên địa bàn, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Võ Nhai Phạm Việt Tiến cho biết: Huyện phấn đấu hết năm 2020 có thêm xã Bình Long được công nhận đạt tiêu chí xã nông thôn mới và xã Phú Thượng đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu. Đồng thời, Võ Nhai tiếp tục đôn đốc các xã triển khai thực hiện xây dựng hạ tầng nông thôn, các mô hình sản xuất nâng cao thu nhập, phát triển sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm), tập trung phát triển các mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tại các địa phương trong và ngoài tỉnh.