Nghị quyết 128/NQ-CP:

Sóc Trăng khôi phục, phát triển kinh tế linh hoạt, an toàn

Triển khai thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ về ban hành quy định tạm thời "thích ứng an toàn, linh hoạt, có kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19", tỉnh Sóc Trăng đang nỗ lực triển khai các giải pháp vừa phòng chống dịch, vừa khôi phục hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội trong những tháng cuối năm 2021.

Chú thích ảnh
Người lao động làm việc tại Công ty TNHH E&W Vina. Ảnh: kcn.soctrang.gov.vn

Đưa kinh tế về lại quỹ đạo

Sau nhiều tháng áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, thực hiện giãn cách xã hội, ứng phó dịch bệnh COVID-19, toàn bộ các hoạt động sản xuất trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng chỉ hoạt động cầm chừng với phương án “3 tại chỗ” để vừa duy trì sản xuất, tránh làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa. Chính vì thế, ngay sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP, tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng có kế hoạch thực thi, để đưa kinh tế Sóc Trăng trở về quỹ đạo vốn có.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, thực hiện theo Nghị quyết 128/NQ-CP, tỉnh sóc Trăng cũng đã ban hành Quyết định 2750/QĐ-UBND về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, có hiệu lực từ ngày 17/10/2021.

Theo quyết định này, người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng tuân thủ 5K khi ra ngoài, sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin để khai báo y tế, đăng ký tiêm vaccine COVID-19, khám chữa bệnh, tỉnh Sóc Trăng quản lý thông tin người ra, vào các điểm công cộng, điểm sản xuất, kinh doanh bằng mã QR Code, các hoạt động đều phải thực hiện các biện pháp theo quy trình an toàn phòng, chống dịch COVID-19, đảm bảo giãn cách, trang bị nước rửa tay, sát khuẩn, khai báo y tế, đo thân nhiệt…

Đồng thời, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục duy trì các chốt kiểm soát dịch cấp tỉnh và cấp huyện. Đây là những giải pháp kiểm soát an toàn vừa vì sức khỏe của người dân tỉnh Sóc Trăng, vừa giúp cho chính quyền địa phương cùng doanh nghiệp tái khởi động lại sản xuất sau nhiều tháng án binh, cầm chừng, ứng phó dịch bệnh.

Là một đơn vị đi đầu trong ứng phó dịch COVID-19, duy trì sản xuất, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta chia sẻ, vừa ứng phó dịch bệnh COVID-19, vừa nỗ lực duy trì sản xuất là những chuỗi ngày rất khó khăn cho cả doanh nghiệp và người lao động, chính quyền địa phương. Dù công ty đã nghiên cứu trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, cũng đã có sự chuẩn bị và đề xuất với UBND tỉnh Sóc Trăng được sản xuất “3 tại chỗ”, nhưng công ty vẫn gặp lúng túng khi chặng đường này kéo dài gần 4 tháng.

Thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” đã khiến doanh nghiệp mất nhiều chi phí, đó là chưa kể đến những gói quà nhỏ để động viên tinh thần người lao động cùng doanh nghiệp mà nỗ lực làm việc, sản xuất các đơn hàng. Qua giai đoạn khó khăn, công ty vẫn giữ được mức tăng trưởng, nhưng về hiệu quả kinh tế thì không như mong muốn, bởi đầu tư nhiều, nhưng lợi nhuận mang lại không tương xứng.

"Dù vậy, khi được trở về với bình thường mới, thích ứng linh hoạt mới, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đã nới lỏng kiểm soát, đưa sản xuất của doanh nghiệp trở về quỹ đạo, để doanh nghiệp có thể hoàn thành mục tiêu trong những tháng còn lại của năm 2021", ông Hồ Quốc Lực cho hay.

Tiếp tục các kế hoạch phát triển kinh tế

Khi mọi hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế đã được UBND tỉnh Sóc Trăng cho phép trở về trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt với tình hình dịch bệnh COVID-19, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng đã nhanh chóng triển khai Quyết định số 2375/QĐ-UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh Sóc Trăng về việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trong trạng thái bình thường mới trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng trong tháng 10/2021. Đồng thời, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng đề ra kế hoạch hồi phục kinh tế trên địa bàn tỉnh trong tháng 11/2021 và nhiệm vụ trong tháng cuối năm 2021.

Ông Lê Thành Thanh, Phó Giám đốc Sở Công Thương Sóc Trăng cho hay, để có thể hồi phục kinh tế, sản xuất nhanh sau thời gian dài ứng phó với dịch COVID-19, tỉnh Sóc Trăng trở lại các hoạt động sản xuất, kinh tế bình thường mới.

Tỉnh tiếp tục kêu gọi đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển cụm công nghiệp có tiềm năng, đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư hoàn chỉnh các thủ tục, đẩy nhanh tiến độ triển khai đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp.

Tỉnh tổng hợp ý kiến đóng góp đối với Dự thảo Quy chế quản lý cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng; tiếp tục theo dõi tiến độ triển khai thực hiện các dự án cụm công nghiệp và hỗ trợ nhà đầu tư triển khai dự án đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng phối hợp Sở Giao thông Vận tải xây dựng kế hoạch phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025; tuyên truyền, hỗ trợ các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề từ giãn cách xã hội, ứng phó với dịch COVID-19, tiếp cận các chính sách ưu tiên giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm tiền điện cho các doanh nghiệp, cơ sở; thực hiện chính sách ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động lĩnh vực công thương.

Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Sóc Trăng cũng tiếp tục triển khai thực hiện Kế hoạch số 87/KH-UBND ngày 16/6/2021 về triển khai thực hiện Đề án đổi mới phương thức kinh doanh, tiêu thụ nông sản trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 136/KH-UBND ngày 9/9/2021 về việc tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, tỉnh Sóc Trăng giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 về các hoạt động xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, cập nhật thông tin thị trường, hoạt động xúc tiến thương mại; hình ảnh doanh nghiệp, sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP của tỉnh lên Trang thông tin điện tử sanphamsoctrang.com.

Theo ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, theo lộ trình thực hiện Nghị quyết 99/NQ-CP của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 5 năm giai đoạn 2021-2026, tỉnh Sóc Trăng cũng đề ra nhiệm vụ từ năm 2021 đến năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của Sóc Trăng tăng bình quân 21%, giá trị sản xuất công nghiệp đạt 64.000 tỷ đồng. Giá trị xuất khẩu hàng hóa đạt 1,2 tỷ USD, giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1 ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 250 triệu đồng/ha, sản lượng thủy sản, bao gồm đánh bắt đạt 417.000 tấn, lúa chất lượng cao chiếm 80% tổng sản lượng lúa của toàn tỉnh.

Các hoạt động khôi phục kinh tế sau khi tỉnh Sóc Trăng trở về trạng thái bình thường mới đều được UBND tỉnh Sóc Trăng, chính quyền địa phương các huyện, thị xã, thành phố quan tâm thúc đẩy để Sóc Trăng nhanh chóng thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế sau một thời gian bị gián đoạn do dịch COVID-19.

Trung Hiếu – Hồng Nhung (TTXVN)
Tăng cường hỗ trợ Sóc Trăng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19
Tăng cường hỗ trợ Sóc Trăng trong công tác phòng, chống dịch COVID-19

Dịch COVID-19 tại tỉnh Sóc Trăng tiếp tục diễn biến phức tạp khi liên tục ghi nhận thêm nhiều ca F0 trong khu cách ly, khu vực phong tỏa, trong cộng đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN