Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu cho rằng, ưu tiên hàng đầu trong nhiệm vụ của năm 2024 là tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách đặc thù cho Cảng biển Trần Đề; tiếp tục khẩn trương xây dựng kế hoạch, trình cấp thẩm quyền phê duyệt, triển khai Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tỉnh tập trung giải ngân vốn đầu tư công, nhất là các công trình trọng điểm; triển khai có hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bên cạnh đó, Sóc Trăng cũng sẽ tập trung đẩy nhanh tiến độ triển khai các khu, cụm công nghiệp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền. Đồng thời, chủ động phòng chống dịch bệnh ở người; nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, dạy nghề; huy động, tạo điều kiện cho học sinh đến lớp; quan tâm thực hiện có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội.
Tỉnh tập trung hoàn thành thủ tục để khởi công ít nhất 2 dự án nhà ở xã hội cho người dân; theo dõi, nắm bắt, giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của xã hội; tiếp tục nâng cao hiệu quả cải cách hành chính; chấn chỉnh, nâng cao trách nhiệm, đạo đức công vụ; thái độ của cán bộ, công chức khi tiếp xúc, làm việc với nhân dân. Đồng thời, tỉnh cường phòng chống tội phạm, đảm bảo trật tự xã hội; thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông; giữ vững quốc phòng an ninh trong tình hình mới.
Những quyết tâm, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, tập thể lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng trong thời gian qua tạo tiền đề cho tỉnh có thể bứt phá mạnh mẽ trong những năm tới. Đặc biệt, thời cơ mới đã đến với Sóc Trăng khi một số dự án quan trọng đã và đang được triển khai.
Các dự án lớn tạo động lực, mở ra triển vọng phát triển cho tỉnh Sóc Trăng phải kể tới là Dự án Cảng biển Trần Đề đã có trong Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam và được xác định là cảng cửa ngõ của vùng Đồng bằng sông Cửu Long với quy mô cảng loại đặc biệt đã được xác định rõ trong Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 02/4/2022 của Bộ Chính trị. Ủy ban nhân dân tỉnh đang chỉ đạo tích cực lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, đồng thời phối hợp Bộ Giao thông Vận tải xây dựng Đề án Đề xuất một số cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư phát triển Cảng biển Trần Đề.
Tại buổi Hội thảo về đầu tư xây dựng Cảng biển Trần Đề cuối năm 2023 vừa qua do Bộ Giao thông Vận tải và UBND tỉnh Sóc Trăng tổ chức, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Xuân Sang cho rằng, quy mô cảng biển Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng được hoạch định trong các quy hoạch đã tính toán phù hợp với vai trò chức năng là cảng cửa ngõ làm hàng xuất nhập khẩu trực tiếp vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhằm tiếp chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu cho Campuchia và các nước tiểu vùng sông Mê Kông theo các tuyến đường thuỷ nội địa và kết hợp trung chuyển than nhập khẩu cho các trung tâm điện lực Đồng bằng sông Cửu Long. Đây là dự án ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, an sinh xã hội, an ninh quốc phòng toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long; có tính chất hỗ trợ thúc đẩy các lĩnh vực ngành nghề khác cùng phát triển.
Bên cạnh đó, các dự án giao thông trọng điểm khác như Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đã khởi công ngày 17/6/2023; Cầu Đại Ngãi đã khởi công ngày 15/10/2023, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2026; Đường ven biển từ cầu Mỹ Thanh kết nối Bạc Liêu; Nâng cấp đường Nam Sông Hậu giai đoạn 2; Tuyến đường trục phát triển kinh tế Đông Tây; Đường Vành đai II kết nối Nam Sông Hậu qua cầu Maspero; các công trình giao thông trọng điểm kết nối với Cảng biển Trần Đề… là động lực chính, kỳ vọng lớn thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Sóc Trăng trong thời gian tới.
Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng, sau khi hoàn thành các dự án này sẽ góp phần quan trọng giúp hoàn chỉnh mạng lưới giao thông trong khu vực; hình thành các trục kết nối với Tp. Hồ Chí Minh, các tuyến từ trung tâm Vùng Đồng bằng sông Cửu Long với các cực tăng trưởng của Vùng; tạo không gian và động lực phát triển mới với hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ. Cùng đó, nâng cao năng lực cạnh tranh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, tạo điều kiện thuận lợi cho liên kết vùng, thúc đẩy hợp tác phát triển giữa các địa phương, doanh nghiệp; góp phần bảo đảm quốc phòng - an ninh.
Đối với tỉnh Sóc Trăng, Cầu Đại Ngãi và đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng khi được hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ là một yếu tố quan trọng kết nối các tuyến giao thông của tỉnh, tạo động lực để tỉnh thu hút đầu tư Cảng biển Trần Đề, kéo theo sự phát triển của các lĩnh vực logistics, công nghiệp, du lịch, đô thị dịch vụ. Các công trình sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân Sóc Trăng, để người dân có điều kiện làm việc và sinh sống tại quê hương. Đồng thời, góp phần tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống của nhân dân tại địa phương…
Năm 2023, trong bối cảnh thế giới và trong nước tác động nhanh đến nền kinh tế, tại Sóc Trăng, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, đơn hàng bị cắt giảm, quy mô sản xuất, xuất nhập khẩu tạm ngừng hoặc thu hẹp, nhất là trong hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo đã ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Trong khi đó, các vấn đề xã hội, đời sống người dân; dịch bệnh, thiên tai, sạt lở, triều cường, biến đổi khí hậu diễn biến thất thường... đã ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội.
Dù vậy với sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đã giúp tình hình kinh tế - xã hội của Sóc Trăng tiếp tục xu hướng phục hồi, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả tích cực trên các lĩnh vực.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng cho biết, năm 2023, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo, điều hành thực hiện đạt và vượt 14/20 chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo Nghị quyết của Tỉnh ủy và Hội đồng nhân dân tỉnh đề ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 5,77% (đứng thứ 7 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long và đứng thứ 39 cả nước).
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng, những điểm sáng nổi bật của ngành nông nghiệp trong năm qua là sản xuất nông nghiệp của tỉnh tương đối ổn định. Xâm nhập mặn được kiểm soát tốt, thiệt hại không đáng kể. Sản xuất và tiêu thụ lúa đạt hiệu quả cao. Nông dân trúng mùa được giá. Xuất khẩu gạo đạt 410 triệu USD, tăng 22% so với năm trước. Dịch bệnh trong chăn nuôi được kiểm soát hiệu quả. Chương trình xây dựng nông thôn mới đạt kết quả tích cực.
Trong năm qua , tỉnh có thêm 6 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 2 xã nông thôn mới kiểu mẫu. Nâng tổng số toàn tỉnh đến nay đã có 70 xã nông thôn mới; có 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, gồm: Thị xã Vĩnh Châu, thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Xuyên và 2 đơn vị cấp huyện đã cơ bản hoàn thành xây dựng nông thôn mới là huyện Châu Thành và Cù Lao Dung.
Hoạt động xuất khẩu dù gặp nhiều khó khăn do thị trường thu hẹp, giá trị giảm 1% so với năm 2022 nhưng vẫn đạt chỉ tiêu Nghị quyết là 1,5 tỷ USD; thương mại dịch vụ, du lịch tiếp tục tăng trưởng khá. Tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 24%. Khách du lịch tăng 3,7%, doanh thu dịch vụ du lịch tăng 4,4%. Thu ngân sách vượt 5,14% dự toán.
Bên cạnh những kết quả tích cực, vẫn còn một số khó khăn, hạn chế như: Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm. Diện tích nuôi tôm giảm 1,3% so với năm trước; giá tôm nguyên liệu giảm. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản giảm 8,7%. Chỉ số sản xuất công nghiệp giảm 3-5%. Tình hình sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Giải ngân vốn đầu tư công có nhiều cố gắng nhưng vẫn chậm so với yêu cầu đề ra.