Đến hết năm 2024, tỉnh dự kiến mới bố trí ổn định dân cư được 218 hộ, chủ yếu ở vùng thiên tai và vùng biên giới. Công tác sắp xếp ổn định dân cư diễn ra chậm trong những năm gần đây (năm 2023 có 4 hộ, năm 2024 có 28 hộ…) do gặp khó khăn, vướng mắc về triển khai các dự án và công tác khác.
Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Trị được Trung ương quan tâm thực hiện 2 dự án di dân khẩn cấp từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2022. Đó là Dự án di dân khẩn cấp vùng sạt lở đất xã Húc Nghì, huyện miền núi Đakrông, có tổng mức đầu tư 16,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 15 tỷ đồng. Tổng số hộ bố trí, sắp xếp ổn định trong vùng dự án là 48 hộ. Thời hạn giải ngân vốn của dự án là ngày 31/12/2023.
Tuy nhiên, đến thời hạn này, dự án chỉ giải ngân vốn đạt trên 12% kế hoạch nên bị thu hồi vốn và lâm vào tình trạng dang dở. Tương tự, Dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng ngập lụt và sạt lở bờ sông thôn Cù Bạc, xã Vĩnh Ô, huyện Vĩnh Linh có tổng mức đầu tư 22,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách Trung ương 20 tỷ đồng. Tổng số hộ bố trí, sắp xếp ổn định dân cư trong vùng dự án là 50 hộ. Đến hạn giải ngân hết nguồn vốn ngày 31/12/2023, dự án chỉ đạt tỷ lệ giải ngân trên 27% kế hoạch nên bị thu hồi vốn và lâm vào tình trạng dang dở.
Nguyên nhân hai dự án trên chậm thực hiện là do thủ tục lập, thẩm định phê duyệt phải qua nhiều bước mất nhiều thời gian, không có ưu tiên dành riêng cho dự án khẩn cấp...
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, việc di dời bố trí dân cư gặp khó khăn, vướng mắc còn do những nguyên nhân khác như: Các hộ dân có nhu cầu bố trí nơi ở mới nhưng không muốn di chuyển đến vị trí mới do còn khó khăn về tài chính, sinh kế một số hộ dân gắn liền với nơi ở cũ nên việc chuyển qua chỗ mới phải làm lại từ đầu rất khó khăn. Công tác tuyên truyền, vận động đến tận người dân tuy đạt kết quả nhất định nhưng chưa thường xuyên, liên tục, thiếu sự kiên trì từ cán bộ chỉ đạo xuống cơ sở. Một số hộ dân còn xem chính sách hỗ trợ của nhà nước như một chính sách xã hội nên khi đến vùng dự án, các hộ dân còn ỷ lại, thiếu sự đầu tư phát triển sản xuất ban đầu.
Tỉnh đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách chương trình bố trí dân cư; trong đó đề nghị xem xét quy định định mức, cơ chế hỗ trợ trực tiếp cho các hộ tại nơi tái định cư theo hướng đồng nhất giữa các chương trình và đối tượng thụ hưởng.
Tỉnh cũng yêu cầu, các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân; tiếp tục rà soát, cập nhật vùng có nguy cơ cao đe dọa tính mạng người dân để đề xuất di dời. Đồng thời xem xét điều kiện cần thiết để ổn định sinh kế cho người dân sau khi di dời đến nơi ở mới; huy động, lồng ghép nguồn lực xã hội hóa, Chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để giúp người dân có thêm nguồn lực cơ bản đảm bảo việc di dời, làm nhà ở điểm bố trí dân cư.