Theo đó, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh là 3 đơn vị xuất sắc có số điểm cao nhất trong bảng xếp hạng chỉ số cải cách hành chính (PAR index) trong các cơ quan, đơn vị, địa phương năm 2023.
Ban Quản lý khu kinh tế, thành phố Hạ Long và Cục Hải quan là 3 đơn vị dẫn đầu ở 3 khối: sở, ban, ngành; địa phương và khối cơ quan trung ương trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI) năm 2023
Sở Tư pháp, thành phố Cẩm Phả, Bảo hiểm xã hội tỉnh là là 3 đơn vị dẫn đầu ở 3 khối: sở, ban, ngành; địa phương và khối cơ quan trung ương trong bảng xếp hạng chỉ số sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.
Huyện Tiên Yên, Hải Hà và thành phố Móng Cái là 3 địa phương đứng thứ nhất, thứ hai và thứ ba trong bảng xếp hạng hiệu quả quản trị cấp huyện, thị, thành phố (DGI) năm 2023.
Nét mới của năm 2023 là năm đầu tiên thực hiện đánh giá qua phần mềm về mức độ chuyển đổi số (DTI) đối với 225 cơ quan, đơn vị, địa phương với 3 khối. Kết quả, toàn tỉnh chỉ đạt ở mức độ trung bình về chuyển đổi số, cụ thể đối với các sở, ban, ngành đạt 550 điểm/1.000 điểm; các huyện, thị xã, thành phố đạt 653 điểm/1.000 điểm và đối với của các xã, phường, thị trấn đạt 570 điểm/1.000 điểm.
Từ kết quả đánh giá các chỉ số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghiêm Xuân Cường nhận định, yêu cầu của người dân, doanh nghiệp với chính quyền các cấp đã ngày một cao hơn, đòi hỏi lớn hơn, sự hài lòng khó đạt hơn; đồng thời ít nhiều có nơi có lúc vẫn còn biểu hiện chững lại, tự mãn hoặc thiếu quyết tâm khắc phục yếu kém, chậm nâng cao chỉ số.
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy nhấn mạnh, Quảng Ninh là một trong những tỉnh đầu tiên trong cả nước ban hành Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 và đây là một trong những Nghị quyết quan trọng của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh nhằm thực hiện mục tiêu Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra “hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cải cách hành chính (PAR Index), chỉ số sự hài lòng cùa người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành hành chính nhà nước (SIPAS), chỉ số hiệu quà quản trị và hành chính công (PAPI).
Sau 3 năm thực hiện Nghị quyết 05-NQ/TU, đến nay, Quảng Ninh đã đạt được 7/8 mục tiêu cần thực hiện đến năm 2025 cơ bản đạt yêu cầu đề ra theo từng năm, 1/8 mục tiêu đang trong lộ trình thực hiện; có 6 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số PCI, 4 năm liên tiếp dẫn đầu chỉ số SIPAS, 5 năm dẫn đầu chỉ số PAR-Index, 2 năm dẫn đầu chỉ số PAPI; đồng thời là tỉnh duy nhất cả nước có 2 lần dẫn đầu đồng thời cả 4 chỉ số PAR-Index, PCI, SIPAS, PAPI (năm 2020, năm 2022).
Đặc biệt, Quảng Ninh hoàn thành trước mục tiêu đến năm 2025, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt trên 5 tỷ USD. Trong 3 năm (2021-2023), thu hút vốn đầu tư FDI đạt trên 6,83 tỷ USD, bằng 137% kế hoạch. Kinh tế của tỉnh liên tục tăng trưởng cao và ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP trên hai con số trong 09 năm liên tiếp (2015 - 2023).
Năm 2024 với chủ đề công tác năm “Nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế; phát triển văn hóa, con người giàu bản sắc Quảng Ninh”, mục tiêu cao nhất không chỉ phấn đấu hoàn thành 15/15 chỉ tiêu đề ra trong năm, năm thứ 10 liên tiếp đạt mức tăng trưởng GRDP trên 2 con số, GRDP bình quân đầu người trên 10.000 USD mà còn tích cực chuẩn bị nền tảng vững chắc cho tăng trưởng dài hạn giai đoạn 2025 – 2030.
Để hoàn thành toàn diện mục tiêu, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Xuân Ký yêu cầu toàn tỉnh tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Đổi mới phong cách, phương pháp, lề lối làm việc, bảo đảm khoa học, dân chủ, nói đi đôi với làm, theo việc đến cùng, dứt điểm, đo đếm được kết quả, hiệu quả; tiếp tục rà soát, kiện toàn công tác tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế gắn với xây dựng Đề án vị trí việc làm của cơ quan, đơn vị, địa phương theo quy định của Trung ương;
Các đơn vị tăng cường kiểm tra thường xuyên và đột xuất việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp; trong đó tập trung kiểm tra trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ công vụ, việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; tập trung giải quyết dứt điểm các kiến nghị và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể; tiếp tục triển khai xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, chuyển đổi số toàn diện theo Chương trình, kế hoạch; tiếp tục rà soát, đơn giản hóa, thực hiện theo quy trình giải quyết “5 bước trên môi trường điện tử”, đẩy mạnh tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính.