Dành nhiều nguồn lực
Vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Quảng Ngãi chiếm 63% diện tích tự nhiên của tỉnh. Toàn vùng có 61 xã thuộc 5 huyện miền núi là Trà Bồng, Minh Long, Ba Tơ, Sơn Tây, Sơn Hà và 3 huyện đồng bằng là Bình Sơn, Tư Nghĩa và Nghĩa Hành. Dân số toàn vùng là 230.000 người với 29 dân tộc anh em cùng chung sống.
Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ngãi lần thứ XX xác định phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo bền vững ở các huyện miền núi là một trong bốn nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2020-2025, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều Nghị quyết, kế hoạch, chương trình để thực hiện.
Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi dành gần 3500 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hơn 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương đối ứng hơn 1.400 tỷ đồng) đầu tư cho ba chương trình mục tiêu quốc gia.
Trong đó, riêng Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi và Chương trình giảm nghèo bền vững được phân bổ hơn 1.800 tỷ đồng.
Việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia tại Quảng Ngãi đã huy động được cả hệ thống chính trị vào cuộc, nhất là khơi dậy được ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân.
Quảng Ngãi đã phân bổ nguồn vốn hỗ trợ sản xuất, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cứng hóa giao thông, nâng cao chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa, giảm nghèo… Nhờ đó, công tác phát triển kinh tế-xã hội, giảm nghèo vùng núi của Quảng Ngãi đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Năm 2023, Quảng Ngãi sắp xếp, bố trí 12 dự án ổn định dân cư tập trung; hoàn thành hỗ trợ sửa chữa, xây nhà ở cho hơn 1.000 hộ; nhựa hóa 60km đường nông thôn; hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán từ công trình cấp nước tập trung cho 1.145 hộ; đào tạo đưa đi lao động nước ngoài hơn 200 người; tạo việc làm, tăng thu nhập cho 5.491 hộ đồng bào dân tộc thiểu số…
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, năm 2023, huyện Minh Long đã bố trí hơn 44 tỷ đồng để ổn định dân cư, giải quyết nước sinh hoạt, xây dựng đường giao thông, sửa chữa, xây mới các công trình nhà văn hóa, trường bán trú, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường cơ sở vật chất cho các trường bán trú.
Tại xã đặc biệt khó khăn Long Môn, sau một năm xây dựng (từ tháng 9/2022 đến nay), công trình xây mới Nhà hiệu bộ, nhà ở bán trú, sân bê tông, thiết bị dạy học Trường Phổ thông dân tộc bán trú, Tiểu học, Trung học cơ sở Long Môn với nguồn kinh phí hơn 8 tỷ đồng đã hoàn thành đưa vào sử dụng.
Ông Trương Quốc Đạt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, toàn trường có 223 học sinh, do nơi ở của các em rải rác và khá xa, địa hình nhiều đồi núi, vào mùa mưa đi lại khó khăn nên có 152 em ở bán trú tại trường.
“Trước đây, trường không có nhà hiệu bộ, nhà nội trú, việc học tập và ăn ở của thầy trò nhà trường gặp rất nhiều khó khăn. Từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, nhà trường đã được quan tâm đầu tư xây mới các hạng mục còn thiếu. Các công trình được triển khai theo đúng tiến độ, đã hoàn thành đưa vào sử dụng kịp thời trong mùa mưa năm nay, giúp thầy và trò nhà trường có nơi làm việc, học tập, nơi ở, sinh hoạt khang trang, ổn định”, ông Trương Quốc Đạt nhấn mạnh.
Ông Đinh Văn Điết, Chủ tịch UBND huyện Minh Long cho biết: "Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã tác động đến mọi mặt, giúp đời sống của nhân dân ngày càng được cải thiện. Tỉ lệ hộ nghèo của huyện còn 16,9%, đạt kế hoạch huyện đưa ra. Thành quả đạt được từ các Chương trình tại huyện là rất lớn, nhất là đã khơi dậy được ý thức vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc trong huyện; từ hỗ trợ của nhà nước, nhiều hộ đã vươn lên mở rộng đầu tư, sản xuất.
Kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo
Sơn Tây là một trong hai huyện nghèo của tỉnh Quảng Ngãi. Toàn huyện có 5.319 hộ, trong đó 91% dân số là người đồng bào dân tộc thiểu số Cadong, H’rê.
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, Sơn Tây đã tập trung giải quyết các vấn đề căn bản đối với hộ nghèo như: nhà ở, đất sản xuất, đào tạo nghề, giải quyết lao động, việc làm, vốn vay, chính sách khám chữa bệnh, an sinh xã hội.
Trong giai đoạn 2021-2025, huyện thực hiện 150 công trình phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, đẩy nhanh các dự án giảm nghèo bền vững. Riêng trong hai năm 2022 và 2023, huyện đã khởi công đầu tư xây dựng và cơ bản hoàn thành 85 công trình; bố trí gần 24 tỷ đồng vốn ưu đãi cho 626 lượt hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế, tạo việc làm; hỗ trợ xây dựng 264 nhà cho hộ khó khăn về nhà ở; cấp gần 22.000 thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng; 85% dân số của huyện được sử dụng nước hợp vệ sinh.
Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây Nguyễn Ngọc Trân cho biết, huyện tiếp tục thực hiện các giải pháp đồng bộ, sát thực tế, thực hiện các giải pháp căn cơ đẩy lùi những tiêu cực, thủ tục lạc hậu vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tranh thủ các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu, chăm lo cải thiện đời sống người dân, đảm bảo an sinh xã hội; hỗ trợ phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo cải thiện phương thức lao động, tiếp cận khoa học, kỹ thuật vươn lên thoát nghèo.
Cùng với hiệu quả từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, công tác giảm nghèo các địa phương miền núi được tỉnh Quảng Ngãi quan tâm, tập trung, đổi mới. Tỉnh ủy Quảng Ngãi đã trực tiếp chỉ đạo, giám sát công tác giảm nghèo tại các địa phương miền núi; các chính sách phát triển miền núi được triển khai kịp thời, bước đầu phát huy hiệu quả. Đến hết tháng 11/2023, tỉ lệ hộ nghèo tại Quảng Ngãi giảm còn 6,22%, vượt 0,46% so với kế hoạch.
Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2025, mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số trên địa bàn tăng trên 2 lần so với năm 2020 (đạt 28,8 triệu đồng/người/năm); tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi mỗi năm giảm 4-4,5%; phấn đấu 50% số xã, thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa hoặc bê tông; 70% thôn có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; 90% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Đồng thời, tỉnh tập trung đầu tư cải thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội ở các xã, thôn đặc biệt khó khăn.
Ông Võ Phiên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, từ năm 2008 đến nay, Quảng Ngãi đã quan tâm đầu tư cho các huyện miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số bằng nhiều nguồn lực khác nhau.
Nhờ vậy, các địa phương miền núi đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, giao thông, điện, trường học, trạm y tế và một số dịch vụ thiết yếu. Tiếp nối các nguồn lực này, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đã giúp Quảng Ngãi tiếp tục đầu tư cho vùng núi theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, tập trung cho các dự án có sức lan tỏa, tạo sinh kế bền vững, giảm nghèo bền vững, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức, đáp ứng nhu cầu đời sống vật chất, tinh thần ngày càng cao của người dân./.