Hiện lực lượng cảnh sát giao thông Công an tỉnh Quảng Nam đã phân luồng, hướng dẫn các phương tiện qua lại khu vực bị ngập lũ, đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến đường huyết mạch này.
Thượng tá Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, từ 6 giờ sáng ngày 23/10, nước lũ đã tràn qua Quốc lộ 1A, tại Km 988 thuộc địa phận xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, có điểm ngập sâu 60cm, kéo dài hơn 100m. Trước tình hình trên, để đảm bảo an toàn giao thông trên tuyến, lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam đã cử 2 tổ công tác gồm 7 cán bộ, chiến sĩ nhanh chóng tiếp cận hiện trường điều tiết, hướng dẫn, phân luồng giao thông; huy động 1 xe tải nâng để chở các xe máy qua điểm ngập sâu.
Có mặt tại hiện trường, Trung tá Trần Minh Hiếu, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 1, Phòng Cảnh sát giao thông đường sắt Công an tỉnh Quảng Nam cho biết lực lượng Cảnh sát giao thông đang túc trực để giúp đỡ người dân lưu thông qua đoạn ngập nước được an toàn. Nếu nhận thấy nước ngày càng ngập nặng, nguy hiểm thì đơn vị sẽ đặt biển cấm, tạm thời không cho phương tiên đi qua để đảm bảo an toàn.
Theo thông báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng Nam, từ 1 giờ đến 11 giờ ngày 23/10, các địa phương trong tỉnh đã có mưa to đến rất to, như Thăng Bình 165mm, Núi Thành 138mm, Trà Kót 108mm, Tam Lãnh 105mm, Tam Kỳ 103mm…
Dự báo trong 6 giờ tới, các địa phương trong tỉnh Quảng Nam tiếp tục có mưa to đến rất to. Cảnh báo nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét các sông suối miền núi, sạt lở đất ở sườn dốc, các xã thuộc huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Hiệp Đức, các xã vùng núi huyện Thăng Bình và Núi Thành. Ngập úng ở những vùng trũng thấp và nội thị thành phố Tam Kỳ, Hội An, thị xã Điện Bàn, thị trấn Nam Phước, thị trấn Thăng Bình và thị trấn Núi Thành.
Theo ghi nhận của phóng viên, từ sáng 23/10, không chỉ nước lớn băng qua tuyến Quốc lộ 1 đoạn chảy qua địa phận xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh, tỉnh Quảng Nam, nhiều tuyến đường và khu dân cư trên địa bàn thành phố Tam Kỳ cũng đã bị ngập sâu, người dân đang tập trung lo dọn đồ đạc để chủ động phòng lũ lên cao.
Mưa to nước dâng cao, ngành Giáo dục tỉnh Quảng Nam đã cho học sinh nghỉ học chiều 23/10 để phòng tránh mưa lũ.
Tỉnh Quảng Nam đã có công điện về tập trung ứng phó tình hình mưa lũ. Theo đó, cường độ mưa to đến mưa rất to tập trung chủ yếu từ ngày 24/10 - 25/10. Tổng lượng mưa phổ biến từ 150 - 350mm, có nơi trên 400mm. Các sông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có khả năng xuất hiện một đợt lũ; đỉnh lũ trên Sông Vu Gia ở mức báo động II đến trên báo động III; đỉnh lũ trên sông Thu Bồn ở mức báo động I đến trên báo động II; đỉnh lũ trên sông Tam Kỳ ở mức báo động I. Nguy cơ cao xảy ra lũ quét các sông suối nhỏ, sạt lở đất ở sườn dốc, ven sông, suối vùng núi các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Phước Sơn, Nam Giang, Đông Giang và Tây Giang.
Nguy cơ xảy ra ngập úng những vùng trũng thấp và tại thành phố Tam Kỳ, thành phố Hội An, thị xã Điện Bàn, thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) và thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành).
Để chủ động ứng phó mưa lũ, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan chủ động theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, không khí lạnh để chỉ đạo triển khai ngay các biện pháp ứng phó với mưa lũ theo phương châm “bốn tại chỗ”; sẵn sàng ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp
Tỉnh tiếp tục tổ chức công tác truyền thông, thông tin kịp thời đến nhân dân biết về tình hình mưa lũ, công tác vận hành, điều tiết các hồ chứa thủy điện để chủ động các biện pháp ứng phó; triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chủ động rà soát, huy động lực lượng, kiên quyết tổ chức sơ tán các hộ dân tại các khu vực không đảm bảo an toàn, nhất là các khu vực bị ngập sâu, chia cắt, vùng trũng thấp ven sông suối, khu vực nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân và nhà nước; ưu tiên đến mức tối đa hình thức di dời, sơ tán tại chỗ, xen ghép; chủ động bố trí chỗ ở tạm, hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm thiết yếu đề phòng mưa lũ gây ngập úng, chia cắt kéo dài.
Đối với các địa phương miền núi có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, trượt lở đất đá, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, tỉnh khuyến cáo nhân dân chủ động quan sát khi thấy các dấu hiệu bất thường như: nứt đất, nứt nhà, cây nghiêng, nước chảy sườn đồi chuyển màu... , cần chủ động di chuyển đến nơi an toàn; các địa phương kiểm tra việc dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu, nhất là ở những địa phương dễ bị cô lập, chia cắt; nhân dân tự dự trữ lương thực, các nhu yếu phẩm đảm bảo sinh hoạt từ 7 - 10 ngày. Tỉnh nghiêm cấm tàu thuyền, các đò ngang, đò dọc hoạt động trên các sông, suối, hồ chứa nước và các nơi ngập lũ sâu để chuyên chở người, hàng hóa...
Trong quá trình triển khai công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, các ngành, đơn vị, địa phương trong tỉnh Quảng Nam đặc biệt lưu ý công tác bảo đảm an toàn phòng, chống dịch COVID-19 theo đúng quy định.