Bài 1: Chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển
Phú Thọ được đánh giá là địa phương có tỷ lệ lao động qua đào tạo tương đối cao so với trung bình của cả nước, nhưng phần lớn số lượng lao động được đào tạo lại có trình độ sơ cấp, dạy nghề. Với chất lượng đào tạo này, nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và còn gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Hơn 70% lao động được đào tạo, truyền nghề
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, trong giai đoạn 2016-2020, toàn tỉnh đã đào tạo cho trên 238.000 người, bình quân mỗi năm 47.000 người; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, doanh nhân, công nhân kỹ thuật 23.000 lượt người. Riêng 7 tháng năm 2021, toàn tỉnh đã đào tạo, truyền nghề cho 4.779 người, trong đó trình độ trung cấp 317 người; trình độ sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng là 4.462 người.
Tỷ lệ lao động qua đào tạo và truyền nghề đến tháng 7/2021 đạt 70,3%, trong đó lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 28,1%, tăng hơn 15% so với năm 2015. Trong đó, 85% lao động có việc làm sau đào tạo, góp phần rất lớn trong việc chuyển đổi cơ cấu lao động, giải quyết việc làm tại chỗ, cung cấp lao động cho các doanh nghiệp, giúp hàng chục nghìn người nông dân chuyển đổi ngành nghề, tạo nghề mới phát triển kinh tế và tăng thu nhập.
Bà Phạm Thị Thu Hương, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết, để đào tạo đúng người, trúng nghề, tránh dàn trải gây lãng phí, Sở đã khảo sát, cập nhật thông tin về nguồn cung, cầu của thị trường lao động; điều tra về nhu cầu học nghề, nhu cầu tuyển dụng lao động của các đơn vị, doanh nghiệp để có giải pháp đào tạo, giáo dục nghề nghiệp phù hợp với nhu cầu tuyển dụng thực tế của xã hội. Việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn cũng được gắn với quy hoạch phát triển sản xuất và xây dựng nông thôn mới, chỉ đào tạo khi đã xác định rõ nhu cầu của người học và có điều kiện áp dụng kiến thức đã học vào sản xuất.
Cùng với đó, tỉnh cũng ưu tiên bố trí các nguồn lực cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, mức vốn đầu tư toàn xã hội cho phát triển nhân lực trên địa bàn tỉnh bình quân đạt 796,6 tỷ đồng/năm, trong đó đào tạo chiếm 57%; kinh phí đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị chiếm 43%.
Ông Bùi Đình Thi, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy cho biết, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức từng bước được nâng lên, cơ cấu hợp lý hơn về độ tuổi, giới tính, dân tộc, ngành nghề, lĩnh vực. Có được vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực tại các cơ quan quản lý nhà nước luôn được tỉnh đặc biệt quan tâm. Tỉnh thường xuyên nghiên cứu đổi mới phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo vị trí, chức danh nhằm bảo đảm cho cán bộ đạt chuẩn về trình độ lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ. Nội dung đào tạo cũng được lựa chọn những chuyên đề mang tính thời sự, cấp thiết như giáo dục đạo đức cách mạng, công tác dân tộc, tôn giáo, xây dựng, chỉnh đốn Đảng...
Bên cạnh đó, việc tuyển dụng, bổ nhiệm, đề bạt, luân chuyển đội ngũ cán bộ, công chức được bố trí phù hợp với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đào tạo và năng lực sở trường công tác. Tất cả đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý từ Phó Trưởng phòng cấp huyện trở lên thường xuyên được nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực thi công vụ. Đặc biệt là cán bộ lãnh đạo thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý cũng phải đáp ứng về trình độ lý luận chính trị cao cấp và cử nhân về chuyên môn, nghiệp vụ đáp ứng tiêu chuẩn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Đại Dũng, phát triển nguồn nhân lực được Đại hội Đảng bộ hai nhiệm kỳ 2010-2015 và 2015-2020 xác định là khâu đột phá để tạo động lực, cơ hội đưa kinh tế - xã hội bứt phá đi lên. Cùng với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường đầu tư cơ sở, thiết bị, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ thu hút nhân tài về tỉnh làm việc; mời gọi các chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên có trình độ giáo sư, tiến sĩ, thạc sĩ, chuyên gia đầu ngành, thợ bậc cao về làm việc và giảng dạy; chú trọng xây dựng đội ngũ giáo viên, giảng viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn, có tinh thần trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp. Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động hướng nghiệp trong các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và các cơ sở dạy nghề để giúp học sinh định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển
Với những cơ chế, chính sách phù hợp và nguồn kinh phí đầu tư thích đáng đã đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo, truyền nghề tăng cao, nhưng phần lớn số lao động được đào tạo lại có trình độ sơ cấp, dạy nghề. Với chất lượng đào tạo này, nguồn nhân lực chưa thực sự đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và còn gây lãng phí nguồn lực của Nhà nước và xã hội.
Nguyên nhân chính là do công tác phát triển nguồn nhân lực thiếu trọng tâm, trọng điểm, còn những bất cập; dự báo nhu cầu để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nhân lực gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội chưa sát thực tế; chính sách thu hút nhân tài, lao động có trình độ cao chưa thật sự hấp dẫn và còn thiếu sự quyết tâm từ các ngành, các cấp.
Theo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, mặc dù công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức được tăng cường, số lượng cán bộ, công chức qua các lớp, khóa đào tạo, bồi dưỡng khá lớn, nhưng nhìn chung tỷ lệ cán bộ, công chức viên chức có kiến thức, kỹ năng quản lý nhà nước tốt đạt thấp. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức còn cửa quyền, thiếu ý thức trách nhiệm và tinh thần phục vụ. Những giải pháp mang tính đổi mới, theo hướng hiện đại hóa công tác quản lý cán bộ, công chức chậm được triển khai; công tác quản lý, tuyển dụng, sử dụng, thi tuyển, thi nâng ngạch, đánh giá, cán bộ, công chức chậm chưa tạo bước đột phá.
Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ cho rằng, mặc dù tỷ lệ lao động nông thôn được đào tạo nghề lớn nhưng chưa mang lại hiệu quả cao. Phần lớn nguồn lao động ở khu vực này có trình độ chuyên môn thấp, năng lực ứng dụng khoa học, công nghệ và các tiến bộ khoa học, kỹ thuật hạn chế. Cùng với đó, nguồn nhân lực trong doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu trong tình hình mới. Thiếu hụt lao động có tay nghề cao, chất lượng của lao động thấp chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Nhiều lao động do chuyển từ nghề nông nghiệp sang nên khả năng thích ứng với môi trường công nghiệp chậm, ý thức kỷ luật chưa cao, không có tác phong công nghiệp.
Mặc dù cơ sở vật chất, trang thiết bị của các cơ sở giáo dục, giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư, mở rộng, tuy nhiên vẫn chưa đạt theo chuẩn. Chương trình, giáo trình đào tạo nghề còn nhiều nội dung mang tính hình thức, chưa được thường xuyên cập nhật, bổ sung cho phù hợp với yêu cầu của thị trường lao động. Tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia chậm được ban hành; chất lượng chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp và thị trường lao động.
Bên cạnh đó, nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, một bộ phận cán bộ, đảng viên và người lao động về đào tạo phát triển nhân lực còn hạn chế; việc liên kết đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với các doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động theo đơn đặt hàng chưa hiệu quả; kết nối giữa cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động chưa chặt chẽ.
Khắc phục những hạn chế đó, Tỉnh ủy Phú Thọ cũng đã kiên quyết loại bỏ, bãi nhiệm những người không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm kỷ luật; sắp xếp nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề trên địa bàn; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc tổ chức thực hiện; bảo đảm sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí đầu tư cho chương trình phát triển nguồn nhân lực của tỉnh.
Bài 2: Phát triển đồng bộ thể lực, kỹ năng và đạo đức lối sống