Phú Thọ đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống-Bài 1: Tạo 'sức bật' đưa nền kinh tế quy mô nhỏ đi lên

Từ một tỉnh mới thoát nghèo, quy mô nền kinh tế nhỏ, chỉ sau 5 năm, tỉnh Phú Thọ đã vươn lên nằm trong top đầu các tỉnh vùng trung du và miền núi Bắc bộ về trình độ phát triển. Để có được kết quả trên, Phú Thọ đã có những cách làm mới, sáng tạo trong việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống.

Chú thích ảnh
Thu hoạch rau an toàn (Lâm Thao, Phú Thọ) để chuyển về cơ sở sơ chế. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN

Với xuất phát điểm kinh tế thấp, nguồn lực đầu tư hạn hẹp, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, tích lũy để tái đầu tư còn hạn chế, đưa kinh tế "bứt phá" đi lên là bài toán khó đối với tỉnh Phú Thọ. Xác định lĩnh vực then chốt là phát triển sản xuất công nghiệp và lựa chọn hướng đi đúng, trúng cho ngành nông nghiệp, tỉnh Phú Thọ  đã đưa kinh tế phát triển nhanh.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo đà phát triển công nghiệp

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khóa XVIII nhiệm kỳ 2015-2020 đã xác định sản xuất công nghiệp là lĩnh vực kinh tế mũi nhọn tạo tảng để thúc đẩy phát triển kinh tế. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển các ngành có thế mạnh, sản phẩm mới có hàm lượng khoa học, giá trị gia tăng cao, công nghệ thân thiện môi trường.

Cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh vào cuộc sống, tỉnh Phú Thọ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, cởi mở, thông thoáng để thu hút các nhà đầu tư; đồng thời chủ động xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng tâm, trọng điểm. Tỉnh chú trọng cải cách hành chính, giảm các khâu trung gian, rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục đầu tư với phương châm "Thành công của các bạn chính là thành công của chúng tôi". Cùng với đó, tỉnh đẩy mạnh huy động nhiều nguồn lực đầu tư hạ tầng kỹ thuật bên trong các khu cụm công nghiệp và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài kết nối đồng bộ tạo thuận lợi cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Phú Thọ Nguyễn Minh Xuyên cho biết, những năm gần đây, Phú Thọ dần "được lòng" các nhà đầu tư bởi chính sách thu hút hấp dẫn, môi trường đầu tư thông thoáng, lành mạnh và an toàn. Đến nay, tỉnh đã thu hút 172 dự án đầu tư vào các khu cụm công nghiệp, trong đó có 79 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, tổng vốn đầu tư 852 triệu USD; 93 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư 19 nghìn tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhiều dự án đầu tư nước nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao đã lựa chọn các Khu Công nghiệp ở Phú Thọ làm điểm đến tiềm năng như Công ty Trách nhiệm hữu hạn công nghệ Namuga Phú Thọ, Công ty Trách nhiệm hữu hạn JNTC Vina, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Almus Vina, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hanyang digitech Vina… Nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn như FLC, Vingroup, Sông Hồng Thủ đô, TH True milk… đang tìm cơ hội đầu tư vào tỉnh.

Nhờ đẩy mạnh thu thút đầu tư, sản xuất công nghiệp của tỉnh Phú Thọ đã đạt đà tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây. Năm 2020, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt trên 20 nghìn tỷ đồng, tăng 19,7 lần so với năm 2015. Tổng giá trị xuất khẩu năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2015, từ 630 triệu USD lên 1.350 triệu USD. Mỗi năm, các khu cụm công nghiệp tạo việc làm mới cho hơn 3.000 lao động tại địa phương và các tỉnh lân cận.

Chú trọng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Xác định nông nghiệp có vai trò quan trọng trong nền kinh tế nên từ rất sớm tỉnh Phú Thọ đã có định hướng về phát triển công nghệ cao và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đã đề ra.

Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh đã tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp, trong đó tập trung dồn đổi, tích tụ ruộng đất, quy hoạch vùng sản xuất tập trung, áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Tỉnh Phú Thọ ban hành nhiều cơ chế, có chính sách để thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, xây dựng các vùng chuyên canh, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất…

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của cả hệ thống chính trị, lĩnh vực sản xuất nông, lâm, thủy sản đã thu hút được nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn quan tâm đầu tư. Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã hình thành và phát huy hiệu quả, góp phần tăng thu nhập trên đơn vị diện tích canh tác.

Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Phú Thọ thu hút được 85 dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong có nhiều dự án ứng dụng công nghệ cao như Dự án sản xuất trứng gà sạch của Công ty Cổ phần ĐTK cung cấp 500.000 quả trứng gà/ngày, tương đương 175 triệu quả/năm; Dự án chăn nuôi tập trung gia súc, gia cầm DABACO xã Tề Lễ, huyện Tam Nông; Dự án nuôi gà của Công ty Hòa Phát Phú Thọ với quy mô 15.000 gà giống, 1,2 triệu gà mái, 336 triệu quả trứng/năm tại xã Đồng Lương và Sơn Tình huyện Cẩm Khê; Dự án đầu tư trồng cây ăn quả công nghệ cao của Công ty Cổ phần Khoa học và Công nghệ nông nghiệp H2 tại xã Đông Thành, huyện Thanh Ba…

Tỉnh xây dựng thành công 430 vùng sản xuất hàng hóa tập trung, ứng dụng công nghệ cao với lớn trên 11.545 ha; hình thành mô hình cánh đồng mẫu lớn sản xuất lúa chất lượng cao với diện tích trên 3.400 ha/năm; mở rộng 22 chuỗi cung ứng sản phẩm nông lâm thủy sản an toàn; hàng trăm trang trại, hợp tác xã  thực hiện liên kết tiêu thụ sản phẩm. Nông nghiệp công nghệ cao được chú trọng phát triển, đã tạo đà cho sản xuất nông nghiệp của tỉnh phát triển và duy trì tốc độ tăng trưởng cao, góp phần đưa giá trị tăng thêm bình quân giai đoạn 2016-2020 của ngành nông nghiệp đạt 4,4%/năm, cao hơn chỉ tiêu kế hoạch đề ra, cao hơn bình quân chung cả nước.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, để tiếp tục đưa nông nghiệp của tỉnh phát triển theo hướng chất lượng, hiệu quả và bền vững, ngành đẩy mạnh cơ cấu lại sản xuất gắn với phát huy lợi thế của từng địa phương và thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, xây dựng thương hiệu tạo ngành hàng các sản phẩm chủ lực của tỉnh như chè, rau quả, gia cầm, thủy sản, gỗ... Ngành Nông nghiệp mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, sản xuất theo quy trình an toàn; đổi mới hình thức tổ chức sản xuất, thúc đẩy phát triển kinh tế trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, từng bước nâng cao giá trị và hiệu quả sản xuất. Đồng thời, ngành thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Bài 2: Phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế năng động

Lâm Đào An (TTXVN)
Cần Thơ vượt tiến độ các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra
Cần Thơ vượt tiến độ các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra

Báo cáo tại hội nghị sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Cần Thơ lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2015-2020 do Thành ủy Cần Thơ tổ chức ngày 15/10 cho thấy 15/15 chỉ tiêu chủ yếu được thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN