Khu tái định cư xóm Nhàng, xã Kim Thượng, huyện Tân Sơn (Phú Thọ) có tổng diện tích 5.000m2, được khởi công cuối năm 2022, tổng mức đầu tư trên 34,5 tỷ đồng. Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN
Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ đầu cầu trung ương tới điểm cầu các tỉnh, thành phố thuộc Tổ công tác số 2 theo Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 của Thủ tướng Chính phủ về Thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công hằng năm tại các bộ, cơ quan trung ương và địa phương.
Tổ công tác số 2 gồm 16 đơn vị, trong đó có 7 bộ, cơ quan trung ương và 9 địa phương, trong đó có tỉnh Phú Thọ. Tổng kế hoạch đầu tư vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2025 Thủ tướng Chính phủ giao cho 16 đơn vị thuộc Tổ công tác số 2 là 253.255,055 tỷ đồng, chiếm 30,66% tổng kế hoạch vốn đầu tư của cả nước được Thủ tướng Chính phủ giao.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu kết luận hội nghị
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến ngày 6/5/2025, tổng số vốn phân bổ là 250.126,601 tỷ đồng (trong đó bao gồm 1.538,131 tỷ đồng số vốn cân đối ngân sách địa phương giao vượt so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), đạt 98,76% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (tăng 4.443,144 tỷ đồng so với tháng trước). Trong đó, có 4/7 bộ, cơ quan trung ương và 5/9 địa phương đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được giao; còn 3 bộ, cơ quan trung ương và 4 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao.
Số giải ngân thực tế tính đến ngày 6/5/2025 của bộ, cơ quan trung ương và địa phương thuộc Tổ công tác số 2 đạt 15,41% kế hoạch được Thủ tướng giao. Có 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn tỷ lệ ước giải ngân bình quân chung của cả nước (tính đến ngày 30/4/2025) gồm: Phú Thọ: 46,71%; Thanh Hóa: 39,02%; Hà Tĩnh: 29,43%; Nghệ An: 22,56%; Quảng Bình: 19,23%; Bắc Giang: 18%; Hòa Bình: 17,34%.
Có 7 Bộ, cơ quan trung ương và 2 địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới mức trung bình của cả nước (khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép điều chuyển kế hoạch vốn). Nguyên nhân chủ yếu là do vướng mắc trong việc xác định nguồn gốc đất, đơn giá, phương án đền bù; chồng chéo giữa quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch xây dựng. Quy trình, thủ tục đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, đất trồng lúa đối với các dự án mất nhiều thời gian. Ngoài ra, do một số chủ đầu tư chưa chủ động trong công tác giải quyết các vướng mắc về mặt bằng và thủ tục pháp lý. Một số địa phương công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư còn chưa tốt dẫn đến một số dự án chậm…
Về phía tỉnh Phú Thọ, tính đến ngày 6/5/2025, tỉnh là 1 trong 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn mức bình quân chung của cả nước, đạt 46,71%, vượt xa mức trung bình 15,56%. Tỉnh cũng nằm trong nhóm 5/9 địa phương thuộc Tổ công tác số 2 đã phân bổ hết 100% kế hoạch vốn được giao. Kết quả này phản ánh nỗ lực lớn trong công tác điều hành, tháo gỡ khó khăn và tổ chức thực hiện đầu tư công của tỉnh.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà biểu dương những nỗ lực và kết quả giải ngân vốn đầu tư công của 7 địa phương có tỷ lệ giải ngân cao hơn bình quân chung của cả nước.
Phó Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, công tác giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Để hoàn thành nhiệm vụ này, đồng chí yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương tiếp tục tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp linh hoạt, quyết liệt hơn nữa trong tổ chức thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; đặc biệt là trong công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư để bảo đảm tiến độ triển khai dự án.
Đối với các dự án chậm tiến độ, không có khả năng giải ngân, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương rà soát, đánh giá nguyên nhân, phối hợp với Bộ Tài chính đề xuất phương án xử lý, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công theo đúng quy định. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong chỉ đạo, điều hành, phân bổ và giải ngân vốn; chủ động rà soát, xử lý kịp thời các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục đầu tư, thi công và thanh toán. Các cơ quan quản lý và đơn vị thực hiện cần phối hợp chặt chẽ, chủ động rà soát, xử lý nhanh các vướng mắc, sớm hoàn thiện thủ tục đầu tư; nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công… Phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công năm 2025 đạt 100% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.