Phú Thọ: Người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích được tăng mức hỗ trợ từ năm 2025

UBND tỉnh Phú Thọ cho biết, người trực tiếp trông coi di tích lịch sử - văn hóa được xếp hạng cấp quốc gia, cấp tỉnh trên địa bàn sẽ được hỗ trợ kinh phí từ đầu năm 2025.

Chú thích ảnh
Khu di tích lịch sử Đền Hùng (tỉnh Phú Thọ). Ảnh tư liệu, minh họa: Lê Phú/Báo Tin tức

Đây là nguyện vọng của người trông coi, bảo vệ di tích trên địa bàn; đồng thời giúp nâng cao ý thức trong bảo vệ di tích ở tỉnh.

Theo quy định, mỗi di tích sẽ được hỗ trợ 1 người trông coi. Trong đó, di tích xếp hạng cấp quốc gia được hỗ trợ 700.000 đồng/di tích/tháng; di tích xếp hạng cấp tỉnh là 500.000 đồng/di tích/tháng.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, hiện những người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích đã xếp hạng cấp quốc gia được hưởng mức hỗ trợ là 36.000 đồng/tháng/di tích. Việc hỗ trợ này đã được thực hiện từ khi tái lập tỉnh năm 1997 đến nay. Đối với di tích xếp hạng cấp tỉnh, người trực tiếp trông coi, bảo vệ chưa được hỗ trợ kinh phí.

Hiện nay, việc trông coi, bảo vệ di tích được phân công một lãnh đạo xã phụ trách (thường là Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND xã). Tuy nhiên thực tế, việc trông coi, bảo vệ, bảo quản di vật, cổ vật, hiện vật và thực hành các nghi lễ lại giao cho các thành viên khác thực hiện, chủ yếu là các bậc cao niên - những người tâm huyết, có kinh nghiệm và hiểu biết về các phong tục, lễ nghi tại địa phương. Song, các thành viên này đều đã cao tuổi, sức khỏe không đảm bảo, thiếu kỹ năng, kinh nghiệm trong gìn giữ, bảo quản di vật, cổ vật, hiện vật.

Tại nhiều địa phương, chính quyền và nhân dân chưa nhận thức đúng và đủ về trách nhiệm trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ từ các cơ quan quản lý vẫn tồn tại; quan điểm di tích xếp hạng nào, cấp ấy chịu trách nhiệm còn phổ biến...

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ, việc hỗ trợ kinh phí cho người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích đã xếp hạng là nguồn động viên, khuyến khích thiết thực nhất để nâng cao tính tự giác và ý thức trách nhiệm của người trông coi, bảo vệ di tích trên địa bàn. Việc hỗ trợ giúp giải quyết được nhu cầu cấp thiết và đáp ứng nguyện vọng mong mỏi của những người trực tiếp trông coi, bảo vệ di tích được Nhà nước xếp hạng tại Phú Thọ.

Tỉnh hiện có 1.064 di tích, phế tích; trong đó có 328 di tích đã xếp hạng gồm: 1 di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia, 254 di tích cấp tỉnh. Các di tích là nơi lưu giữ nhiều cổ vật, di vật quý trong kho tàng văn hóa, lịch sử của ông cha. Tuy nhiên, những chốn linh thiêng này lại trở thành địa điểm "nhòm ngó" của kẻ gian, trộm cắp cổ vật, di vật. Năm 2023, tại đền Quốc Tế (xã Dị Nậu, Tam Nông, Phú Thọ), lợi dụng đêm tối, không có người trông coi, kẻ xấu đã đột nhập và dùng xà beng phá két lấy trộm 40 sắc phong cùng nhiều sách cổ. Trước đó, tháng 3/2022, tại đình Hạ (xã Bắc Sơn, huyện Tam Nông), kẻ xấu đã lấy trộm một số cổ, hiện vật; trong đó có 2 bản sắc phong giá trị...

Đào An (TTXVN)
Nhiều ý kiến góp ý về mức hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở
Nhiều ý kiến góp ý về mức hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở

Ngày 5/6, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị phản biện xã hội đối với dự thảo Nghị quyết của HĐND thành phố quy định tiêu chí thành lập và số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh, trật tự; nội dung, mức chi hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN