Dự hội nghị có Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương, lãnh đạo Công an thành phố, cùng nhiều chuyên gia, nhà khoa học.
Tại hội nghị, các chuyên gia, nhà khoa học cùng chung quan điểm cho rằng, mức hỗ trợ cho 3 lực lượng là thành phần của Tổ bảo vệ an ninh trật tự hiện nay chưa thống nhất, do đó, việc quy định các tiêu chí thành lập và số lượng thành viên tổ bảo vệ an ninh trật tự và quy định mức hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở là cần thiết.
Ông Vũ Thành Vĩnh, Thành viên Hội đồng tư vấn Dân chủ - Pháp luật, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội cho biết, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, Tổ dân phố là tai mắt và cánh tay nối dài của Công an tại cơ sở. Lực lượng này hỗ trợ Công an cấp xã và là nòng cốt vận động, cùng với nhân dân ở thôn, Tổ dân phố thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự. Đây là lực lượng tại chỗ, nòng cốt, kịp thời tham gia phòng cháy chữa cháy, cứu nạn cứu hộ và các vụ việc liên quan đến an ninh trật tự. Việc xây dựng và hoàn thiện lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở thôn, Tổ dân phố là cần thiết để đảm bảo an ninh, trật tự từ xa, từ sớm và từ cơ sở.
Tuy nhiên, tờ trình cũng cần đánh giá sâu hơn những tồn tại, hạn chế và bất cập của 3 lực lượng trước đây. Từ đó nêu bật sự cần thiết phải kiện toàn, sát nhập làm tinh gọn đầu mối, khắc phục tình trạng chồng chéo; đồng thời đảm bảo chế độ chính sách, điều kiện hoạt động của lực lượng này được tốt hơn, phù hợp hơn với tình hình kinh tế - xã hội, tình hình thực tế địa phương. Qua đó, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, đặc biệt là công tác phòng cháy chữa cháy, cứu hộ, cứu nạn tại chỗ.
Ông Phạm Ngọc Thảo, Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội lại cho rằng, qua tham chiếu mức hỗ trợ của Hà Nội với thành phố Hải Phòng, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy mức hỗ trợ của Hà Nội là phù hợp với quy định của Chính phủ và điều kiện thực tế, khả năng ngân sách, đặc điểm kinh tế - xã hội của Thủ đô; Có hỗ trợ trách nhiệm theo chức danh là phù hợp.
Tuy nhiên, Nghị quyết này mới chỉ quan tâm đến việc thống nhất nội dung về tổ chức và mức hỗ trợ đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự nhưng chưa đạt được yêu cầu giảm đầu mối chi ngân sách, tiết kiệm ngân sách, nâng cao chất lượng, giảm số lượng. Trong khi đó, Chính phủ đã và đang giảm bớt đơn vị hành chính và số lượng cán bộ công chức nhưng Nghị quyết này số lượng các chức danh và số lượng thành viên lại không thay đổi.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương đánh giá cao công tác chuẩn bị của đơn vị tham mưu soạn thảo tờ trình và dự thảo Nghị quyết. Nội dung được chuẩn bị kỹ, trên cơ sở các căn cứ pháp lý, căn cứ thực tiễn; đảm bảo các quy định của pháp luật về nguyên tắc, phương pháp xây dựng tiêu chí thành lập và số lượng thành viên, mức chi hỗ trợ Tổ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở trên địa bàn thành phố.
Tuy nhiên, trên cơ sở các ý kiến tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu kỹ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Về mức hỗ trợ, bà Nguyễn Lan Hương đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu đưa các mức hỗ trợ thành tỷ lệ chung của mức lương để tránh việc phải ban hành Nghị quyết mới thay đổi về chính sách tiền lương. Cơ quan soạn thảo (Công an thành phố) sớm hoàn thiện các văn bản và có văn bản trả lời các ý kiến phản biện của MTTQ Việt Nam thành phố theo quy định.
Theo dự thảo Nghị quyết, mức hỗ trợ thường xuyên hàng tháng, hỗ trợ, bồi dưỡng đối với người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở là 2.520.000đ/người/tháng (tương đương 1,4 lần mức lương cơ sở); hỗ trợ đóng bảo hiểm xã hội (mức 234.000đ/người/tháng, tương đương 13% mức lương cơ sở), bảo hiểm y tế hằng tháng (mức 54.000đ/người/tháng, tương đương 3% mức lương cơ sở) cho người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Về hỗ trợ chức danh đối với người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Tổ trưởng được hỗ trợ thêm 300.000đ/người/tháng, Tổ phó được hỗ trợ thêm 200.000đ/người/tháng.
Dự thảo Nghị quyết cũng quy định hỗ trợ, bồi dưỡng người tham gia lực lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ; khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động; khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc miền núi, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng, mức 100.000 đồng/người/ngày.