Phụ huynh miền núi mong con có tương lai tươi sáng

Bước vào Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2024 quan trọng, từ những bản làng xa xôi ở các huyện miền núi của Nghệ An, nhiều phụ huynh vội vã bắt xe xuống thành phố Vinh để gặp gỡ và động viên con bình tĩnh, tự tin làm bài thi thật tốt.

Chú thích ảnh
Trao đổi bài thi sau môn thi tổ hợp Khoa học tự nhiên tại Điểm thi trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thành phố Vinh.

Đi hơn 300 km, phải qua 2 chặng xe, hơn 8 giờ ngày 28/6, chị Vi Thị Nhung, nhà ở bản Kẻ Tre, xã Thạch Ngàn (huyện Con Cuông) mới xuống được Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 ở thành phố Vinh để thăm con. Đường xa, đi lại vất vả nên khi chị xuống đến nơi thì con chị đã bước vào môn thi thứ 3. Chưa gặp con, chị ngồi lại phía sau dãy nhà ký túc xá. Thỉnh thoảng, chị lại dõi mắt về phía điểm thi, mong con sẽ bình tĩnh, làm bài thi thật tốt để thực hiện được ước mơ của mình.

Chuyến đi này của chị Nhung không chỉ một mình mà còn có chồng và mẹ đẻ đi cùng. Hai năm trước, vì điều kiện hoàn cảnh khó khăn, chị quyết định ra Bắc Ninh xin làm bảo vệ tại một nhà máy ở khu công nghiệp. Mọi hy vọng của gia đình chị gửi gắm vào con gái cả Lữ Nhã Uyên, hiện học lớp 12D - Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2.

Những năm đi làm xa nhà, chị Nhung rất ít khi được gặp con. Việc học hành, họp phụ huynh của con đều do chồng cáng đáng. Ngày trước, chị học không nhiều nên không biết lực học của con đến đâu nhưng hằng năm Nhã Uyên đều có giấy khen rồi chụp gửi cho mẹ. Chị luôn tự hào bởi ở bản Kẻ Tre, số trẻ trong xóm học giỏi và thi đậu nội trú không nhiều.

Nhã Uyên thi tốt nghiệp Trung học phổ thông đợt này, biết là không giúp được gì, nhưng chị Nhung vẫn quyết định xin công ty nghỉ 4 ngày để về thăm và động viên con. “Tôi chỉ mong con thi tốt, đậu vào trường Đại học Ngoại ngữ như cháu ước mơ. Sau này, có nghèo, có khổ thế nào cũng sẽ cố gắng để con được vào đại học”, chị Nhung tâm sự.

Cùng xuống động viên con dự thi nên tình cờ sau 37 năm, ông Cao Xuân Tình (bản Long Quang, xã Tiền Phong, huyện Quế Phong là phụ huynh em Cao Thị Lâm Oanh và ông Lô Tiền Phong (thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong) là phụ huynh em Lô Thị Khánh Hòa mới có dịp được gặp nhau tại cùng một điểm thi Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2. Ngày trước, hai ông học cùng lớp nhưng cuộc sống “mỗi người một việc” nên giờ có người làm nông, có người làm thầy giáo. Gặp nhau, hai ông tay bắt mặt mừng. Bởi con trai đầu ông Tình nay đang học tại Học viện Cảnh sát nhân dân, trong khi đó, con đầu của ông Phong cũng đang học tại Đại học Khoa học xã hội và nhân văn tại Hà Nội.

Qua thành công của những đứa con đầu, lần này xuống Vinh đưa các con đi thi tốt nghiệp, cả hai đặt trọn niềm tin bởi con gái Lâm Oanh của ông Tình đã từng đạt giải Nhì học sinh giỏi tỉnh và nay có thể tuyển thẳng vào đại học, còn Khánh Hòa con gái ông Phong đang nuôi ước mơ vào Học viện Tòa án và rất tự tin vào bản thân. Chia sẻ về các con, ông Tình và ông Phong hạnh phúc nói: "Chúng tôi luôn ủng hộ con, mong con học thật tốt, thi thật tốt để sau này có tương lai tươi sáng".

Những ngày này, khu Ký túc xá của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 được nhà trường bố trí để các phụ huynh có thể ở lại. 8 giờ sáng, khi phía bên kia hàng rào các sĩ tử đang bắt đầu ngày thi thứ 2 thì ở khu ký túc xá bên này, không khí cũng vắng lặng không kém. Trong các phòng ở, từng tốp nhỏ hai, ba phụ huynh chụm lại với nhau trò chuyện. Xoay đi xoay lại, vẫn chỉ là chuyện các con đi thi.

Ông Nguyễn Xuân Giang đến từ bản Lấu, xã Châu Lý, huyện Quỳ Hợp, là phụ huynh của em Nguyễn Xuân Hải (lớp 12C1, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2). Từ khi con bắt đầu tham gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, hai vợ chồng ông đã bắt xe xuống trường. Đến nơi, ông được bố trí ở cùng với con. Nhưng sau hai đêm đầu, ông xin sang phòng bên cạnh để ở.

"Tối 27/6, sau khi đi thi về, cháu còn ôn bài đến khuya. Tôi muốn ở cùng con nhưng sợ ảnh hưởng nên xin sang phòng bên cạnh. Tôi không muốn cháu biết mình lo lắng. Chúng tôi không ngại vượt đường xa, xuống núi động viên con đi thi. Tôi mong rằng con mình sẽ làm bài tốt, đạt được ước mơ vào đại học, có kiến thức để có ngành nghề vững chắc, tương lai tươi sáng hơn", ông Giang nói.

Vợ chồng ông Giang làm nghề tự do, kinh tế trông chờ nhiều vào mấy sào ruộng. Hải là con thứ 2 của ông, học giỏi từ nhỏ. Từ những năm trung học cơ sở, Hải đã đỗ vào trường nội trú của huyện rồi của tỉnh. Hải đang nuôi ước mơ vào Học viện Cảnh sát nên đặt quyết tâm cao ở Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay.

Thầy giáo Hồ Quốc Việt, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học phổ thông số 2 cho biết, Trường có 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Năm nay, điểm thi tại Trường có 368 thí sinh đăng ký dự thi, đều đăng ký xét tuyển đại học. Các năm trước, Trường nằm trong top 3 trường có thành tích thi tốt nghiệp cao nhất của tỉnh Nghệ An, rất nhiều học sinh đậu đại học vào top đầu của cả nước.

Bài và ảnh: Bích Huệ (TTXVN)
Ý nghĩa thiết thực từ chương trình tiếp sức mùa thi
Ý nghĩa thiết thực từ chương trình tiếp sức mùa thi

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học Phổ thông năm 2024, hàng vạn đoàn viên, thanh niên, tình nguyện viên tại các tỉnh, thành phố trên cả nước đã đồng hành, hỗ trợ thí sinh với những hoạt động ý nghĩa, việc làm thiết thực "Tiếp sức mùa thi".

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN