Các hoạt động này nhằm góp phần thực hiện dự án 6 "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của TTCP.
Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long hiện có 44 thành phần dân tộc cùng sinh sống, trong đó có 43 dân tộc thiểu số, chiếm gần 7,6% dân số toàn vùng. Cùng với phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân, nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc đang được gìn giữ, phát huy hiệu quả.
Địa hình sông nước thơ mộng, kết hợp với nét đẹp văn hóa phum, sóc tạo nên giá trị để phát triển du lịch ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều khu vực sông, suối, vườn cây ăn trái có tiềm năng nuôi trồng thủy sản, thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp với phát triển các loại cây dược liệu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao... Những thế mạnh này đã trở thành động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số phát triển mạnh mẽ, tạo sinh kế bền vững cho đồng bào, đồng thời gắn kết với bảo tồn những nét văn hóa đặc sắc trong cộng đồng các dân tộc.
Từ thực tế này, địa phương đã đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; qua đó triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của TTCP.
Theo nghiên cứu của Thạc sĩ Lê Thị Tố Quyên (Trường Đại học Cần Thơ) và cộng sự, nhìn từ việc phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ở tỉnh An Giang, từ đó đưa vào phát triển du lịch, có thể thấy rõ sự gắn kết giữa các mô hình kinh tế, dịch vụ gắn với bảo tồn bản sắc văn hóa.
Đó là, hoạt động du lịch tại các hộ dân tộc thiểu số Khmer như tham quan làng nghề dệt thổ cẩm Văn Giáo, dự các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo như lễ Chol Chnam Thmay, lễ hội đua bò, thưởng thức các đặc sản bánh bò thốt nốt, gà đốt ô thum...
Các hộ dân tộc thiểu số là người Chăm ở An Giang phát triển kinh tế, dịch vụ du lịch từ nghề dệt thổ cẩm truyền thống ở các làng nghề Châu Phong, Châu Giang, Đa Phước; đưa du khách đến trải nghiệm các lễ hội truyền thống tín ngưỡng tôn giáo của người Chăm như Tháng nhịn ăn Ramadan, Lễ Roya – Tết dân tộc, thưởng thức món tung lò mò, cơm nị cà ri...
Theo Hòa thượng Đào Như, Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Viện trưởng Học viện Phật giáo Nam tông Khmer, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam thành phố Cần Thơ: Đồng bào Khmer luôn được Đảng, Nhà nước và chính quyền thành phố quan tâm. Các dự án quốc gia, Chương trình 134, 135 của Chính phủ, những sự quan tâm của thành phố trong việc hỗ trợ nhà, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn, đã làm thay đổi nhanh chóng diện mạo các ấp, xã, góp phần làm cho đời sống đồng bào Khmer ngày càng được nâng lên. Cùng với đó, các hoạt động sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, gìn giữ những nét văn hóa trong đời sống của đồng bào luôn được quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị...
Vừa qua, Trai đường Học viện Phật giáo Nam tông Khmer đã được khánh thành tại quận Ô Môn (Cần Thơ). Việc xây dựng và hoàn thành công trình này thể hiện sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, Trung ương Giáo hội, các tăng ni, cư sĩ, phật tử, các nhà hảo tâm, sư sãi Phật giáo Nam tông Khmer...
Ngoài chức năng đào tạo, Học viện còn tổ chức nhiều hoạt động tôn giáo như Lễ Dâng y Kathina, Lễ nhập hạ, Lễ Phật đản, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo và bảo tồn những nét văn hóa của đồng bào Khmer.
Tăng cường gắn kết giữa phát triển các mô hình sinh kế với bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, một số chuyên gia, nhà quản lý cũng đề xuất cần khuyến khích các dự án khởi nghiệp, xây dựng mô hình giảm nghèo gắn với lợi thế của địa phương.
Các cấp, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động tìm việc làm, đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ - du lịch; có chính sách đãi ngộ, hỗ trợ thuế cho danh nghiệp khi đến đầu tư và phát triển du lịch ở vùng dân tộc thiểu số, khuyến khích hộ dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm du lịch dựa trên bản sắc văn hóa địa phương.
Tiến sĩ Lộc Thị Thủy, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam cho rằng: Các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu - những tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số cần tăng cường phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể, vật thể theo hướng tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức nhiều hoạt động lữ hành, phát triển du lịch.
Các địa phương tăng cường thúc đẩy các hoạt động kết nối du lịch xuyên biên giới với các địa phương ở Campuchia thông qua tuyến Cần Thơ-Siem Reap, Cần Thơ-Phnom Penh (Campuchia), đưa văn hóa trở thành đòn bẩy, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer nói riêng, các tỉnh, thành trong vùng nói chung; nhằm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025 theo Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của TTCP.