Phát triển nghề nuôi cá nước lạnh ở vùng cao

Những năm gần đây, nhiều địa phương như huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên… của tỉnh Lai Châu đẩy mạnh phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Nhiều người dân đã vươn lên thoát nghèo, đời sống kinh tế ổn định. Nghề nuôi cá nước lạnh đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho vùng đất biên giới này.

Chú thích ảnh
Nuôi cá lồng tại huyện Tân Uyên (Lai Châu). Ảnh minh họa: Việt Hoàng/TTXVN

Bản Dền Sung và Sin Suối Hồ (xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) có khí hậu mát mẻ, nguồn nước lạnh sạch rất thích hợp để nuôi các loại cá tầm, cá hồi. Hiện một số hộ dân trong bản đã xây bể nuôi cá tầm thương phẩm, đang phát triển tốt.

Đầu năm 2020, ông Sùng A Phông (bản Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ) đã mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Tả Cù San và bắt tay xây dựng 2 bể nuôi cá nước lạnh. Sau thời gian học hỏi kinh nghiệm chăm sóc, nuôi cá hồi, cá tầm ở thị xã Sa Pa (Lào Cai) và huyện Tam Đường, hợp tác xã đã nhập giống cá tầm về để nuôi và phát triển mở rộng. Đến nay, hợp tác xã đã có 4 bể cá nước lạnh, mỗi năm xuất bán ra thị trường thu về hơn 400 triệu đồng.

Ông Sùng A Phông cho biết, nhận thấy nước lạnh chảy từ thác ở bản rất trong, khí hậu mát mẻ nên ông đã nảy ra ý định nuôi cá tầm và sang thị xã Sa Pa để học hỏi. Đến nay, mô hình nuôi cá phát triển tốt. Thuận lợi nữa là Bản Sin Suối Hồ hấp dẫn khách du lịch nên rất phù hợp cung cấp cá cho các nhà hàng, điểm homestay trong bản. Hợp tác xã sẽ mở rộng quy mô và phát triển hơn nữa để nhiều người dân cùng tham gia.

Đến nay, xã Sin Suối Hồ đã có 27 hộ nuôi với thể tích 12.000 m3, cung cấp cá thương phẩm nhu cầu tại bản du lịch Sin Suối Hồ. Nhờ đó, nhiều hộ dân trong xã có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nuôi cá nước lạnh, đời sống kinh tế dần ổn định.

Hiện trên địa bàn huyện Phong Thổ đã có 244 bể nuôi với thể tích 33.268 m3, sản lượng cá thịt mỗi năm mới chỉ đạt 70 tấn. Huyện đang khuyến khích người dân và doanh nghiệp vào đầu tư lĩnh vực này.

Ông Vũ Hữu Lưỡng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phong Thổ cho biết, huyện có nhiều lợi thế về nguồn nước, khí hậu để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh. Chính vì vậy, quy mô, sản lượng nuôi cá nước lạnh hàng năm trên địa bàn dần được tăng lên và bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, mô hình này cần nguồn vốn lớn, đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao nên chưa có nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư thực hiện.

Thời gian tới, huyện tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư, liên kết với các hộ dân để hướng dẫn, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm và bao tiêu sản phẩm nuôi cá nước lạnh cho bà con để ngày càng phát triển hơn mô hình này. Đồng thời, lồng ghép các chương trình, dự án để hỗ trợ vay vốn, đào tạo nghề nuôi cá nước lạnh cho người dân.

Nhận thấy lợi thế của địa phương thích hợp với mô hình nuôi cá hồi, cá tầm nên xã Bản Bo (huyện Tam Đường) cũng đã đưa mô hình nuôi cá nước lạnh phát triển trong những năm gần đây. Phó Chủ tịch UBND xã Bản Bo Đỗ Trọng Thịnh cho biết, năm 2022 - 2023, xã Bản Bo đưa vào quy hoạch 2 điểm nuôi cá nước lạnh và đã thành công. Trên cơ sở đó, địa phương mở rộng quy mô, hiện đã có 7 cơ sở nuôi cá trên địa bàn. Qua đánh giá, cá nước lạnh thích hợp với nguồn nước, khí hậu nên sinh trưởng phát triển ổn định, bước đầu mang lại hiệu quả thu nhập cho các hộ nuôi.

Huyện Tam Đường được xem là địa phương đi đầu trong chăn nuôi cá nước lạnh của tỉnh Lai Châu. Những vùng nuôi cá nước lạnh thâm canh số lượng lớn như các xã Sơn Bình, Hồ Thầu, Khun Há… Toàn huyện hiện có 366 bể với thể tích 32.500m3, sản lượng cá xuất bán ra thị trường mỗi năm hơn 300 tấn cá thịt. Nhiều hộ nuôi, hợp tác xã, doanh nghiệp đã tự chủ động được việc tạo con giống, cung cấp giống trên địa bàn. Đặc biệt, việc nuôi cá nước lạnh tại Tam Đường đã theo quy mô lớn, sản xuất hàng hóa nên nguồn thu ổn định, tạo việc làm cho nhiều lao động nông thôn.

Lai Châu là một trong số ít các tỉnh có lợi thế tiềm năng về nguồn nước, khí hậu để nuôi cá nước lạnh. Với nhiều các khe suối như suối Nậm De, Nậm Tàng, Nậm Mở, Nà Đa, Thèn Thảo Hồ, Huổi Hồ… ở các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Tân Uyên, Than Uyên, Mường Tè. Đây là điều kiện thuận lợi để phát triển mô hình nuôi cá trên bể. Bên cạnh đó, với diện tích lòng hồ thủy điện lớn và đa dạng, cũng tiềm năng lớn để phát triển nuôi cá.

Theo Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lai Châu, khó khăn hiện nay của tỉnh để phát triển nghề nuôi nước lạnh là cơ sở hạ tầng giao thông, điện lưới… chưa đồng bộ, chưa đáp ứng được vùng nuôi; chi phí ban đầu đầu tư lớn, chất lượng con giống chưa ổng định, việc cấp mã vùng nuôi trồng chưa được người dân quan tâm...

Để tháo gỡ các khó khăn trên, sở đã tham mưu UBND tỉnh thông qua kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030. Theo đó, đề xuất xây dựng đường dây 35kV, trạm biến áp, đường giao thông đến một số điểm tiềm năng nuôi cá nước lạnh của tỉnh; xây dựng trạm kiểm dịch, triển khai đăng ký mã số nuôi trồng; khuyến khích và thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, xây dựng cơ sở nuôi giống cá nước lạnh…

Là tỉnh vùng cao có nhiều sông suối, nguồn nước lạnh dồi dào để phát triển nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao. Thời gian qua, việc phát triển nuôi cá nước lạnh được tỉnh Lai Châu quan tâm đầu tư. Tỉnh đã có nhiều chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ dân đầu tư nuôi cá nước lạnh như hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, vốn vay ưu đãi đến hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, quy mô phát triển nuôi cá nước lạnh của tỉnh tăng khá nhanh. Đến nay, tỉnh Lai Châu đã phát triển diện tích nuôi cá nước lạnh lên hơn 65.300 m3 với sản lượng xuất ra thị trường ước đạt hơn 500 tấn cá thương phẩm mỗi năm.

Nguyễn Oanh (TTXVN)
Tăng cường chống khai thác bất hợp pháp để phát triển nghề cá
Tăng cường chống khai thác bất hợp pháp để phát triển nghề cá

Sắp tới kì kiểm tra của Uỷ ban châu Âu, nghề cá Việt Nam cũng ráo riết chuẩn bị các thủ tục để tiếp đón đoàn kiểm tra, cũng như kì vọng có thể tháo gỡ "thẻ vàng IUU “ để đẩy mạnh xuất khẩu thuỷ sản vào thị trường này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN