Đảng bộ huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) chỉ đạo các cấp ủy Đảng chính quyền trên địa bàn tiếp tục thực hiện có hiệu quả ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời, phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh, có lợi thế của địa phương như: khai thác chế biến khoáng sản, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản...
Là huyện miền núi còn nhiều khó khăn với tổng số 94.000 dân; trong đó, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm hơn 54%; giai đoạn 2021 - 2025, Đảng bộ huyện đã xây dựng, triển khai 14 nghị quyết, 5 đề án, 6 kế hoạch về các lĩnh vực. Đặc biệt, huyện tập trung chỉ đạo thực hiện 3 khâu đột phá quan trọng, làm tiền đề để địa phương tăng tốc, phát triển...
Thực hiện đột phá "Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng khu hành chính huyện, xây dựng xã Hóa Thượng thành đô thị trung tâm, phát triển nhanh về kinh tế - xã hội, từng bước hoàn thành tiêu chí đô thị loại IV vào năm 2025", địa phương đã bàn giao, đưa vào sử dụng 7 công trình tại trung tâm hành chính mới thị trấn Hóa Thượng.
Địa bàn có 10 doanh nghiệp, hợp tác xã được cấp chứng nhận mã sỗ vùng trồng trên địa bàn 7 xã, thị trấn, trong đó có 8 mã vùng trồng chè; đồng thời, phát triển được 36 sản phẩm OCOP, chủ yếu là các sản phẩm trà đặc sản địa phương...
Theo Bí thư Huyện ủy Đồng Hỷ Nguyễn Văn Ngọc, nhờ tập trung chỉ đạo thực hiện ba khâu đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, địa phương luôn duy trì được mức tăng trưởng khá, thu hút được 9 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đăng ký đầu tư trên 1.200 tỷ đồng, giá trị sản xuất trên mỗi ha đất nông nghiệp ước năm 2023 đạt khoảng 124 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm bình quân hàng năm đạt 2,35%, đời sống nhân dân ngày càng nâng cao, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Đồng Hỷ triển khai 10 dự án, với 11 tiểu dự án: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất, đời sống ở vùng đồng bào DTTS và miền núi; đổi mới hoạt động, củng cố, phát triển các trường phổ thông dân tộc nội trú, trường phổ thông bán trú, trường phổ thông có học sinh bán trú và xóa mù chữ cho người dân vùng đồng bào DTTS; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS gắn với phát triển du lịch…Trong đó huyện tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trên 35 tỷ đồng.
Trong thời gian tới để tiếp tục đẩy mạnh các dự án của chương trình mục tiêu quốc gia, cần nghiên cứu kỹ các văn bản của trung ương, bộ ban ngành, để hướng dẫn địa phương thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật, tăng cường trách nhiệm người đứng đầu trong các chủ dự án, tiểu dự án./.