Bình Phước hiện có hơn 203.000 người dân tộc thiểu số, chiếm 19,67% dân số toàn tỉnh. Trong đó, người có uy tín có 364 người và 94 già làng tiêu biểu. Thành phần người có uy tín, già làng ở Bình Phước rất đa dạng như: cán bộ hưu trí; cán bộ thôn, ấp; chức sắc, chức việc các tôn giáo; người sản xuất, kinh doanh giỏi…
Trong năm qua, người có uy tín, già làng tiêu biểu trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Bình Phước đã phát huy có hiệu quả vai trò của mình trong tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước nói chung và thực hiện chính sách dân tộc nói riêng; tích cực tham gia phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, giữ gìn, củng cố quốc phòng - an ninh và vận động đồng bào thực hiện, được sự hưởng ứng tích cực của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Các hoạt động xã hội hóa như: hiến đất làm đường, làm trường học, nhà văn hóa, đóng góp kéo điện về thôn, vận động đồng bào đóng góp công sức xây dựng nông thôn mới… có những đóng góp rất lớn của người có uy tín, già làng tiêu biểu.
Bên cạnh đó, người có uy tín, già làng tiêu biểu đã vận động nhân dân khôi phục những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc, thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đăng ký thi đua thực hiện gia đình văn hóa, xóa bỏ hủ tục, đẩy lùi tệ nạn như: tập tục đâm trâu trả của tốn kém, lãng phí; các hoạt động cúng bái mê tín dị đoan khi gia đình có người ốm đau; hủ tục trong tang ma, cưới hỏi, sinh đẻ... ; khôi phục Lễ hội phá bàu, Lễ mừng lúa mới, khôi phục phát triển nghề dệt thổ cẩm, các món ăn đặc trưng dân tộc, các làn điệu dân ca, cồng chiêng, thành lập các đội văn nghệ dân tộc thiểu số…
Đặc biệt, trong những năm gần đây, người có uy tín, già làng tiêu biểu còn tăng cường tuyên truyền vận động đồng bào dân tộc thiểu số không bán điều non, cầm cố đất, sang nhượng quyền sử dụng đất - giải quyết vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh, góp phần giữ ổn định xã hội, giúp nhiều hộ còn đất để canh tác, ổn định và phát triển kinh tế gia đình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trần Tuyết Minh đã biểu dương và cảm ơn những đóng góp của già làng, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.
Trong thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Ban Dân tộc tỉnh tiếp tục chủ trì phối hợp với các sở, ngành địa phương để tham mưu UBND tỉnh rà soát các chính sách cho người có uy tín, già làng tiêu biểu, từ đó triển khai đảm bảo hiệu quả, đúng đối tượng, đúng quy định, kịp thời gian đi vào đời sống.
Đối với những người có uy tín, già làng tiêu biểu cần tiếp tục nắm bắt tốt hơn tình hình đời sống cũng như tâm tư nguyện vọng của đồng bào thiểu số vùng mình sinh sống. Trên cơ sở đó, sẽ có hướng dẫn, động viên cho bà con các giải pháp để phát triển kinh tế, chăm lo đời sống cũng như tìm kiếm việc làm phù hợp; phát huy tấm gương đi đầu trong sản xuất, chăn nuôi, xây dựng nông thôn mới; xóa bỏ hủ tục, xây dưng nếp sống văn hóa… Người có uy tín, già làng cần tiếp tục tích cực tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đảm bảo an ninh trật tự trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đồng hành với địa phương trong xây dựng Đảng, chính quyền và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước tặng thưởng bằng khen cho 25 cá nhân dân tộc thiểu số tiêu biểu xuất sắc tỉnh Bình Phước năm 2022.