Chỉ mới cách đây khoảng 4 năm, khi còn là Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Trung Thành 2, thuộc xóm Trung Thành, xã Vô Tranh, huyện Phú Lương, sản phẩm chè xanh an toàn đặc sản của Tổ hợp tác xã này đã khá nổi tiếng ở Thái Nguyên và các tỉnh lân cận. Nhờ việc ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, sử dụng nguyên liệu từ các giống chè giâm cành có năng suất cao như: LDP1, TRI 777… và quy trình chăm sóc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, bón phân hữu cơ đảm bảo liều lượng, thời gian cách ly theo tiêu chuẩn VietGAP, sản phẩm chè của Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Trung Thành 2 thường được bán ra thị trường với giá bán gấp đôi, gấp ba chè của địa phương, đem lại thu nhập ổn định cho gần 40 hộ làm chè nơi đây.
Không bằng lòng với những gì đạt được, ngay đầu năm 2021, các thành viên trong tổ hợp tác đã thống nhất thành lập Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến trên cơ sở Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Trung Thành 2.
Bà Tống Thị Xuyến, Giám đốc Hợp tác xã chè Hoan Xuyến cho biết, trước đó, trong năm 2020, sản phẩm "Chè xanh Hoan Xuyến" của Tổ hợp tác sản xuất chè an toàn Trung Thành 2 đã được chứng nhận là sản phẩm OCOP và có sức tiêu thụ mạnh trên thị trường.
Việc đăng ký sản phẩm OCOP ngoài chứng minh cho sản phẩm sạch và an toàn, có nguồn sản phẩm của địa phương rõ ràng, được quản lý chất lượng theo quy trình chuẩn an toàn còn như một "giấy thông hành" khi ra các thị trường ngoài tỉnh, nhất là các thị trường lớn của chè Thái Nguyên như: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Thành phố Hồ Chí Minh...
Trong dịp Tết vừa qua, giá của sản phẩm chè OCOP của hợp tác xã được bán ra thị trường với mức giá khoảng 1 triệu đồng/kg, cao gấp đôi so với sản phẩm chưa được chứng nhận sản phẩm OCOP.
Sau khi tham gia vào chương trình OCOP thì các thành viên trong tổ hợp tác thấy rằng, cần phải thành lập hợp tác xã mới đủ khả năng và điều kiện cho sản xuất hàng hóa quy mô lớn, có khả năng liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cao. Vì vậy, Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến đã được thành lập với quy mô ban đầu gồm 7 thành viên và tổng diện tích chè sản xuất theo hướng hữu cơ và chuẩn VietGAP trên 15 ha...
Hiệu quả lớn nhất khi tham gia vào chu trình sản xuất sản phẩm OCOP đối với Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến không chỉ là nâng cao giá trị sản phẩm chè đặc sản truyền thống của vùng chè đặc sản Vô Tranh - Tức Tranh (Phú Lương) mà còn giúp các thành viên tham gia vào hợp tác xã hình thành phương thức sản xuất mới, có sự liên kết rõ ràng giữa các hộ trong vùng sản xuất sản phẩm OCOP, đem lại hiệu quả kinh tế cao...
Không chỉ riêng sản phẩm chè xanh đặc sản của Hợp tác xã chè an toàn Hoan Xuyến, trong năm qua, hàng loạt các sản phẩm nông sản thế mạnh của Thái Nguyên đã được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao đã được người tiêu dùng ưa chuộng và có chỗ đứng nhất định tại thị trường trong nước. Đó là: miến tỏi đen Trường Thọ, miến Việt Cường Hóa Thượng của Hợp tác xã dịch vụ sản xuất miến dong Việt Cường, xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ; Tân Hương Trà. Lộc Hương Trà (Hợp tác xã chè Tân Hương, xã Phúc Xuân, Thành phố Thái Nguyên); Nhất Đinh trà, Trà tôm nõn (Hợp tác xã Tâm Thái Trà, xã Tân Cương, Thành phố Thái Nguyên); Mỳ gạo Bao Thai Định Hóa (Hợp tác xã chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch xã Kim Phượng, huyện Định Hóa)...
Để triển khai chương trình OCOP đạt hiệu quả cao, từ năm 2019, tỉnh Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch và bố trí nguồn vốn cho chương trình giai đoạn 2019 - 2025 gần 700 tỷ đồng; trong đó, ngân sách tỉnh là 17 tỷ đồng, 63 tỷ đồng từ ngân sách huyện, xã; kết hợp lồng ghép các nguồn vốn khác 246 tỷ đồng; vốn xã hội hóa trên 360 tỷ đồng...
Tỉnh cũng thực hiện cơ chế hỗ trợ 30 triệu đồng/sản phẩm cho các sản phẩm OCOP đạt 4 sao và hỗ trợ 20 triệu đồng/sản phẩm cho 13 sản phẩm OCOP đạt 3 sao. Các địa phương trong tỉnh ưu tiên nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ các dự án phát triển theo chuỗi giá trị, các chủ thể là hợp tác xã tham gia phát triển sản phẩm OCOP, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, tổ chức các lớp tập huấn ngắn với sản phẩm thế mạnh của địa phương, hỗ trợ thiết kế logo, đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, xây dựng dữ liệu sản phẩm, thực hiện OCOP truy xuất nguồn gốc, xây dựng mẫu cách thức thực hiện một sản phẩm hoàn chỉnh để đánh giá, xếp hạng.
Sau 2 năm triển khai chương trình OCOP, đến nay, toàn tỉnh Thái Nguyên đã có 76 sản phẩm được cấp chứng nhận sản phẩm OCOP; trong đó có 23 sản phẩm 3 sao và 53 sản phẩm 4 sao. Trong số các sản phẩm OCOP 4 sao có 7 sản phẩm đã được lập hồ sơ đề nghị Trung ương xếp hạng 5 sao.
Theo ông Trần Nho Hưởng, Phó chánh Văn phòng điều phối chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Thái Nguyên, nhờ việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả, Chương trình OCOP của tỉnh Thái Nguyên đã có những kết quả khả quan về số lượng, mẫu mã, chất lượng sản phẩm, từng bước đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường, tạo lòng tin của người tiêu dùng, tạo ra "cuộc cách mạng" về bao bì và chất lượng sản phẩm, dần hình thành nhóm sản phẩm đặc sản của từng vùng.
Trong chương trình OCOP, người dân đóng vai trò chính khi tự quyết định lựa chọn và phát triển các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh của địa phương, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ngoài việc người dân là chủ thể cũng đã thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp chính quyền trong việc tuyên truyền, hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, thúc đẩy nhanh quá trình liên kết, hợp tác giữa người nông dân và các hợp tác xã, doanh nghiệp và phát triển các hợp tác xã.
Chuỗi liên kết giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm được hình thành khép kín từ các khâu nuôi, trồng - chăm sóc - thu hoạch - bảo quản - chế biến - đóng gói - quảng bá, xúc tiến thương mại - tiêu thụ sản phẩm. Quy mô vùng nguyên liệu được mở rộng, chuẩn hóa về quy trình chăm sóc, đạt tiêu chuẩn quốc gia và hướng tới xuất khẩu.
Các sản phẩm đa dạng về chủng loại và chất lượng sản phẩm, ngoài các sản phẩm về chè, hiện ở Thái Nguyên còn có nhiều sản phẩm OCOP được thị trường tiêu thụ mạnh như: gạo, na, tinh bột nghệ, cao ngựa bạch... Đặc biệt, giá trị kinh tế của sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của tỉnh được nâng lên từ 20% trở lên nhờ đạt tiêu chí OCOP và việc xúc tiến thương mại. Doanh số bán hàng của các đơn vị, hợp tác xã, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất có sản phẩm OCOP đạt 3, 4 sao đều tăng so với trước.
Năm 2011, tỉnh Thái Nguyên đặt mục tiêu có ít nhất từ 20 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, tiếp tục triển khai chương trình OCOP ở tất cả các huyện, thành, thị trong tỉnh. Để đạt được mục tiêu này, Thái Nguyên tăng cường hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng, triển khai kế hoạch nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển quy mô sản xuất, đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, xúc tiến thương mại.
Tỉnh chỉ đạo chính quyền các xã, thị trấn hướng dẫn, hỗ trợ các chủ thể tham gia chu trình OCOP đăng ký ý tưởng sản phẩm mới và sản phẩm đã có với hệ thống quản lý chương trình OCOP cấp xã, huyện; thực hiện cơ chế khuyến khích, ưu tiên hỗ trợ phát triển các sản phẩm chế biến sâu, công nghệ cao, quy mô lớn, tính cộng đồng cao, giá trị gia tăng lớn, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ…