Theo lãnh đạo UBND tỉnh Ninh Thuận, các chợ nông sản, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa là nơi bán buôn sầm uất, khó kiểm soát. Nếu không thực hiện giải pháp để quản lý chặt chẽ thì nguy cơ xảy ra dịch và lây lan dịch bệnh rất khó kiểm soát và xử lý kịp thời. Vừa qua, ngay tại chợ đầu mối nông sản Phan Rang, ở phường Tấn Tài, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, qua điều tra dịch tễ đã phát hiện trường hợp nhiễm dịch COVID-19.
Xác định mức độ nguy hiểm trên, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có thông báo tạm dừng hoạt động kinh doanh của chở nông sản Phan Rang trong 3 ngày (19-21/7) để đánh giá nguy cơ lây nhiễm, tiến hành khử khuẩn; đồng thời tiếp tục rà soát, khoanh vùng, truy vết, điều tra dịch tễ. Bên cạnh đó, tổ chức lập danh sách các tiểu thương của các chợ trên địa bàn quản lý và phối hợp với Trung tâm Y tế tổ chức lấy mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên virus SARS-CoV-2.
Đối với các chợ khác, UBND tỉnh Ninh Thuận giao chính quyền các địa phương xem xét, quyết định việc tạm dừng các chợ khi phát hiện có nguy cơ lây nhiễm nhằm kịp thời đánh giá, rà soát, truy vết, khoanh vùng dập dịch kịp thời theo phương châm “4 tại chỗ” trong chống dịch; đồng thời mở rộng việc tầm soát, xét nghiệm nguy cơ lây nhiễm tại các trung tâm thương mại, siêu thị, các chợ trên địa bàn tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Phan Tấn Cảnh, đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như cung cấp lương thực, thực phẩm; các cơ sở dịch vụ kinh doanh hỗ trợ hoạt động sản xuất nông nghiệp… thì vẫn được phép hoạt động nhưng phải đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch, giảm mức độ tập trung người lao động, đưa đón lao động… Nếu không đảm bảo an toàn phòng, chống dịch thì các cơ sở trên lập tức dừng hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Đối với các cửa hàng bách hóa, siêu thị phải giảm số lao động làm việc trong thời giãn cách xã hội; trong đó đối với Bách hóa xanh, Vinmart chỉ bố trí đủ 50 nhân viên làm việc tại cơ sở; Co.op mart chỉ bố trí từ 50-70% nhân viên đi làm so với trước thực hiện giãn cách và có giấy xác nhân cho nhân viên đi làm theo đúng tỷ lệ trên; cơ sở nằm tại địa bàn nào thì ưu tiên sử dụng lao động cư trú tại địa bàn đó, hạn chế việc đi lại qua địa bàn khác.
UBND tỉnh cũng khuyến khích người dân sử dụng thương mại điện tử trong hoạt động mua bán, giao và nhận hàng tận nhà đối với các loại hàng hóa thiết yếu nhưng vẫn phải đảm bảo quy định phòng, chống dịch hiệu quả nhất.
Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Sanh, tính đến cuối năm 2020, Ninh Thuận có tổng cộng 102 chợ; trong đó chợ kiên cố 74 chợ; chợ bán kiên cố 22 chợ và chợ tạm 6 chợ.
Ninh Thuận là địa phương đang áp dụng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đối với thành phố Phan Rang-Tháp Chàm và huyện Ninh Phước; 5 huyện còn lại là Thuận Nam, Thuận Bắc, Ninh Sơn, Ninh Hải và Bác Ái cũng áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg từ ngày 17 đến 31/7.
Tính đến sáng 20/7, Ninh Thuận đã ghi nhận 39 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2; trong đó thành phố Phan Rang-Tháp Chàm 17 trường hợp; huyện Ninh Phước 18 trường hợp; huyện Ninh Hải 2 trường hợp và huyện Thuận Nam 2 trường hợp.