Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
Gắn OCOP với lợi thế nguyên liệu địa phương
Với sự hỗ trợ của Viện Cải thiện giống và Phát triển lâm sản thuộc Hội khoa học kỹ thuật Lâm nghiệp Việt Nam, năm 2019, Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn (xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp) được thành lập và đưa vào trồng cây tràm Úc để chiết xuất tinh dầu. Vừa làm vừa nghiên cứu, đổi mới công nghệ, đến nay, Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn đã cung cấp ra thị trường nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng như: các loại tinh dầu tràm, dầu gội thảo mộc, cao xoa tràm…
Anh Nguyễn Văn Dư, Giám đốc Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn cho biết, hiện nay, tổng diện tích trồng tràm của hợp tác xã là 6 ha tại các vùng nguyên liệu tại thành phố Tam Điệp và huyện Yên Mô. Sản lượng nguyên liệu ổn định đã cho thu nhập bình quân mỗi sào từ 2,2 - 2,5 triệu đồng/năm, gấp 2 - 2,5 lần so với trồng lúa.
Từ khi tham gia chương trình OCOP, chất lượng sản phẩm của Hợp tác xã Dược liệu Đông Sơn ngày càng được nâng lên. Đông Sơn đã được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao năm 2022. Qua đó, từng bước khẳng định chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tạo việc làm, thu nhập cho người dân địa phương- Anh Nguyễn Văn Dư nói.
Ông Đinh Văn Sỹ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đông Sơn, thành phố Tam Điệp cho biết, sau hơn 4 năm triển khai Chương trình OCOP, xã Đông Sơn là đơn vị dẫn đầu toàn tỉnh về số lượng sản phẩm đạt OCOP. Năm 2022, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 60 triệu đồng/người/năm. Năm 2023, địa phương dự kiến xây dựng thêm từ 6 - 7 sản phẩm OCOP.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kim Sơn, thực hiện Chương trình OCOP, năm 2023, huyện Kim Sơn đã lựa chọn những nông sản đặc trưng, gắn với vùng nguyên liệu để xây dựng sản phẩm OCOP. Hiện, huyện có 19 sản phẩm OCOP từ 3 - 4 sao, chủ yếu là nông sản hàng hóa, chế biến tinh dầu, hàng thủ công mỹ nghệ...
Chương trình OCOP đã tạo hiệu quả tích cực. Qua đó, tạo điều kiện phát triển các sản phẩm đặc trưng, truyền thống của địa phương và khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của mỗi địa phương. Qua đó, phát triển các sản phẩm có chất lượng theo đúng quy chuẩn, tăng khả năng cạnh tranh, đáp ứng nhu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.
Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị. Với mục tiêu đó, tỉnh Ninh Bình đã khai thác hiệu quả vùng nguyên liệu địa phương, gắn với chỉ dẫn địa lý để gia tăng giá trị sản phẩm OCOP.
Từ năm 2018, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), Ninh Bình đã từng bước xây dựng, phát triển sản phẩm địa phương đạt tiêu chuẩn OCOP, ban hành quyết định phê duyệt Đề án mỗi vùng có sản phẩm đặc trưng, chất lượng, an toàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2018 - 2020. Trong đó, mục tiêu trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất các sản phẩm truyền thống, sản phẩm đặc sản có lợi thế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn theo hướng phát triển nội sinh, gia tăng giá trị, đẩy mạnh chương trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn.
Bà Nguyễn Thị Lan Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, nhằm tiếp tục thực hiện hiệu quả Chương trình OCOP, giai đoạn 2023 - 2025, tỉnh đã gắn chương trình với xây dựng nông thôn mới bền vững; tập trung phát triển các sản phẩm đặc sản, lợi thế, sản phẩm nghề, làng nghề truyền thống gắn với khai thác nguồn nguyên liệu địa phương, văn hóa và tri thức bản địa. Địa phương tập trung phát triển các vùng nguyên liệu nông sản đặc trưng gắn với sản phẩm OCOP như: Quy hoạch gắn với bảo tồn, phát triển các vùng nguyên liệu nông sản, dược liệu đặc trưng, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa sản xuất của người dân; xây dựng các mô hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm, nông nghiệp sinh thái gắn với vùng nguyên liệu, sản phẩm OCOP đặc trưng theo vùng, miền...
Phấn đấu đạt 150 sản phẩm OCOP từ 3- 4 sao trở lên
Sau 4 năm triển khai Chương trình OCOP, đến hết năm 2022, Ninh Bình đã có 101 sản phẩm được xếp hạng sản phẩm OCOP; trong đó có 33 sản phẩm 3 sao, 68 sản phẩm 4 sao trở lên, thu hút 69 chủ thể là doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh tham gia. Đến tháng 7/2023, các huyện, thành phố đã đánh giá, phân hạng thêm cho 21 sản phẩm. Chương trình OCOP tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp.
Tỉnh chú trọng các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý Chương trình OCOP từ tỉnh đến xã và sự hiểu biết của cộng đồng về OCOP. Các sản phẩm đã được hỗ trợ chuẩn hóa như: xây dựng hồ sơ chất lượng sản phẩm, tài liệu quản lý chất lượng nội bộ; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền để quảng bá sản phẩm; thiết kế website…
Địa phương tiếp tục phát huy lợi thế tiềm năng về tự nhiên, địa hình, văn hóa với 5 tiểu vùng kinh tế sinh thái. Giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình OCOP được tỉnh xác định là chương trình chuyên đề trọng tâm phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát huy nội lực và gia tăng giá trị. Ninh Bình đã ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn giai đoạn 2022 - 2025; trong đó có chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm OCOP như: Hỗ trợ chi phí cho chủ thể chuẩn hóa, phát triển sản phẩm OCOP 3 sao là 75 triệu đồng/sản phẩm; 4 sao là 85 triệu đồng/sản phẩm; 5 sao là 100 triệu đồng/sản phẩm… Nhờ đó, 100% huyện, thành phố trong tỉnh đã có sản phẩm OCOP.
Ông Phạm Văn Trung, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, để xây dựng thương hiệu OCOP, Ninh Bình hướng tới các sản phẩm đặc trưng, đặc hữu, đặc sản và hướng tới phục vụ du khách nhằm nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới và hoàn thành mục tiêu đến năm 2025 đạt 150 sản phẩm OCOP hạng từ 3- 4 sao trở lên. Tỉnh tập trung phát triển, chuẩn hóa các sản phẩm OCOP trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế về làng nghề, du lịch nông thôn; phấn đấu có 50% làng nghề truyền thống có sản phẩm OCOP.
Đồng thời, địa phương hỗ trợ ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao quy trình - công nghệ sơ chế, chế biến sản phẩm OCOP; thúc đẩy hệ thống thương mại điện tử, các kênh bán hàng trực tuyến đối với các sản phẩm có quy mô nhỏ, sản phẩm đặc sản địa phương và xây dựng chính sách hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, đặc biệt là các sản phẩm OCOP quốc gia...
Bài cuối: Đẩy mạnh chuyển đổi số nông thôn