Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc nhấn mạnh, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng. Từ đó, cộng đồng doanh nghiệp đã cùng các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân nỗ lực, phấn đấu đưa tỉnh Ninh Bình có bước phát triển khá nhanh và vững chắc sau 30 năm tái lập tỉnh, nhất là 5 năm giai đoạn 2015-2020 vừa qua đã đạt được nhiều kết quả nổi bật.
Theo đó, tổng thu ngân sách giai đoạn 2015-2020 đạt 68.382 tỷ đồng, riêng năm 2020 đạt 22.586 tỷ đồng, gấp 5,2 lần so với năm 2015, đứng thứ 13/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Sáu tháng đầu năm 2021, mặc dù vẫn chịu nhiều ảnh hưởng của dịch COVID-19, kinh tế của tỉnh Ninh Bình tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng GRDP 6 tháng tăng 7,18%, cao hơn bình quân chung của cả nước (bình quân chung cả nước đạt 5,8%) và đứng thứ 19 của cả nước, thứ 6 đồng bằng sông Hồng.
Với gần 9.000 doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh hiện nay, giai đoạn 2015-2020 doanh thu của các doanh nghiệp ước đạt trên 940 nghìn tỷ đồng, tăng 1,96 lần so với giai đoạn 2010-2015 (là 483 ngàn tỷ đồng), tạo việc làm cho hàng trăm nghìn lao động, thu nhập bình quân đạt khoảng 5,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 1,5 lần so với giai đoạn 2010-2015 (là 3,6 triệu đồng/người/tháng). Trong tổng số thu ngân sách của tỉnh năm 2020 là 22.586 tỷ đồng, các doanh nghiệp đã nộp trên 15.810 tỷ đồng, chiếm khoảng 70% tổng thu ngân sách của tỉnh.
Với mục tiêu lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng, "hiến kế" của các doanh nhân, từ đó có những giải pháp để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhất là trong giai đoạn chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19 hiện nay, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị, các đại biểu doanh nghiệp thẳng thắn nêu lên các khó khăn, vướng mắc, những tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, đề xuất và ý kiến đánh giá đối với hoạt động của các cơ quan, đơn vị, cá nhân trong bộ máy chính quyền của tỉnh.
Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp, ngành sau khi nhận được các kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp phải trả lời thẳng vào vấn đề, ngắn gọn, dễ hiểu, có trọng tâm, trọng điểm. Riêng đối với những vấn đề thực sự phức tạp, cần thời gian để rà soát, nghiên cứu, yêu cầu các đơn vị giải thích rõ và đề xuất phương án giải quyết cụ thể.
Hội nghị đối thoại đã ghi nhận 33 ý kiến trao đổi, đề xuất, kiến nghị trực tiếp của các doanh nghiệp, chủ yếu tập trung vào các nội dung như cơ chế chính sách về tín dụng, thuế, bảo hiểm xã hội; mặt bằng sản xuất kinh doanh; thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền điện tử; quản lý về đất đai, đê điều...
Đại diện Công ty TNHH Đầu tư phát triển Việt Thắng đề nghị tỉnh có chính sách quan tâm đối với đội ngũ giáo viên các trường mầm non, tư thục do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 các trường này gặp nhiều khó khăn đặc biệt là thiếu nguồn kinh phí để duy trì chi trả lương cho đội ngũ giáo viên.
Đại diện Công ty cổ phần Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao đề nghị các cơ quan nhà nước giúp đỡ, hướng dẫn các doanh nghiệp chuyển đổi số và tái cấu trúc cho doanh nghiệp phù hợp với chủ trương của tỉnh.
Đại diện Công ty TNHH Đầu tư Tiến Dũng đề nghị ngành ngân hàng hỗ trợ lãi suất để giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, giãn thời gian trả nợ đến hạn cho doanh nghiệp và tư vấn hỗ trợ không để doanh nghiệp rơi vào nhóm nợ xấu. Đồng thời, có chính sách và lãi suất ưu đãi với khoản vay của doanh nghiệp nhằm kích cầu kinh tế và thu hút đầu tư…
Các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp cơ bản được lãnh đạo UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban ngành, địa phương trực tiếp giải đáp, trả lời. Thông qua hội nghị cũng cho thấy những chủ trương, quan điểm, định hướng, chính sách của tỉnh Ninh Bình đã và đang phát huy được hiệu quả, tạo môi trường thuận lợi, thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển.
Ghi nhận, đánh giá cao và biểu dương những nỗ lực, cố gắng vượt qua khó khăn của các doanh nghiệp thời gian qua, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà đề nghị, thời gian tới, UBND tỉnh Ninh Bình cần nâng cao kỷ luật, kỷ cương trong chỉ đạo, điều hành cũng như tăng cường rà soát các khâu yếu kém, điểm "nghẽn" về quy hoạch, thủ tục hành chính, cán bộ… và đề xuất chính sách nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng cần quan tâm đầu tư có chiến lược, lâu dài, lành mạnh; nghiêm túc thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tiếp tục "hiến kế" cho tỉnh nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Ninh Bình.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Ninh Bình cũng đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam hỗ trợ, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Ninh Bình hợp tác đầu tư với những doanh nghiệp trong và ngoài nước để tiếp tục lớn mạnh trong thời gian tới.