Nhiều giải pháp mang tính đột phá trong xây dựng và phát triển nguồn nhân lực ở Long An

Sau gần 3 năm triển khai, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Long An về thực hiện đào tạo lao động trong Chương trình đào tạo nguồn nhân lực, đến nay tỉnh đã đạt được một số kết quả nhất định và đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh.

Đột phá nhiều giải pháp đào tạo

Thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU, Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh Long An đề ra các giải pháp và triển khai đến các đơn vị trực thuộc. Trong đó, nổi bật có một số giải pháp mang tính đột phá như: Đổi mới công tác truyển thông tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và tăng cường liên kết đào tạo nghề nghiệp giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh với doanh nghiệp, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, các trường đại học trong nước và ngoài nước trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, tay nghề cao…

Qua đó, ngành Lao động tỉnh đã phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao với các hình thức, như đăng tải tin, bài viết, phóng sự,  video clip, Panô tuyên truyền; tổ chức Tọa đàm “Chương trình hướng nghiệp - Đại học không phải là con đường duy nhất”, với các chủ đề: “Ai sẽ học đại học - Ai sẽ học nghề?”, “Chọn học gì để sớm tìm được việc làm?” phát sóng trực tiếp trên Đài Phát thanh - Truyền hình Long An. 

Chú thích ảnh
Hướng dẫn sinh viên Mô hình Trạm IMS- hệ thống sản xuất chiếu sáng thông minh, tại trường Cao đẳng nghề Long An.

Bên cạnh đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo Long An tổ chức Hội nghị cấp tỉnh về thực hiện công tác hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông. Tư vấn học nghề, việc làm cho học sinh đang học lớp 9, 12 ở các Trường THPT, THCS; tổ chức cho học sinh tham quan, trải nghiệm học nghề tại trường; cử giáo viên tham gia giảng dạy tiết hướng nghiệp cho học sinh lớp 12, tại 25 trường THPT trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh triển khai đào tạo theo nhu cầu doanh nghiệp và thị trường lao động; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo theo đặt hàng của 24 doanh nghiệp, với 216 lao động các nghề: Điện công nghiệp, Cơ điện tử, Công nghệ ô tô, Cắt gọt kim loại, Điện tử công nghiệp, Kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, Lắp đặt thiết bị cơ khí, Sửa chữa thiết bị may, Vận hành xe nâng; phối hợp với trên 200 doanh nghiệp để triển khai đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động, gắn giải quyết việc làm với nhiều hình thức, như: tổ chức cho 47 giáo viên thực hành thực tế tại doanh nghiệp; 1.917 học sinh, sinh viên thực tập tại doanh nghiệp; huy động 38 cán bộ kỹ thuật của doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo.

Liên kết với các Trường Đại học ở TP Hồ Chí Minh và trong khu vực tổ chức đào tạo đại học hệ vừa làm vừa học; Trường Cao đẳng Long An tổ chức hợp tác quốc tế Đức (GIZ) đầu tư thiết bị, xây dựng chương trình và tổ chức đào tạo nghề Cơ điện tử theo tiêu chuẩn của Đức; Trường được Dự án Aus4skill của Chính phủ Úc hỗ trợ đào tạo nghề Logictics theo chuẩn của Úc.

Trong niềm phấn khởi, bà Nguyễn Hồng Mai - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Long An, cho biết thêm, với những giải pháp trên, từ năm 2021 đến nay, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh đào tạo 67.571 người. Trong đó, trình độ trung cấp, cao đẳng 11.694 người, tỷ lệ 17,31%; sơ cấp và thường xuyên 55.877 người, tỷ lệ 82,69%. Qua đó, đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đến cuối năm 2023 đạt trên 74,74%, trong đó bằng cấp, chứng chỉ đạt 33,15%. 

Đổi mới và nâng cao chất lượng theo hướng hiện đại

Ông Võ Thanh Phong -Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Long An, cho biết,  qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU Thường trực Tỉnh ủy đã phê duyệt danh sách đề cử đi đào tạo 500 trường hợp/640 chỉ tiêu, đào tạo sau đại học (gồm 20 tiến sĩ, 117 thạc sĩ, 287 chuyên khoa I, 76 chuyên khoa II); chọn cử 30 sinh viên đào tạo bác sĩ tạo nguồn bác sĩ cho ngành y tế của tỉnh; tổ chức  bồi dưỡng ngoại ngữ bậc 3/6, với 227 lượt cán bộ, công chức, viên chức và 1 lớp bồi dưỡng ngoại ngữ tiếng Khmer với 32 lượt cán bộ, viên chức dự. Bên cạnh đó, UBND tỉnh có văn bản triển khai chính sách thu hút đối với 10 nhóm ngành thu hút theo Nghị quyết số 12-NQ/TU;…

Chú thích ảnh
Ông Nguyễn Thanh Hải –Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnhLong An (thứ 2 bên trái), tham quan dụng cụ y tế kỹ thuật cao tại Bệnh viện TWG Long An.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An, hiện nay các mục tiêu cụ thể của Nghị quyết số 12-NQ/TU,  đều đạt theo tiến độ. Nhiều quy định, hướng dẫn được tỉnh thực hiện đồng bộ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến công tác cán bộ, chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Công tác giáo dục và đào tạo có nhiều đổi mới, cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được đầu tư, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới được nâng lên. Công tác đào tạo nghề được quan tâm chỉ đạo, số lượng đào tạo nghề hàng năm tăng, các ngành nghề đào tạo gắn với việc làm thực chất hơn, từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của lao động, phù hợp thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên, bên cạnh đó tỉnh vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như Quy mô tuyển sinh đào tạo trình độ trung cấp và cao đẳng chiếm tỷ lệ thấp so với tổng số tuyển sinh đào tạo; đội ngũ nhà giáo thiếu so với quy mô đào tạo; thiết bị đào tạo một số ngành nghề chưa được đầu tư đầy đủ nên lao động sau đào tạo chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp và thị trường lao động, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật cao. Việc thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao làm việc trong hệ thống chính trị khá khiêm tốn; công tác tuyển dụng công chức, viên chức còn gặp khó khăn, nhất là việc tuyển dụng viên chức ngành giáo dục, y tế thiếu nguồn tuyển dụng;…

Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hải, để đạt mục tiêu đến năm 2025, Tỉnh ủy Long An đề nghị các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Nghị quyết số 12-NQ/TU. Các đơn vị cần có các giải pháp mang tính đột phá, khả thi, phù hợp nhằm xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp và nông nghiệp của tỉnh gắn với tái cơ cấu kinh tế của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tỉnh ủy hàng năm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI.

Các sở, ngành tiếp tục triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo theo hướng hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị cho các trường học, xây dựng đội ngũ giáo viên đảm bảo số lượng, chất lượng; nâng tỷ lệ trường đạt chuẩn, trường trung học phổ thông chất lượng cao. Tập trung nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, tăng quy mô tuyển sinh đào tạo trung cấp, cao đẳng, mở rộng, phối hợp đào tạo các chuyên ngành chất lượng cao gắn với lợi thế cạnh tranh của tỉnh, phục vụ cho nhu cầu lao động của doanh nghiệp. Đồng thời, đổi mới đào tạo nghề lao động nông thôn theo hướng đảm bảo hiệu quả, ngành nghề  phù hợp với nhu cầu lao động. Từ đó, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phù hợp đặc điểm tự nhiên của từng địa phương./.

Tỉnh Long An phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 75%, trong đó có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%; Tỷ lệ trường đạt chuẩn theo tiêu chí mới đến năm 2025 đạt 60%; tiếp tục xét duyệt, cử ít nhất 140 cán bộ, công chức, viên chức đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đào tạo sau đại học; tiếp tục đào tạo cao cấp lý luận chính trị, trung cấp lý luận chính trị theo kế hoạch đề ra; tổ chức lớp bồi dưỡng nguồn cấp ủy tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2025-2030;...
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN