Người dân Kiên Giang đồng lòng, góp sức vượt qua đại dịch COVID-19

Hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, người dân Kiên Giang đã đồng lòng góp sức cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh. Người có ít góp ít, người không có tiền thì góp công sức để giúp đỡ, chăm lo cho lực lượng làm nhiệm vụ trên tuyến đầu chống dịch và những người khó khăn do tác động của dịch bệnh.

Lập nhóm thiện nguyện

Chú thích ảnh
Các nhà hảo tâm hỗ trợ nguyên liệu cho Bếp ăn tình thương Hội Chữ thập đỏ tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN

Không ai bảo ai, cứ nơi nào thấy những hoàn cảnh khó khăn hay những nơi có ca lây nhiễm trong cộng đồng phải cách ly y tế tập trung toàn khu vực, thì ở đó xuất hiện những tấm lòng thiện nguyện giúp nhau cùng vượt qua. Có nơi thành lập nhóm, có người tự nguyện góp tiền, quà, thậm chí có những em học sinh tiểu học cùng với gia đình nấu cơm, xôi, làm bánh… gửi đến lực lượng làm nhiệm vụ cắm chốt, khu vực phong tỏa, cách ly và cảm động nhất là những lá thư viết tay động viên, chia sẻ.

Chị Phương Quế Hương, ngụ thành phố Rạch Giá, những ngày qua tất bật ngược xuôi để tìm người cùng nhau chia sẻ cho các chốt phòng, chống dịch, bà con đang bị phong tỏa cách ly y tế và người nghèo. Nào là đi mua nhu yếu phẩm, thực phẩm… rồi xin giấy đi đường để đến điểm giao nhận quà. Công việc không có thời gian nghỉ, nhưng làm được việc giúp ích cho cộng đồng chị cảm thấy rất vui.

Theo chị Quế Hương, trước đây khi chưa có dịch bệnh hoành hành, thấy hoàn cảnh khó khăn là nhóm của chị cùng nhau mỗi người một ít giúp đỡ, tặng tiền, quà, sửa chữa, xây nhà mới tặng hộ nghèo… Từ khi dịch COVID-19 diễn biến ngày càng phức tạp, nhiều nơi còn khó khăn, nhất là tuyến biên giới, biển đảo, vùng sâu, vùng xa, gần đây hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, chị và các thành viên trong nhóm như được tiếp thêm tinh thần, sức mạnh để tiếp tục “chiến đấu”.

Chị Quế Hương chia sẻ: Cảm động nhất là mới đây khi xã đảo Hòn Tre, huyện Kiên Hải có một số ca dương tính với SARS-CoV-2 và kéo theo nhiều F1, F2 phải cách ly y tế tập trung, tại nhà. Đội ngũ y, bác sĩ cũng phải “cách ly” theo để chăm sóc, từ đó kéo theo hệ lụy là thiếu thức ăn, nhất là các loại rau củ quả, thịt cá… vì ngăn cách với đất liền. Theo đó, Giám đốc Trung tâm y tế huyện đảo này nhờ nhóm của Quế Hương, Hữu Luân để “chi viện”. Ngay lập tức, cả ngàn kg thịt, cá, rau củ quả, đã “vượt” sóng ra đảo để hỗ trợ đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng có sức chiến đấu bảo vệ và chăm sóc cho người dân vùng đảo.

Không chỉ ở huyện đảo Kiên Hải, mới đây hay tin người dân huyện Giồng Riềng vừa thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, lại gặp thiên tai lốc xoáy làm sập, tốc mái nhiều nhà dân, nhóm Quế Hương, Hữu Luân kịp thời có mặt để động viên, chia sẻ. Hay như các huyện vùng sâu U Minh Thượng, Vĩnh Thuận đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, nhiều người dân gặp khó khăn, nhóm Quế Hương, Hữu Luân cũng không ai bảo ai cùng nhau góp tiền để mua nhu yếu phẩm, thực phẩm gửi đến kịp thời giúp người dân.

Chị Quế Hương cho biết, mới đây, khi nghe tin báo từ Công an phường Vĩnh Lạc, thành phố Rạch Giá, có hai mẹ con người dân tộc Khmer vừa mới ra viện về huyện An Biên, không có phương tiện để đi, trong khi đứa con bị gãy tay và dự định đi bộ về cách nhà khoảng 40 km. Biết được hoàn cảnh như vậy, chị Quế Hương liền liên hệ các phương tiện vận tải đủ điều kiện đi lại để gửi mẹ con họ về và còn hỗ trợ thêm tiền để mua thuốc uống sau ra viện.

Công tác thiện nguyện của nhóm Hòa Sen (thành phố Rạch Giá), trong những ngày này cũng tất bật không kém, người góp công, góp của để mua nhu yếu phẩm, thực phẩm, thuốc tây thông thường để tặng người dân đang bị cách ly y tế tập trung và khu vực phong tỏa y tế, người nghèo trong mùa dịch COVID-19. Anh Út, thành viên nhóm từ thiện này cho biết, trong tình hình chung của cả nước, đại dịch làm ảnh hưởng rất nhiều đến cuộc sống của người dân, nên nhóm xác định giúp được gì thì sẽ cố hết sức chứ không đặt ra chỉ tiêu.

Thực hiện Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, cả nhóm đã cố gắng “càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm càng quyết tâm cao hơn nữa”. Theo đó, nhóm đã thực hiện nhiều chuyến đi thiện nguyện, tặng hàng ngàn phần quà cho người dân khó khăn ở các huyện Giồng Riềng, Châu Thành, Gò Quao, thành phố Rạch Giá… các bếp ăn từ thiện ở các bệnh viên, khu cách ly tập trung. Gần đây, các tình nguyện viên trong nhóm còn tổ chức nấu các suất ăn đi từng hẻm nhỏ trên địa bàn thành phố Rạch Giá để phát cho bà con nghèo đang trong thời gian giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Người già, trẻ nhỏ cùng nhau góp sức chống dịch

Tại huyện vùng sâu Vĩnh Thuận, những nghĩa cử của nhóm thiện nguyện còn đáng quý và trân trọng hơn. Với mong muốn chia sẻ với những người dân gặp khó khăn trong thời gian thực hiện vùng cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19, nhóm bạn trẻ có tấm lòng thiện nguyện đã kết nối cùng nhau thành lập đội hình tình nguyện mang tên “Chuyến xe nghĩa tình” để hỗ trợ nhu yếu phẩm, thực phẩm đến với bà con vùng cách ly, phong tỏa. 20 thành viên của “Chuyến xe nghĩa tình” có độ tuổi và nghề nghiệp khác nhau, người thì có công việc ổn định, như bán cafe, bán hoa, người làm nghề dịch vụ xe, làm bảng hiệu, thậm chí trong đội xe này còn có những người phải đi làm thuê hằng ngày. Dù làm nghề gì nhưng tất cả họ đều có chung tình cảm, mong muốn làm việc thiện nguyện, giúp đỡ bà con đang gặp khó khăn trong vùng cách ly.

Anh Ngô Gia Lễ, thành viên nhóm tình nguyện “Chuyến xe nghĩa tình”, thị trấn Vĩnh Thuận, cho biết trong hoàn cảnh khó khăn chung, anh em tự đứng ra làm việc thiện nguyện, trước hết bảo đảm an toàn cho tình nguyện viên trong đội hình và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch COVID-19. Mỗi ngày lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được các thành viên vận chuyển tập trung về tại một khu vực, sau đó sẽ chia ra thành các phần nhỏ đều nhau, rồi xe vận chuyển đến các nơi cần sẻ chia, như các hộ dân khu phong tỏa, bếp ăn từ thiện tại Vĩnh Thuận. Các loại hàng hóa được các thành viên kêu gọi hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm đóng góp và cứ hai ngày, các thành viên cho xe chở đi phát tới từng hộ dân trong khu vực cách ly y tế.

Bà Bạch Thị Hai Lan, năm nay 70 tuổi, làm nghề buôn bán hoa giả tại chợ Vĩnh Thuận cho biết, từ khi thực hiện Chỉ thị 16 trên địa bàn tỉnh, bà Lan không bán hàng nữa. Thấy con cháu làm việc có ích, bà tình nguyện tham gia đội hình tình nguyện của “Chuyến xe nghĩa tình”, với mong muốn được góp chút sức nhỏ cùng bà con vùng cách ly y tế. Mỗi ngày bà đều tham gia vào những công việc, như tập kết hàng, chọn lựa hàng cho vào túi nhỏ để các tình nguyện viên đi phân phát cho bà con.

Có lẽ xúc động nhất là những món quà nhỏ và lá thư của hai anh em Cao Quốc Đạt - học sinh lớp 9  và Cao Quốc Nhân mới học lớp 4. Hai em ở thành phố Rạch Giá, có cha đang công tác ở huyện Giồng Riềng. Khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, biết cha và các cô, chú ngày đêm thực hiện công tác phòng, chống dịch rất gian nan cực khổ, hai em đã làm bánh gửi tặng và viết thư động viên các cô, các chú đang làm nhiệm vụ cắm chốt. 

Bà Lê Thị Vệ, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang cho biết, những ngày qua, nhất là hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về công tác phòng, chống đại dịch COVID-19, rất nhiều tập thể, cá nhân trong tỉnh mong muốn đóng góp công sức của mình. Có người ủng hộ mớ rau, con cá, cân tôm, cua; có người tặng nhiều phần quà giá trị từ vài triệu đến cả trăm triệu đồng, thậm chí nhiều đàn cá, gà, vịt đang nuôi cũng đóng góp cho bếp ăn từ thiện để những người nghèo được no lòng trong lúc khó khăn này. Người dân trong tỉnh không chỉ đùm bọc chăm lo cho nhau, mà còn ủng hộ 10 tấn hàng hóa thiết yếu, giúp sức cho TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Những tấm lòng thiện nguyện, những “Chuyến xe nghĩa tình” cứ tiếp tục lăn bánh đến nơi cần giúp và chuyến xe đến đâu thì niềm vui, niềm hạnh phúc lại lan tỏa đến đó, tiếp thêm niềm động viên, khích lệ, để mỗi người dân trong khu vực cách ly, phong tỏa, người có hoàn cảnh khó khăn cùng nhau đoàn kết vượt qua đại dịch COVID-19.

Lê Sen (TTXVN)
Nhiều địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp chống dịch ở mức cao
Nhiều địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp chống dịch ở mức cao

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, nhiều địa phương tiếp tục áp dụng biện pháp chống dịch ở mức cao.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN